Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan để đánh giá kết quả đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026.
Một trong những điều Thủ tướng nhấn mạnh tại cuộc làm việc là phải cương quyết xóa bỏ "xin - cho", chống tiêu cực trong đầu tư công; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt dàn trải, manh mún, tạo khí thế, quyết tâm mới trong phát triển.
Xin và cho, nghe đơn giản vậy nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận thì đó là "căn bệnh trầm kha" tồn tại lâu nay. Điều này cán bộ các bộ, ngành, địa phương đều biết rõ. Có nơi, việc "chạy dự án", "chạy vốn đầu tư" được xem như tiêu chuẩn để đánh giá nhiệm kỳ. Có nơi, việc chọn cán bộ để bổ nhiệm cũng nhắm người nào quan hệ tốt với cấp trên, với ngành chức năng... vì mong sẽ xin được càng nhiều vốn, xin được càng nhiều công trình cho địa phương, đơn vị thì càng tốt. Tâm lý "xin - cho" còn lan ra nhiều mặt khác của đời sống.
Với ngân sách, lẽ ra không thể có chuyện xin - cho. Bởi lẽ, bao nhiêu trong nguồn lực ngân sách các cấp được sử dụng cho đầu tư công, bao giờ đầu tư, đầu tư ở đâu..., tất cả cần phải căn cứ tình hình thực tiễn và chiến lược, kế hoạch cụ thể. Đó là về nguyên tắc, mà thực hiện được như thế thì đã quá tốt.
Song, trong thực tế, ngân sách có hạn mà nhu cầu đầu tư thì quá lớn, nhiều công trình ghi vốn rất lâu mà vẫn không bố trí được vốn. Trong tình cảnh càng cấp bách thì càng dễ sinh ra chuyện phải xin xỏ, phải "chạy", để tranh thủ được nguồn vốn càng sớm càng tốt. Có xin thì có cho. Thành ra, một số người nghĩ rằng mình có quyền ban phát ngân sách, xem việc thiên vị chỗ này trước hay sau, nơi kia ít hay nhiều như một đặc quyền của bản thân, dù họ đang làm việc nước.
Không ít trường hợp, người xin muốn xin được thì không thể nói suông, còn người ở cương vị cho cũng nhân cơ hội này tranh thủ kiếm chút lợi ích cá nhân. Tiêu cực vì thế cũng dễ sinh ra ở chỗ này. Cho nên, xóa được "xin - cho" chính là xây dựng thêm được một thành trì để ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Nay thì Thủ tướng đã chỉ thẳng vào một trong những mặt tiêu cực trong đầu tư công, đó chính là chuyện "xin - cho". Và, chúng ta phải tuyên chiến với chuyện này bằng việc cương quyết xóa bỏ.
Để từng bước xóa bỏ chuyện "xin - cho", Thủ tướng nhấn mạnh: Phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bổ sung các quy định cần thiết.
Xóa bỏ "xin - cho" - mệnh lệnh đã được kích hoạt từ người đứng đầu Chính phủ!
Theo Lương Duy Cường (NLĐO)