Xây dựng văn hóa trong Đảng góp phần đấu tranh chống các thế lực thù địch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng văn hóa, đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao tinh thần gương mẫu, thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trung thực, tiên phong trong mọi hoạt động. Đó cũng chính là xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các thế lực thù địch.

Xây dựng văn hóa trong Đảng là việc làm thường xuyên

Hơn 2.700 tổ chức Đảng và gần 168.000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng là những con số được thông tin tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do Bộ Chính trị tổ chức. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…

Những con số đó đã cho thấy sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm vẩn đục văn hóa trong Đảng, làm tổn hại uy tín, thanh danh của Đảng, làm phương hại tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Việc Đảng nhận diện và nhìn thẳng vào thực tế đang tồn tại một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự yếu kém và thiếu hụt năng lực, sự lệch chuẩn văn hóa cho thấy đây là vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Khi nói đến tác động tiêu cực của suy thoái văn hóa trong Đảng, Văn kiện Đại hội X của Đảng đã cảnh báo “Đó là một nguy cơ liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.

Đảng ta nhiều lần đề cập đến vấn đề văn hóa trong Đảng và xem đây là “nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân.

Nhất quán quan điểm nêu trên, Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Trong đó, cần tập trung xây dựng văn hóa trong các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng; xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm; xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Xây dựng văn hóa trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng như Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị là xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đó cũng chính là xây dựng Đảng về văn hóa.

Các đại biểu dự hội thảo khoa học với chủ đề “Đảng bộ TP. Pleiku xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị-Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: Phương Dung

Các đại biểu dự hội thảo khoa học với chủ đề “Đảng bộ TP. Pleiku xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị-Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: Phương Dung

Nếu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là điều kiện cần thì xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa là điều kiện đủ để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Vì nếu không chú trọng những bảo đảm tối thiểu cần thiết về phẩm chất đạo đức, nhân cách của đảng viên, nhất là đảng viên có trọng trách lãnh đạo ở các cấp ủy thì khó có thể nói tới chất lượng, hiệu quả, tác dụng của chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Xây dựng văn hóa trong Đảng là việc làm thường xuyên và cần thiết hơn bao giờ hết để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, là danh dự và lương tâm của dân tộc. Bởi lẽ, văn hóa trong Đảng là một bộ phận của văn hóa dân tộc; là nơi hội tụ, kết tinh, biểu hiện tập trung nhất của văn hóa, trí tuệ dân tộc; là thước đo trình độ trưởng thành của Đảng và là nhân tố quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo, khả năng cầm quyền của Đảng.

Văn hóa trong Đảng gắn với văn hóa dân tộc

Thời gian vừa qua, các thế lực thù địch không ngừng chống phá đất nước ta trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Vì vậy, xây dựng văn hóa trong Đảng vào lúc này là hết sức cần thiết, cấp bách để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. Theo chúng tôi, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần chú trọng, làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, xác định đúng đắn vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa nói chung, văn hóa trong Đảng nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc xây dựng văn hóa trong Đảng phải gắn với việc xây dựng văn hóa dân tộc. Chỉ trên cơ sở phát huy những tinh hoa văn hóa dân tộc thì mới có điều kiện xây dựng văn hóa trong Đảng một cách vững chắc.

Hai là, văn hóa trong Đảng cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, phải thể hiện sự thống nhất giữa tư duy và hành động, giữa nói và làm. Đảng phải thực sự tự phê bình, dám mổ xẻ mình, xóa bỏ các nguy cơ đang đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn đang hiện hữu như: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; âm mưu “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Từ thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà Đảng đã nghiêm khắc chỉ ra, chúng ta phải xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng, làm cho các giá trị, chuẩn mực văn hóa thấm sâu vào đời sống của Đảng, trong sinh hoạt Đảng, trong mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức Đảng, giữa Đảng với Nhân dân. Thực hành đạo đức cách mạng, lời nói đi đôi với việc làm, rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống, tự phê bình và phê bình với tinh thần vì Đảng chứ không vì mình.

Ba là, xây dựng văn hóa trong Đảng phải trở thành việc làm thường xuyên, lâu dài, không chỉ là quyết tâm và trách nhiệm của toàn Đảng mà còn phải thu hút sự tham gia của toàn dân. Xây dựng văn hóa trong Đảng phải hết sức bền bỉ, công phu, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Phải làm cho toàn Đảng, từng tổ chức Đảng, từng cán bộ, đảng viên có nhận thức đúng về văn hóa trong Đảng, làm cho văn hóa trong Đảng trở thành những giá trị đặc trưng cho một đảng cách mạng chân chính và hiện đại. Phải làm cho Đảng tăng “sức đề kháng” để bảo vệ mình vì suy đến cùng sức mạnh của Đảng là sức mạnh về văn hóa.

Bốn là, xây dựng văn hóa trong Đảng cần tập trung lãnh đạo, chăm lo xây dựng đạo đức, xây dựng mối quan hệ đồng chí trong cùng tổ chức Đảng. Mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải là một tấm gương thực hành văn hóa, luôn nêu cao tính tiền phong trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chủ động, sáng tạo trong công tác, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.

Năm là, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân. Bản thân Đảng phải thực sự văn hóa; mọi đường lối, chủ trương của Đảng đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến và hướng tới chăm lo đời sống, lợi ích của Nhân dân. Phải tiếp tục thực hiện phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết, cái gì có lợi cho Nhân dân thì phải kiên quyết làm cho bằng được, cái gì có hại đến Nhân dân phải kiên quyết tránh và kịp thời loại bỏ những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng...

Sáu là, đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc và của Đảng ta, đoàn kết là sức mạnh vô địch của Đảng. Vì vậy, cần thực hành đoàn kết, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình” theo lời Bác căn dặn trong Di chúc. Sự đoàn kết thống nhất trước hết phải được xây dựng trong Đảng, được thể hiện trong Đảng. Bởi Đảng có đoàn kết trên dưới đồng lòng mới lo được cho dân, vì Nhân dân phục vụ. Đoàn kết là sức đề kháng để Đảng phòng ngừa các nguy cơ bè phái, cục bộ, “lợi ích nhóm”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, đảng viên: “Tự mình không trong sáng, không gương mẫu, tự mình đã hủ hóa thì không lãnh đạo được ai, không làm nên trò trống gì. Nếu tự mình đã cần kiệm, liêm chính, không tham danh vọng thì bất cứ thủ đoạn nào của kẻ địch cũng không thể mua chuộc và làm mình gục ngã”. Như vậy, ở đâu cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện đường lối, chính sách, trong lao động và sáng tạo thì ở đó phong trào phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao. Bác khẳng định văn hóa trong Đảng không có gì khác là “đạo đức”, là “văn minh”.

Văn hóa Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò to lớn tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, mọi tổ chức và mọi cá nhân trong xã hội Việt Nam hiện nay. Thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa trong Đảng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công trong vai trò lãnh đạo của Đảng, góp sức mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch chống phá Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Có thể bạn quan tâm

Học Bác từ những điều giản dị nhất

Học Bác từ những điều giản dị nhất

(GLO)- Với phương châm “Học Bác từ những điều giản dị nhất”, Chi hội Phụ nữ buôn Đông Thuớ (xã Chư Gu, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã đoàn kết, chung sức triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực nhằm khẳng định vị thế người phụ nữ cũng như đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

(GLO)- Sáng 28-10, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (1/11/1949-1/11/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

(GLO)- Với vai trò là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ, những năm qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở

Phát huy vai trò người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở

(GLO)- Chiều 9-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai”.

Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

(GLO)- 

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại Hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. 

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai

(GLO)-

Sáng 26-9, Đoàn Kiểm tra 1355-QĐNS/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Thượng tướng Trịnh Văn Quyết-Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.