Y tế học đường: Nhiều khó khăn, thách thức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, công tác y tế học đường hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, toàn tỉnh hiện có 117/756 trường học có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học, 519 trường có giáo viên/nhân viên kiêm nhiệm và 120 trường không có nhân viên phụ trách/kiêm nhiệm công tác y tế trường học.

Chị Trần Thị Hoa Thơm-Nhân viên Thư viện kiêm nhiệm công tác y tế học đường của Trường Tiểu học và THCS số 1 (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) chia sẻ: Trường được chia thành 2 khu nhưng chỉ có 1 tủ thuốc và phòng y tế được tích hợp với phòng bảo vệ. Trường cách Trạm Y tế xã gần 4 km, bệnh viện gần nhất cũng cách 10 km nên việc sơ cứu ban đầu cho học sinh là rất cần thiết.

“Từ khi được phân công kiêm nhiệm công tác y tế học đường, tôi chủ yếu chăm sóc sức khỏe cơ bản như: thoa dầu, xử lý vết thương ngoài da cho học sinh... Khi có học sinh cần trợ giúp, tôi thường đưa các em đến Trạm Y tế xã hoặc gọi gia đình đón về để xử lý”-chị Thơm cho hay.

Còn em Mai Lê Chí Viễn (lớp 2) thì cho hay: “Khi em hay các bạn bị thương hoặc cảm thấy không khỏe, chúng em được cô đưa vào phòng y tế. Nếu em bị đau bụng hay cảm sốt, cô gọi ba mẹ đến đón về hoặc chở đến trạm y tế, bệnh viện”.

thieu-nhan-luc-y-te-truong-hoc-la-kho-khan-chung-da-va-dang-ton-tai-o-nhieu-truong-anh-dong-lai.jpg
Thiếu nhân lực y tế trường học là khó khăn chung đã và đang tồn tại ở nhiều trường. Ảnh: Đồng Lai

Trao đổi với P.V, chị Huỳnh Thị Kim Hương-Trưởng Trạm Y tế xã Chư Đang Ya-cho biết: “Chúng tôi phối hợp với Trường Tiểu học và THCS số 1 xã Chư Đang Ya để triển khai khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Tuy nhiên, do Trạm Y tế xã không có bác sĩ và thiếu trang-thiết bị nên quá trình khám-chữa bệnh còn nhiều hạn chế”.

Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) hiện cũng chưa có nhân viên y tế chuyên trách. Cô Nguyễn Thị Luân-Phó Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: “Ban Giám hiệu cử cô giáo Tổng phụ trách Đội kiêm nhiệm công tác y tế. Khi có vấn đề cần hỗ trợ, chúng tôi nhờ Trung tâm Y tế huyện xử lý”.

Đề cập vấn đề này, ông Phạm Văn Đại-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Grai-cho biết: Toàn huyện có 41 trường học nhưng chỉ có 7 trường có nhân viên y tế chuyên trách. Một số trường có hợp đồng với trạm y tế xã để khám sức khỏe đầu năm học cho học sinh. Tuy nhiên, việc khám sức khỏe đầu năm học chủ yếu là tổng hợp, ghi chép cân nặng xem trẻ thiếu cân hay thừa cân, có cận thị, cong vẹo cột sống hay không.

“Chúng tôi mong được tuyển thêm nhân viên y tế trường học. Việc có nhân viên y tế tại trường không chỉ giúp đảm bảo chăm sóc sức khỏe kịp thời cho học sinh mà còn giảm bớt gánh nặng cho giáo viên. Điều này thực sự cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và đảm bảo an toàn cho các em học sinh”-ông Đại nói.

Bên cạnh đó, khó khăn về cơ sở vật chất, trang-thiết bị, tài chính phục vụ y tế trường học cũng đang là bài toán khó với các trường. Thầy Hoàng Văn Tùng-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS số 1 xã Chư Đang Ya-cho rằng: “Theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trường được trích lại 5% kinh phí từ nguồn thu bảo hiểm y tế để phục vụ y tế học đường. Tuy nhiên, khoản kinh phí này không đủ trang trải các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh”.

truong-tieu-hoc-kim-dong-ia-grai-to-chuc-kham-suc-khoe-dau-nam-hoc-cho-hoc-sinh-anh-dong-lai.jpg
Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) khám sức khỏe đầu năm học cho học sinh. Ảnh: Đ.L

Với nguồn kinh phí trích lại 5% từ tổng thu bảo hiểm y tế, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) sử dụng để mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cứu, xử trí ban đầu cho học sinh khi bị tai nạn thương tích hoặc các bệnh thông thường; mua sắm trang-thiết bị y tế cơ bản...

Hiệu trưởng Trịnh Thị Tuyết Lê chia sẻ: Với nguồn kinh phí này, nhà trường phải tiết kiệm mới tạm đủ cho hoạt động y tế học đường. Công tác y tế học đường gặp khó khăn cả về cơ sở vật chất, kinh phí lẫn nguồn nhân lực.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 117/756 trường có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học, 519 trường có giáo viên/nhân viên kiêm nhiệm và 120 trường không có nhân viên phụ trách/kiêm nhiệm công tác y tế trường học.

Ngoài ra, cơ sở vật chất ở một số cơ sở giáo dục không đảm bảo như: thiếu phòng làm việc cho nhân viên y tế, thiếu trang-thiết bị y tế; chưa có phòng y tế riêng biệt, phòng chưa đủ diện tích hoặc đã xuống cấp, không đảm bảo theo quy chuẩn. Thực tế đó đòi hỏi sự quan tâm đầu tư của ngành chức năng và các địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.