Xã luận: Yêu thương và sẻ chia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm Tân Sửu 2021 dần khép lại, một năm đáng nhớ. Lâu lắm rồi đất nước mới trải qua khoảnh khắc đầy biến động như năm 2021. Từ lạc quan, tin tưởng về thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thành công của bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đến phập phồng lo âu bởi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng rồi mọi lo toan cũng dần vơi đi, để nụ cười Xuân mới Nhâm Dần hé nở trên môi.
 

Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Một góc thành phố Pleiku. Ảnh: Quang Tấn


Covid-19 là cái tên được nhắc nhiều nhất suốt 1 năm qua. Không chỉ trên thế giới, ở Việt Nam mà cả hang cùng ngõ hẻm của Gia Lai, cái loài vô hình ấy đã khiến xã hội lao đao. Tiền của tiêu tốn, sản xuất đình trệ, nhiều gia đình mất đi người thân yêu nhất bởi Covid-19. Nó tác động đến mọi sinh hoạt, từng bữa ăn, giấc ngủ, từng hơi thở. Covid-19 đã phơi bày tất tật bộ mặt thật mỗi xã hội. Trong đớn đau cùng cực bởi dịch bệnh, đất nước, đồng bào ta tỏ rõ sự thương yêu đùm bọc, bao dung, chia sẻ. Thật tin yêu, trân quý những tấm lòng hy sinh cao cả, dám xả thân vì cộng đồng. Hơn lúc nào hết, tính nhân văn trong chủ trương chính sách của Đảng “vì tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”; tài thao lược điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp trong khoanh vùng dập dịch, cách ly không để dịch bệnh lan rộng, hạn chế số tử vong. Sự tấn công của “giặc Covid-19” có thời điểm tưởng rằng ta khốn đốn đuối sức, nguy nan kiệt quệ, bất lực buông xuôi. Nhưng đến giờ, có thể tin rằng khó khăn nhất đã qua. Chiến dịch “ngoại giao vắc xin” tài tình của Chính phủ thành công, phủ 2 liều vắc xin cho toàn dân trước hạn định quý I-2022. Nhà đầu tư và du khách nước ngoài tin tưởng và quay trở lại. Cuộc sống đang dần đi vào bình thường mới. Không còn những dòng người ồ ạt di chuyển trốn dịch. Đảng, Nhà nước, xã hội, quê nhà mở rộng vòng tay giúp đỡ, cưu mang để những cảnh đời khốn khó nhất gượng dậy, tiếp tục bước về phía trước.

Năm 2021, trong bức tranh khó khăn chung của đất nước, Gia Lai nổi lên là một trong những gam màu sáng nhất. Khi nhiều địa phương dịch giã hoành hành, tỉnh ta được đánh giá là vùng xanh an toàn. Chưa bao giờ tỉnh nhà hỗ trợ sức người, sức của cho những trung tâm kinh tế lớn nhất nước: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai như năm qua. Hỗ trợ thông qua kênh chính thống của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; hỗ trợ qua các tổ chức thiện nguyện xã hội và từ những cá nhân riêng lẻ đến bạn bè, người thân. Gia Lai đã cử các đoàn cán bộ y tế tăng cường giúp tỉnh bạn chống dịch. Những người từ vùng dịch trở về, hay chỉ đi qua tỉnh ta cũng được chăm lo chu đáo: giúp suất ăn dọc đường, giúp đồng quà, túm bánh, chai xăng. Cảnh sát Giao thông dẫn đường để bà con đi an toàn. Sự nhường cơm sẻ áo, “lá lành đùm lá rách”, trong hoạn nạn có nhau như thế làm những ngày dịch ảm đạm bừng sáng tinh thần nhân ái, rạng ngời yêu thương. Trong dòng người tấp nập và lo âu ấy, mai này bình tâm lại, chắc sẽ nhiều tấm lòng hướng nhớ đến người dân Gia Lai-một vùng đất còn nghèo khó, thiếu thốn nhưng đầy ắp ân tình.

Thấu hiểu sự khó khăn của người dân, Nhà nước ta ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, người bị mất công ăn việc làm. Đấy là Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ,  Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 1-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 441/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động… Đến cuối tháng 12-2021, Gia Lai đã chi hơn 180 tỷ đồng giúp đỡ người lao động và hỗ trợ tiền ăn cho những người không may bị F0, F1.

Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn
Thành phố Pleiku nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn


Ngoài việc chống dịch thành công bước đầu, tỉnh ta cũng đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào trong năm 2021 khi tăng trưởng kinh tế tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 9,71%, thu ngân sách vượt xa so với dự toán, nằm trong tốp tỉnh thành tăng cao nhất cả nước. Đầu tư công nghiệp tăng trưởng đáng kể. Nhiều “đại bàng” kinh tế như Trường Hải, FLC, Tập đoàn Lộc Trời… bắt đầu “làm tổ” ở Gia Lai. Cùng với các dự án điện gió, điện mặt trời, trang trại chăn nuôi, nông trại công nghệ cao… triển khai thời gian qua, đánh dấu bước chuyển mới về khai thác tiềm năng của tỉnh. Vui mừng nhất là năm 2021 gần như tất cả sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Gia Lai như cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, mì đều được mùa, được giá, bộ mặt nông thôn tươi tỉnh giữa đại dịch. Cùng với các dự án đang đầu tư như mở rộng quốc lộ 19, xây dựng sân golf Đak Đoa, mở rộng Nhà máy thủy điện Ia Ly… hy vọng năm 2022, kinh tế Gia Lai sẽ nhiều khởi sắc.

Kinh tế tăng trưởng đi liền với chăm lo đời sống xã hội cho Nhân dân. Năm 2021, tỉnh có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 100/182 xã và 181 làng đạt chuẩn nông thôn mới. Số hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân được nâng lên, đói nghèo, lạc hậu, tăm tối lùi dần.

Xuân Nhâm Dần đang đến, đại dịch Covid-19 vẫn còn lởn vởn quanh đây, nhưng tâm thế xã hội và người dân đã khác. Không còn quá lo sợ vì mắc bệnh, vì phải cách ly nhiều ngày ảnh hưởng đến tính mệnh, công ăn việc làm. Sẵn sàng phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh để phát triển kinh tế, phục hồi đời sống xã hội, chúng ta có quyền hy vọng năm Nhâm Dần 2022 Gia Lai sẽ hoàn thành tất cả các mục tiêu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra.

 

BÁO GIA LAI

 

Có thể bạn quan tâm

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cùng các đại biểu dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn. Ảnh: Vũ Chi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ia Mrơn

(GLO)- Chiều 16-11, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã về dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con Liên khu dân cư thôn Ma Rin 3 và Ma San (xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.