97% người nhiễm viêm gan C khỏi bệnh sau dùng thuốc kháng virus

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Virus viêm gan C lây qua đường máu, đường quan hệ tình dục và mẹ truyền cho con. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 5 trong số 10 nước có tỉ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất trên toàn cầu.
Ngày 14-12, tại hội thảo sơ kết triển khai điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV và người đang điều trị Methadone, PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết viêm gan C là một trong các căn nguyên hàng đầu dẫn đến bệnh gan mạn tính trên toàn cầu.
Đường lây truyền của virus viêm gan C tương tự như HIV nên tình trạng người có hành vi nguy cơ cao đồng nhiễm HIV và viêm gan C khá phổ biến. Người đồng nhiễm 2 bệnh lý này có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc giai đoạn cuối của xơ gan cao hơn. "Nếu không được điều trị, bệnh có nguy cơ chuyển thành ung thư gan và tử vong do các biến chứng của bệnh gan trong vòng 20-30 năm" - PGS Hương nói.
 
Tư vấn điều trị dùng thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV.
Tư vấn điều trị dùng thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV.
Bà Hương cho biết tại Việt Nam, theo kết quả giám sát của Bộ Y tế năm 2018 ghi nhận tỉ lệ nhiễm viêm gan C ở người nhiễm HIV khoảng 30%, ở người tiêm chích ma túy từ 40-90%. Ước tính, nước ta có khoảng 6,6 triệu người nhiễm viêm gan B mạn tính và hơn 900.000 người nhiễm viêm gan C mạn tính. Trong số này có 50.000 người đồng nhiễm HIV và viêm gan C mạn tính. Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong số 10 nước có tỉ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất trên toàn cầu
Theo tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Thị Nhàn, Cục Phòng chống HIV/AIDS, những năm gần đây, điều trị viêm gan C đã có những tiến bộ vượt bậc. Sự ra đời của các thuốc có tác dụng trực tiếp (còn gọi tắt là thuốc DAA) đã mang lại những hiệu quả lớn trong điều trị viêm gan C do rút ngắn thời gian điều trị cũng như tăng sự bao phủ đối với các kiểu gene khác nhau của virus viêm gan C. Hiện bệnh viêm gan C đã được điều trị khỏi trong vòng 12 tuần bằng phác đồ có các thuốc kháng virus trực tiếp.
Năm 2022, lần đầu tiên bệnh nhân điều trị ARV (thuốc kháng virus) và Methadone được hỗ trợ điều trị viêm gan C. Đến nay, số bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị Methadone mắc viêm gan C được điều trị tại 38 tỉnh, thành phố là 16.052 bệnh nhân, trong đó có gần 4.500 bệnh nhân Methadone.
Theo bác sĩ Nhàn, tỉ lệ điều trị khỏi viêm gan C lên đến gần 97% ở những người hoàn thành phác đồ và đủ điều kiện làm xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C. Nguồn thuốc điều trị này do Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tài trợ. Việc điều trị viêm gan C cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV đã giúp cho họ sống vui khỏe, tiếp tục ổn định điều trị ARV.
Hiện, điều trị viêm gan C đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên, giá thành điều trị viêm gan C ở Việt Nam còn cao và BHYT chỉ thanh toán cho các trường hợp điều trị viêm gan C từ tuyến tỉnh trở lên.
Theo N.Dung (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.