Xây dựng các phương án thi công công trình cơ bản trong mùa mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công tác xây dựng cơ bản đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong năm-mùa mưa bão. Hiện tại, các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đang khẩn trương xây dựng các phương án, sẵn sàng về thiết bị, nhân lực nhằm đảm bảo tiến độ cũng như độ an toàn trong công tác thi công.

Trong những ngày này, “đội quân” của anh Lê Văn Hoan-chủ thầu xây dựng gần như ở không vì thời tiết không thuận lợi để triển khai thi công công trình đã nhận. Trả lời về việc làm thế nào để đảm bảo tiến độ công trình, anh cho biết: “Trước tiên, phải đảm bảo sức khỏe cho công nhân, trời mưa thì thôi, hễ nắng lên một chút thì tranh thủ làm. Chúng tôi cố gắng áp dụng các biện pháp kỹ thuật thi công trong mùa mưa như làm đất, làm nền móng, công tác xây, đổ bê tông, làm các mái che di động, vải bạt để việc thi công được liên tục. Chúng tôi cũng chú ý đến công tác đảm bảo an toàn kỹ thuật và an toàn lao động, đề phòng các sự cố có thể xảy ra như sụt lở hố móng, nghiêng đổ giàn giáo, cốp pha, các công trình trên cao”.
 

Tranh thủ ngày nắng để đảm bảo tiến độ công trình. Ảnh: Hà Duy
Tranh thủ ngày nắng để đảm bảo tiến độ công trình. Ảnh: Hà Duy

Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn, bất lợi mang tính thường niên nên tỉnh cũng đã có những dự lường nhất định. Tuy vậy, có thể thấy, tiến độ xây dựng cơ bản hiện đang chậm ở mọi khâu. Tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt rất thấp. Vốn ngân sách địa phương chỉ đạt 14,46% kế hoạch, vốn đầu tư hỗ trợ có mục tiêu chỉ đạt 15,74%, vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 1,33%, riêng vốn trái phiếu Chính phủ chưa thực hiện giải ngân.

Đến nay chỉ có 7/26 chủ đầu tư thực hiện giải ngân đạt trên 30%, còn lại giải ngân rất thấp và một số chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân. Sự chậm trễ trên một phần là bởi, theo Nghị định 207/2013/NĐ-CP, bên nhận thầu phải nộp cho bên giao thầu bảo lãnh tạm ứng hợp đồng với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng, song thực tế, có nhiều dự án đã triển khai thi công nhưng không tạm ứng vốn mà đợi thanh toán khối lượng hoàn thành, do đó nhiều công trình đã có khối lượng hoàn thành nhưng không tổ chức nghiệm thu thanh toán. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đến các sở chuyên ngành để thẩm tra theo quy định, do đó đã kéo dài thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư. Và mỗi khi các công trình mới bắt đầu được triển khai cũng là lúc bước vào mùa mưa bão.

Bởi vậy, nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành của các dự án, tỉnh đã tích cực tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công huy động tối đa nguồn lực đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. UBND tỉnh yêu cầu các bên phải xây dựng phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng huy động nhân lực, phương tiện và thiết bị vật tư phòng-chống mưa bão. Riêng với các công trình xây dựng đang thi công phần ngầm, các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp thoát nước, tỉnh yêu cầu nhà thầu có biện pháp thi công phù hợp đảm bảo an toàn trong thi công mùa mưa bão, đặc biệt lưu ý biện pháp thi công nền đất, tường chắn, thi công trên cao... Trách nhiệm của các chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng là phải thường xuyên kiểm tra công trường, bảo đảm toàn bộ các thiết bị làm việc trên cao như giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng… được liên kết chắc chắn với kết cấu công trình. Đặc biệt lưu ý công tác an toàn điện, an toàn thiết bị và máy thi công.

Thiên tai khó lường, trong khi khối lượng các công trình cần phải được chủ động kiểm soát an toàn trong mùa mưa bão lại rất lớn. Công việc đòi hỏi sự tham gia tích cực, khẩn trương của tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và mỗi cá nhân. Trước mắt, phải nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, kể cả việc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả lựa chọn nhà thầu của mình. Đồng thời phải kiên quyết xử lý các nhà thầu kém năng lực làm chậm tiến độ dự án, công trình theo kế hoạch.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Nhóm bất động sản trở thành “công thần” giúp VN-Index đảo chiều, đóng cửa phiên hôm 24/7 lấy lại sắc xanh. Các mã nhỏ, vừa có mức hồi phục tốt hơn nhóm bluechip (vốn hoá lớn). Tuy nhiên, QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo, bước sang phiên thứ 4 liên tiếp giảm sàn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

(GLO)- Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD). Trong đó, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.