Agribank Đông Gia Lai ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với việc huy động vốn tăng trưởng tới 19,5% so với đầu năm, Agribank Đông Gia Lai tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng, ưu tiên nguồn vốn cho vay lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, Agribank Đông Gia Lai đã triển khai 9 chương trình cho vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh. Với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là lãi suất ưu đãi ngắn hạn chỉ từ 4,3%/năm, thấp hơn với sàn lãi suất cho vay thông thường, nguồn vốn tín dụng của Agribank được thị trường hấp thu tích cực.

1sc.jpg
Cán bộ tín dụng Agribank Đông Gia Lai trao đổi với đại diện doanh nghiệp về nhu cầu vốn đối với hoạt động thu mua nông sản. Ảnh: S.C

Tính đến hết tháng 3-2025, tổng doanh số giải ngân các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất của Chi nhánh là 3.000 tỷ đồng với khoảng 1.600 khách hàng vay vốn. Dư nợ đến ngày 31-3 là 1.600 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng dư nợ cho vay toàn Chi nhánh. Đây cũng là bước đột phá góp phần quan trọng trong việc giữ khách hàng, phát triển khách hàng mới, tăng trưởng dư nợ và tăng khả năng cạnh tranh của Chi nhánh.

Lãi suất cho vay thấp là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh doanh. Ông Lê Hồng Thịnh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trang Thịnh Gia Lai (thôn 5, xã Gào, TP. Pleiku) cho biết: “Doanh nghiệp vừa trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả vừa thu mua nông sản. Với đặc thù hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp luôn cần nguồn vốn tín dụng đồng hành hỗ trợ, bổ sung nguồn vốn lưu động khi vào mùa vụ cao điểm. Lãi suất cho vay thấp thì doanh nghiệp mới dám mạnh dạn vay vốn đầu tư kinh doanh, xây dựng nhà xưởng, mua sắm phương tiện, máy móc phục vụ sản xuất”.

Theo ông Thịnh, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay thấp như hiện nay, ngoài hoạt động thu mua nông sản, Công ty vay vốn của Agribank Đông Gia Lai để đầu tư trồng cà phê, mua sắm phương tiện vận chuyển nhằm đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vốn ngắn hạn, Agribank Đông Gia Lai áp dụng phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng giúp khách hàng cá nhân chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh. Ông Dương Văn Luận (tổ 7, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cho hay: “Gia đình có 5 sào đất chuyên trồng rau để bán lẻ và bỏ mối cho một số tiểu thương, trường học, dịch vụ tiệc cưới. Mỗi khi cần nguồn vốn để đầu tư sản xuất, tôi đến Phòng Giao dịch Agribank trên địa bàn để làm thủ tục vay vốn. Tôi thấy lãi suất cho vay đang thấp, phù hợp với khả năng và nguồn thu nhập của gia đình”.

Kết thúc quý I-2025, tổng nguồn vốn của Agribank Đông Gia Lai đạt 11.598 tỷ đồng, tăng 1.894 tỷ đồng, tăng 19,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ của đơn vị đạt 13.424 tỷ đồng, tăng 352 tỷ đồng, tăng 2,69% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ khách hàng doanh nghiệp chiếm 22% và dư nợ khách hàng cá nhân chiếm 78% tổng dư nợ.

Xác định lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mở rộng quy mô tín dụng, Agribank Đông Gia Lai đang triển khai các chương trình tín dụng lãi suất thấp như: chương trình tín dụng xanh dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi chỉ từ 3,3%/năm; chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ thực hiện ước mơ lớn với lãi suất ưu đãi thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,2%/năm và áp dụng lãi suất cho vay thông thường ở mức thấp hơn mặt bằng lãi suất trên thị trường.

2sc.jpg
Cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh Đông Gia Lai đang trao đổi với khách hàng về tình hình sản xuất rau màu. Ảnh: S.C

Ông Trần Quang Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Agribank Đông Gia Lai-cho biết: “Bám sát chỉ đạo của cấp trên, Chi nhánh đã chủ động triển khai các giải pháp kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường, điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay theo tín hiệu thị trường đảm bảo cạnh tranh, hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng. Thực tế triển khai các chương trình cho vay ưu đãi cho thấy mức độ hấp thu vốn của khách hàng khá tích cực”.

Trong bối cảnh các mặt hàng nông sản chủ lực như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng duy trì được mức giá tốt, nguồn tiền gửi vào ngân hàng dồi dào, Chi nhánh tập trung tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp. Agribank Đông Gia Lai phấn đấu đến cuối năm 2025, tổng dư nợ đạt 14.950 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm. Bên cạnh đó, Chi nhánh phấn đấu giữ vững nguồn huy động đạt mức 11.500 tỷ đồng, tăng 18,5% so với đầu năm.

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm hoàn thành công tác kiểm kê đất đai

Quyết tâm hoàn thành công tác kiểm kê đất đai

(GLO)- Lời Tòa soạn: Theo kế hoạch, trước ngày 30-6-2025, Gia Lai sẽ hoàn thành việc kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2024. Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Gia Lai đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo tăng trưởng năm 2025 đạt 8,06% trở lên

Gia Lai đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo tăng trưởng năm 2025 đạt 8,06% trở lên

(GLO)- Ngày 29-3, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 758/KH-UBND về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2025 của tỉnh Gia Lai đạt 8,06% trở lên.

Theo công bố của Cục Thuế tỉnh Gia Lai, có 83.053 hóa đơn điện tử đủ điều kiện tham gia kỳ lựa chọn "Hóa đơn may mắn" quý III năm 2024. Ảnh: Sơn Ca

Gia Lai có 334 người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế (trước đây) về việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai có 334 người nộp thuế đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Bắt kịp xu thế

Bắt kịp xu thế

Liên quan quản lý tiền kỹ thuật số (tiền số, 'tiền ảo'), Tổng Bí thư Tô Lâm vừa nhấn mạnh không để chậm chân, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách hoặc khu biệt với các hình thái tài chính mới cũng như những phương thức giao dịch hiện đại.