Bài viết trên báo Pretoria News khẳng định Việt Nam tăng cường vị thế quốc tế với những thành tựu kinh tế, hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế, thể hiện xuất sắc vai trò tại các tổ chức quốc tế.
Du khách quốc tế đeo khẩu trang, dạo bộ trên phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, báo Pretoria News (thành lập năm 1898 và là một trong những báo in có lượng phát hành lớn nhất tại thủ đô Pretoria và vùng phụ cận) ngày 2/9 đăng bài của Tổng biên tập Val Boje thông qua phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi.
Bài viết khẳng định Việt Nam tăng cường vị thế quốc tế với những thành tựu kinh tế trong nước, hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và quốc tế, cũng như thể hiện xuất sắc vai trò tại các tổ chức quốc tế, khu vực và cho thấy quan điểm của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Theo tác giả, Việt Nam kỷ niệm Quốc khánh 2/9 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) và cũng là ngày kỷ niệm Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc.
Ngoài những hoạt động kỷ niệm Quốc khánh, đây cũng là dịp để suy ngẫm và đánh giá những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được.
Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Hoàng Văn Lợi cho biết năm 2020 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng với Việt Nam, trong đó có Quốc khánh lần thứ 75 và 25 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là một thành viên quan trọng của khối.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong điều phối phản ứng của khu vực trước COVID-19, khi các quốc gia Đông Nam Á hợp tác ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và hỗ trợ lẫn nhau để giảm thiểu tác động kinh tế xã hội của đại dịch.
Đại sứ Hoàng Văn Lợi tin rằng ASEAN sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn từ đại dịch khi các quốc gia tạm đặt lợi ích riêng sang một bên và cùng nhau hợp tác vì lợi ích chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch hoành hành trên toàn thế giới, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông - vùng biển vốn được coi là nguồn tài nguyên thiên nhiên và thương mại quan trọng toàn cầu - đang gia tăng.
Đại sứ Hoàng Văn Lợi đánh giá quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực rất phức tạp nhưng với tư cách là nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam mong muốn một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ.
Đại sứ Việt Nam đánh giá với tư cách là động lực hợp tác và đối thoại giữa các khu vực, ASEAN phải là tổ chức chính trong nỗ lực ổn định tình hình ở Biển Đông trên cơ sở UNCLOS năm 1982.
Hy vọng rằng sau khi đại dịch COVID-19 qua đi, thế giới, trong đó có các thành viên ASEAN, sẽ có thể hướng tới một giải pháp cho vấn đề Biển Đông.
Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã hội nhập thế giới sâu rộng hơn. Việc thành lập Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (ASEAN FTA) và nhiều hiệp định thương mại tự do khác đã góp phần vào sự thịnh vượng của khu vực và đưa ASEAN trở thành một đối tác quan trọng trong quan hệ với các chủ thể ngoài khu vực.
Edward Teather, chuyên gia kinh tế ASEAN tại UBS Research đánh giá triển vọng của Việt Nam “sẽ là một trong những nước sáng sủa nhất ở khu vực”.
Phát biểu trong Khóa họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York ngày 28/9/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh hợp tác đa phương giữ một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đường phố rực rỡ cờ đỏ sao vàng trong ngày Quốc khánh 2/9. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN) |
Phát biểu trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những thách thức của khu vực trong thời gian trước bối cảnh của đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi đoàn kết và cam kết vượt lên những khó khăn để tăng cường kết nối và duy trì ổn định kinh tế.
Với những thành tựu ấn tượng trong phát triển và hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, các tổ chức quốc tế đã và đang đánh giá cao triển vọng của Việt Nam trong những năm tới.
Ngoài là thành viên của WTO, CPTPP và ASEAN FTA, tháng 6 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư châu Âu-Việt Nam (EVIPA), tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu và mang lại phương hướng tăng trưởng sau đại dịch.
Trên trường quốc tế, Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng xuất sắc thông qua đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, với chính sách đối ngoại “mở cửa,” ủng hộ các nguyên tắc độc lập, tự cường, hữu nghị và hợp tác; phát triển, hòa bình và thịnh vượng.
Trong tháng 9 này, Việt Nam sẽ tham dự kỷ niệm 25 năm Hội nghị Thế giới lần thứ 4 về phụ nữ và thông qua Tuyên bố Bắc Kinh, đồng thời tiếp tục thực hiện cam kết đối với quyền bình đẳng và nhân phẩm.
Nam Phi và Việt Nam có mối quan hệ bền chặt bắt nguồn từ những năm đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid.
Đại sứ Hoàng Văn Lợi hoan nghênh việc Nam Phi gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) với việc Ủy ban về Hợp tác và quan hệ quốc tế thuộc Quốc hội Nam Phi phê duyệt, cho phép các cơ quan chức năng Nam Phi tiến hành các thủ tục gia nhập TAC. Sự kiện diễn ra đúng năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.
Kết thúc bài viết tác giả trích dẫn đánh giá của Đại sứ Hoàng Văn Lợi cho rằng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á nhấn mạnh mối quan hệ tương tác giữa các quốc gia Đông Nam Á và mở ra cơ hội kinh tế mới cho Nam Phi với các nước thành viên của khối, trong đó có Việt Nam.
Theo Đình Lượng (TTXVN/Vietnam+)