Xâm nhập 'thủ phủ' cát lậu ở Bình Thuận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
H.Đức Linh, Bình Thuận (vùng giáp ranh với H.Xuân Lộc, Đồng Nai) được người dân ở đây ví von là 'thủ phủ' cát lậu.
ẢNH: TRẦN TIẾN - NGUYỄN LONG
ẢNH: TRẦN TIẾN - NGUYỄN LONG
Người dân ở H.Đức Linh, Bình Thuận (vùng giáp ranh với H.Xuân Lộc, Đồng Nai) ví von khu vực này là “thủ phủ” cát lậu, bởi khi đặt chân đến đây dễ dàng nhận ra những hầm hố nhem nhuốc, lồi lõm mà “cát tặc” để lại sau quá trình khai thác trái phép.
 
“Mỏ cát” lậu quy mô khủng của doanh nghiệp K.M hoạt động rầm rộ
“Mỏ cát” lậu quy mô khủng của doanh nghiệp K.M hoạt động rầm rộ
Nhiều đầu nậu thu mua cát trên địa bàn Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM khẳng định không có nơi nào mà cát sạch, đẹp, chất lượng như ở H.Đức Linh. “Cát ở huyện này, chúng tôi phải dùng từ “ngon, bổ và rẻ”. Cát cực kỳ chất lượng, sạch và giá quá mềm. Chúng tôi lấy tại chỗ chỉ hơn 200.000 đồng/m3, rẻ hơn nhiều so với các nơi khác”, một đầu nậu ở đây cho hay.
Từ những khẳng định này, phóng viên (PV) Thanh Niên vào cuộc điều tra.
“Mỏ cát” nằm san sát nhau
Trong những ngày giữa tháng 12.2020, PV Thanh Niên tìm đến các “mỏ cát” trên địa bàn xã Trà Tân (H.Đức Linh) tìm hiểu tình trạng khai thác cát trái phép ở đây. Từ tỉnh lộ (TL) 766, đoạn qua cầu Gia Huynh, rẽ vào Phân hiệu 4 Trại giam Xuân Lộc (Bộ Công an), thì đoạn giáp ranh giữa xã Đông Hà và xã Trà Tân được xem là điểm nóng của tình trạng khai thác cát lậu.
 
Xe ben liên tục ra vào “mỏ” của doanh nghiệp K.M chở cát lậu
Xe ben liên tục ra vào “mỏ” của doanh nghiệp K.M chở cát lậu
Chỉ riêng trên tuyến đường này, đoạn cách KCN Nam Hà (hướng vào Phân hiệu 4 Trại giam Xuân Lộc khoảng 1 km) có đến 3 điểm khai thác cát trái phép nằm san sát nhau. Từ 3 “mỏ cát” này, đi hơn 2 km nữa, đối diện cổng Phân hiệu 4 Trại giam Xuân Lộc cũng có thêm 1 điểm khai thác cát trái phép khác.
 
Hình ảnh PV Thanh Niên ghi nhận ngày 13.12 tại công trường khai thác cát do ông Đ. làm chủ
Hình ảnh PV Thanh Niên ghi nhận ngày 13.12 tại công trường khai thác cát do ông Đ. làm chủ
Từ ngày 13 - 15.12, chúng tôi ghi nhận có hàng chục xe ben mang biển số các tỉnh: 86C-104..., 61L-06..., 47K-92..., 86C-104..., 73C-001..., 86C-131..., 60C-308..., 60C-389..., 60C-517…, 86C-116…, 86C- 130... liên tục ra vào các “mỏ cát” lấy hàng. “Mỏ cát” nằm cách đường lớn chỉ khoảng vài trăm mét với diện tích khai thác lên đến hàng ngàn mét vuông.
Tại đây, đầu nậu trang bị xe cuốc liên tục múc cát từ lòng đất đưa lên xe ben chở ra ngoài. Một số điểm lớn khác còn trang bị cả hệ thống đường ống, máy bơm nước, lưới sắt để sàng lọc, tuyển rửa cát tại chỗ. Xe ben nối đuôi nhau vào “mỏ” chờ chở cát đi tiêu thụ.
Tại công trình làm trại vịt của ông Đ., mỗi ngày có 5 - 7 xe ben liên tục vào “ăn hàng”. Cứ khoảng 5 phút lại một xe ben “ăn” đầy cát rời khỏi công trình, chạy ra hướng TL766. Đáng nói, các xe ben chở cát cao hơn thùng xe, không phủ bạt mà mặc sức tăng ga, cát vương vãi khắp nơi trên TL766 gây bụi bặm kéo dài nhiều cây số.
Qua nhiều ngày ghi nhận, chúng tôi phát hiện nhiều xe ben chở cát đến bãi tuyển rửa của một người tên T. “ủi” tại xã Đông Hà (H.Đức Linh). Đường vào bãi tuyển rửa được trải bê tông và nằm sâu trong khu vực vườn cao su, phía ngoài luôn có một nhóm người túc trực canh gác. Do khu vực thưa thớt dân cư nên người lạ hoặc biển số xe lạ tới khu vực này sẽ không tránh khỏi sự chú ý của nhóm cảnh giới. Trong quá trình theo dõi bãi tuyển rửa này, không ít lần chúng tôi bị những người lạ mặt bám sát, yêu cầu phải rời khỏi khu vực.
“Quân đoàn” xe ben rầm rộ ngày đêm
Nói về quy mô và rầm rộ nhất ở khu vực này thì phải kể đến 2 “mỏ cát” khai thác trái phép của đầu nậu K.M. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, K.M là chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp cát có tiếng tại khu vực cầu Gia Huynh. Người này cũng sở hữu số lượng lớn đầu xe ben trọng tải lớn để vận chuyển, cung ứng cát theo yêu cầu. Hai “mỏ cát” của K.M nằm trên đất rẫy mì giáp ranh giữa xã Đông Hà và Trà Tân - đối diện với điểm khai thác cát của trại vịt ông Đ.
Nếu cát chỗ trại vịt ông Đ. được vận chuyển đến bãi tuyển rửa cát của ông T. “ủi” thì tại 2 mỏ cát này trang bị luôn hệ thống máy bơm nước, đường ống nhựa và sàng lưới sắt phục vụ cho việc tuyển rửa cát tại chỗ. Hằng ngày, tại mỏ cát xe cuốc liên tục múc cát đưa lên sàng lưới sắt tuyển rửa. Cát ở đây chỉ cần tuyển rửa qua 1 lần nước thì trở thành cát sạch, chất lượng, không còn dính bùn đất.
Cựu lãnh đạo Đảng ủy xã cũng đi làm “cát tặc”
Một mỏ cát khác là đối diện cổng Phân trại 4 Trại giam Xuân Lộc thuộc đất cao su của ông Th., cựu Phó bí thư Đảng ủy của một xã thuộc UBND H.Đức Linh. Theo ghi nhận của PV, “mỏ cát” này có hồ nước rộng hơn 3.000 m2. Tại bãi luôn túc trực 1 máy cuốc, hằng ngày xe cuốc múc đất phôi (đất lẫn cát - PV) đổ thành từng đống khoảng 10 m3, sau đó đưa vào hệ thống sàng lưới sắt tuyển rửa lấy cát…
Chiều 14.12, sau hàng chục lượt xe ra vào bãi cát, xe ben mang biển số 51D-476… chạy vào mỏ lấy cát, sau đó chở về một điểm tập kết nằm trên TL766, cách cầu Gia Huynh hơn 300 m. Khi xe ben này đổ cát xuống bãi và rời đi thì chủ bãi đóng cổng lại. 

Từ ngày 13 - 14.12, chúng tôi ghi nhận khoảng 10 chiếc xe ben gắn biển số 60, 86 ra vào “mỏ cát” từ sáng đến tận khuya. Càng về khuya, tiếng xe cuốc múc đất gầm gừ nghe càng rõ. Từ xa, có thể thấy ánh đèn xe cuốc quét qua quét lại trong lúc múc cát đưa lên xe ben chở đi tiêu thụ.

Xe ben lấy cát từ “mỏ” của ông Đ. chạy ra đường thuộc KCN Nam Hà và phóng bạt mạng
Xe ben lấy cát từ “mỏ” của ông Đ. chạy ra đường thuộc KCN Nam Hà và phóng bạt mạng
Con đường dẫn vào “mỏ cát” này chỉ là lối mòn đi trong rẫy mì do xe ben chở cát hằng ngày tạo thành và bị lún sâu nên ngoài xe ben khó có phương tiện nào đi được. Tại đây, luôn có từ 4 - 6 xe ben xếp hàng đợi “ăn cát”. Kế bên là khu đất rộng hơn 5.000 m2 với nhiều đống cát đã qua tuyển rửa chất thành núi.
Với công suất hoạt động cả ngày lẫn đêm nên tại đây có luôn người ở lại trông giữ máy bơm và xe cuốc… Trưa 14.12, nhóm PV bám theo xe ben biển số 60C-389..., sau khi “ăn hàng” chạy thẳng về bãi tập kết trên đường Huỳnh Thúc Kháng (TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc); trong khi đó các xe mang biển số 86C-139…, 86C-096… đổ cát tại một công trình thuộc ấp Bầu Sình (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc).
 
“Mỏ cát” lậu do nhóm ông Th. điều hành đang khai thác chiều 14.12
“Mỏ cát” lậu do nhóm ông Th. điều hành đang khai thác chiều 14.12
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Xuân Thu, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, xác nhận hiện trên địa bàn xã Trà Tân (H.Đức Linh) có 1 mỏ khoáng sản và xã Đông Hà có 1 mỏ được cấp phép. Tuy nhiên, các địa điểm khai thác cát mà PV Thanh Niên cung cấp đều là khai thác lậu.
(còn tiếp)
Theo Nguyễn Long-Trần Tiến-Lê Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.