Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp ra đời từ năm 2014, nhưng đến nay, hầu hết các công ty mới dừng lại ở việc thẩm định các mô hình chuyển đổi trong giai đoạn tới.
Trong diện thực hiện Nghị định 118 có tới 49 tỉnh, thành phố, bộ, ngành có công ty nông, lâm nghiệp cần thực hiện sắp xếp, đổi mới.
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp-PTNT, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 118, tổng hợp ý kiến của các địa phương, đơn vị với 10 nhóm vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trước hết là vướng mắc liên quan đến đất đai, lao động và tài sản trên đất, nhất là việc khoán đất, khoán rừng và vườn cây ổn định.
Mặt khác, khi xây dựng đề án các công ty nông, lâm nghiệp phải thống nhất với địa phương, nên cần có thời gian để thực hiện và bảo đảm chất lượng của đề án và phương án.
Nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc lựa chọn mô hình mới, nhất là về tiêu chí để lựa chọn đối tác trong mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Hiện nay, tiêu chí cho công ty nông, lâm nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh không có, do đó, các công ty nông, lâm nghiệp ở những vùng này vừa phải hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa phải thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Việc thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó tại các địa phương có công ty nông, lâm nghiệp được sắp xếp theo mô hình này gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.
Một khó khăn không hề nhỏ đó là kinh phí cho đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới đất đai, ước tính cần 1.000 tỷ đồng. Mặc dù đã được Chính phủ hỗ trợ trên 60%, nhưng đến thời điểm hiện nay ngân sách Trung ương mới cấp được 150 tỷ đồng. Chính vì vậy, với những địa phương không có nguồn thu, khoản tiền 30% đối ứng từngân sách địa phương là bài toán rất khó giải.
Việc giao đất về địa phương do thực hiện giải thể hay thu hẹp nhiệm vụ, khi quy hoạch sử dụng diện tích đất này không dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp ở Tây Nguyên do trước đây nguồn gốc một phần đất của nông trường là của người dân đóng góp.
Việc cấp kinh phí quản lý, bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên được cân đối từ khai thác rừng, nhưng nay đã đóng cửa rừng, do vậy không có nguồn thu để cân đối chi cho công tác này. Một số công ty đã ngừng khai thác, nhưng tới năm 2015 Bộ Tài chính mới phân bổ kinh phí quản lý bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất.
Ngoài ra, do quy định của Nghị định 118 không có hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp, vì thế dẫn đến tình trạng một số công ty đủ điều kiện phá sản, lại không thực hiện được, khiến địa phương rất khó xử lý, vì các khoản công nợ của các công ty này lớn, chủ sở hữu không có khả năng giải quyết. Nếu thực hiện giải thể cần có cơ chế xử lý nợ để giảm gánh nặng cho địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.
Quyết định về đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích để các đơn vị chuyển sang thực hiện nhiệm vụ công ích có kinh phí để quản lý, bảo vệ rừng đến nay chưa được ban hành, các công ty thực hiện nhiệm vụ công ích do không có kinh phí và cơ chế thực hiện nên rất khó khăn trong quản lý bảo vệ rừng.
Cùng với các khó khăn trên, việc “đội” kinh phí và thời gian do kiểm đếm vườn cây, rừng trồng, cắm mốc ranh giới và xử lý các vấn đề về tranh chấp, lấn chiếm đất đai, xử lý lao động dôi dư... cũng ảnh hưởng đến thời gian thực hiện cổ phần hóa.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ một số phương án để tháo gỡ tình hình trên. Trọng tâm của việc tháo gỡ tập trung vào sửa đổi Nghị định về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường, lâm trường quốc doanh.
Cùng với đó là xử lý vấn đề về lựa chọn đối tác góp vốn thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên; xác định giá trị vườn cây rừng trồng; chuyển nợ sang cổ phần; sử dụng tiền bán cổ phần để chi phí tiền kiểm đếm vườn cây, rừng trồng; cho phép sử dụng kết quả rà soát hiện trạng đất đai hiện có để xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới...
Bên cạnh đó, hiện nay Bộ KH&ĐT cũng đã xây dựng xong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng; thu hút và khuyến khích đầu tư; đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp”.
Theo Chinhphu.vn