WHO lên tiếng về biến thể phụ XBB đã xuất hiện ở Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 6-1, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam đã trả lời phỏng vấn về đánh giá của WHO về biến thể phụ XBB của Omicron, cũng như các khuyến cáo tăng cường phòng chống dịch COVID-19 đối với Việt Nam.

Đánh giá về biến thể phụ XBB của Omicron, Tiến sĩ Angela Pratt cho biết theo quan điểm của WHO, sự xuất hiện của biến thể mới này cho thấy rằng thật không may, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. "Bất cứ nơi nào COVID-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm" - bà Angela Pratt nhấn mạnh.

 

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.



Kể từ tháng 6-2022, Omicron là biến thể đáng quan ngại duy nhất lưu hành trên toàn cầu, tuy nhiên, từ biến thể Omicron, đã có sự xuất hiện của một số biến thể phụ, bao gồm XBB - là biến thể tái tổ hợp - được kết hợp từ 2 biến thể phụ khác của Omicron.

Biến thể XBB và các biến thể phụ của nó đã được phát hiện tại hơn 10 quốc gia trong khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, và sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới.

"Dựa trên những gì chúng ta biết hiện nay, biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác. Đây là một thông tin đáng lo ngại" -  Tiến sĩ Angela Pratt đánh giá.

Mặc dù các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về khả năng tránh miễn dịch của biến thể này - tức là khả năng vượt qua "lá chắn" bảo vệ do các loại vắc-xin phòng COVID-19 hiện có cung cấp nhưng tin tốt là cho đến nay, không có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể XBB gây ra. Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực, bao gồm cả các vắc-xin phòng COVID-19 được WHO phê chuẩn.

Những loại vắc-xin phòng COVID-19 này đã chống chọi tốt với các biến thể mới và vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong do COVID-19.

Vì vậy, hiện tại, WHO khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa với biến thể XBB tương tự như đã thực hiện đối với các biến thể phụ khác của Omicron và COVID-19 nói chung. Đó là đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên, và cả người lớn lẫn trẻ em được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ, bao gồm tất cả các liều nhắc lại được cơ quan y tế khuyến nghị.

Trong mùa lễ Tết Nguyên Đán 2023 sắp tới, WHO Việt Nam kêu gọi mọi người đề cao cảnh giác để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của bản thân.

Khuyến cáo của WHO về tình hình ở Việt Nam

Tiến sĩ Angela Pratt đánh giá năm 2022, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn "quản lý bền vững" dịch COVID-19 và đã thực hiện rất tốt việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội với bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ hệ thống y tế. Mặc dù COVID-19 vẫn đang lưu hành ở Việt Nam, nhưng không có dấu hiệu cho thấy các bệnh viện và dịch vụ y tế bị quá tải do các ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và mọi người vẫn đang mắc bệnh, nhập viện và tử vong ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Trong khi virus đang tiếp tục lây lan, tất cả các quốc gia và tất cả chúng ta vẫn phải đối mặt với một số nguy cơ.

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhập cảnh, tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, đồng thời tăng cường giải trình tự gen nhằm xác định biến thể và những biến thể phụ nào đang lưu hành.

"Đây đều là những biện pháp rất thận trọng, giúp chúng ta phát hiện liệu có đợt bùng dịch khác sẽ xảy ra hay không để có sự chuẩn bị sẵn sàng" - Tiến sĩ Angela Pratt đánh giá.

Bộ Y tế cũng đang tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng tránh COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Điều này thực sự quan trọng, vì tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc làm chậm quá trình lây truyền của virus.

"Một trong những điều quan trọng nhất mà mỗi cá nhân có thể làm là đảm bảo rằng Bạn và tất cả các thành viên trong gia đình và bạn bè của bạn đã được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, bao gồm cả các liều nhắc lại nếu bạn đủ điều kiện tiêm. Vẫn còn thời gian trước kỳ nghỉ Tết để làm được điều này" - bà Angela Pratt nhắn nhủ.

Vắc-xin phòng COVID-19 đặc biệt quan trọng đối với các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm: Người lớn tuổi, nhân viên y tế, người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền, giáo viên, phụ nữ mang thai và những người lao động thiết yếu.

"Trong những tuần tới và đặc biệt là trong thời gian Tết Nguyên đán, chúng ta cần đảm bảo rằng cả người lớn và trẻ em đều được bảo vệ, hệ thống y tế có thể tiếp tục hoạt động tốt và nền kinh tế và xã hội có thể tiếp tục mở.

Chúng tôi khuyến khích mọi người cảnh giác để giữ sức khỏe và an toàn bằng cách rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở những nơi đông người và trong không gian kín và tất cả mọi người đủ điều kiện đều được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ, bao gồm cả liều tiêm nhắc lại" - Trưởng đại diện WHO Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Dương Ngọc (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.