Vững bước đi lên dưới ngọn cờ của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 94 mùa xuân có Đảng soi sáng, dẫn đường, dân tộc Việt Nam đã vượt qua bao gian lao, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những trang sử vẻ vang

Ngược dòng lịch sử, trước khi có Đảng lãnh đạo, Nhân dân ta phải sống trong cơ cực, lầm than, bị thực dân phong kiến áp bức, bóc lột. Biết bao cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh nổ ra nhưng đều thất bại vì thiếu đường lối cách mạng đúng đắn.

Sự kiện Đảng ra đời vào ngày 3-2-1930 là kết quả của phong trào yêu nước, phong trào công nhân và sự truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Từ khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta đứng lên đấu tranh, tiến hành các phong trào cách mạng và giành chính quyền về tay Nhân dân bằng thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Suốt 21 năm chống Mỹ, Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa tiến hành công cuộc đấu tranh làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ-ngụy ở miền Nam, làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.

Cùng với công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân cả nước tiến hành 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Với đường lối đổi mới toàn diện, trải qua 38 năm, Đảng đã lãnh đạo đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, đạt thành tựu to lớn, toàn diện, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Lãnh đạo tỉnh tặng quà lưu niệm cho Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.T

Lãnh đạo tỉnh tặng quà lưu niệm cho Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.T

Cùng với cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai luôn đoàn kết, một lòng tin theo Đảng, anh dũng chiến đấu, góp phần viết lên những trang sử vàng. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai-Kon Tum tháng 4-1978, Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Những năm chiến tranh, Gia Lai-Kon Tum, cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên anh dũng, là dải đất đau thương thật đáng tự hào.

Hơn 30 năm chiến đấu không ngừng, không nghỉ, đồng bào, cán bộ và chiến sĩ hoạt động trên chiến trường đã nêu cao ý chí kiên cường, bất khuất trước quân thù, tỏ rõ tấm lòng thủy chung, son sắt đối với cách mạng, một lòng tin yêu Bác Hồ, tin yêu Đảng”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành sáng tạo, linh hoạt của chính quyền cùng tinh thần đoàn kết, đồng lòng của đồng bào các dân tộc, Gia Lai đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong công cuộc đổi mới.

Kinh tế của tỉnh thường xuyên duy trì mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2023 (theo giá so sánh năm 2010) tăng 3,02% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người đạt 59,08 triệu đồng (năm 2022, GRDP đạt 53,74 triệu đồng/người).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phù hợp, trong đó nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 28,27%; công nghiệp-xây dựng chiếm 27,38%; dịch vụ chiếm 40,4%; thuế sản phẩm 3,95%.

Mạng lưới đường bộ thông suốt; Cảng Hàng không Pleiku đạt tiêu chuẩn sân bay 4C; Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đã và đang triển khai... tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Gia Lai khai thác các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, du lịch...

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới cơ sở giáo dục-đào tạo tiếp tục mở rộng, công tác giáo dục dân tộc từng bước được nâng lên cả về quy mô và chất lượng. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển.

Lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch tiếp tục được chú trọng với nhiều hoạt động hấp dẫn. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,11%, cận nghèo là 9,21%.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục mang lại kết quả khả quan. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 91 xã và 131 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Song song với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được tăng cường; chú trọng củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; duy trì, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (bìa phải) trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Đức Thụy

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (bìa phải) trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Ảnh: Đức Thụy

Chứng kiến những đổi thay của đất nước và tỉnh nhà, ông Vũ Ngọc Luyện (tổ 1, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầy tự hào: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Là cựu chiến binh với 52 năm tuổi Đảng, ông Luyện chia sẻ: Thực tế đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Gia Lai không còn là vùng đất nghèo nàn, lạc hậu. Tỉnh không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm nhanh. Nông thôn mới ở các làng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, là điều kiện thuận lợi, là động lực quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long: Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Quy hoạch cho thấy ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh với mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”.

Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 13 kỳ đại hội. Mỗi đại hội là những dấu mốc lịch sử, khẳng định sự lớn mạnh của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng.

Trong dòng chảy lịch sử ấy, Đảng bộ tỉnh Gia Lai cũng khẳng định sự trưởng thành và phát triển nhanh chóng cả về quy mô đảng viên, số lượng tổ chức cơ sở Đảng. Từ 1 chi bộ với 9 đảng viên năm 1945, đến nay, Đảng bộ tỉnh có 21 Đảng bộ trực thuộc, 921 tổ chức cơ sở Đảng, 3.456 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở với trên 66 ngàn đảng viên.

Trên thực tế, nhiều tổ chức Đảng đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Ông Vũ Hồng Duy-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy phụ trách Đảng bộ huyện Phú Thiện-cho hay: Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện phấn đấu kết nạp 455 đảng viên (tương đương 3,5%/năm so với tổng số đảng viên đầu nhiệm kỳ).

Ngay đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã triển khai quyết liệt các giải pháp về công tác phát triển đảng viên; tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục...

Đến nay, Đảng bộ đã kết nạp được 397 đảng viên, đạt 87,2%. Dự kiến năm 2024, Đảng bộ huyện sẽ hoàn thành chỉ tiêu kết nạp Đảng cho cả nhiệm kỳ.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa phải) dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Ảnh: Đ.T

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa phải) dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. Ảnh: Đ.T

Quán triệt quan điểm công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đặc biệt nhấn mạnh 4 chương trình trọng tâm. Trong đó, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chương trình trọng tâm đầu tiên.

Trên cơ sở bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tham mưu cấp ủy cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng do Trung ương, tỉnh, huyện tổ chức.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, phân công, phân cấp phù hợp nhằm phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành; nâng cao tính chủ động trong công tác quy hoạch, kế hoạch và sắp xếp cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng; tạo cơ chế phối hợp thuận tiện, kịp thời.

Tại Hội nghị toàn tỉnh tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.

Do đó, ngành Tổ chức xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng Đảng phải quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình với tinh thần kiên quyết, kiên trì đưa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào cuộc sống.

Cấp ủy, ban tổ chức cấp ủy các cấp quán triệt đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; quan tâm, nghiên cứu, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ; rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ theo thẩm quyền, đảm bảo chất lượng, đúng quy định.

Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các nội dung công tác chuẩn bị nhân sự để tiến tới tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Những thành tựu vẻ vang trong suốt chiều dài lịch sử mãi là niềm tự hào, là sức mạnh và là tiền đề vững chắc để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phấn đấu đến năm 2030 đưa Gia Lai trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Họp Bộ phận Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVII

Họp Bộ phận Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVII

(GLO)- Sáng 31-10, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì họp Bộ phận Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030 và triển khai một số nhiệm vụ.

Tăng cường công tác nắm thông tin, dự báo tình hình

Tăng cường công tác nắm thông tin, dự báo tình hình

(GLO)- Sáng 29-10, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị giao ban giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-Công an tỉnh-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sơ kết nhiệm vụ quý III và triển khai nhiệm vụ quý IV-2024. Đồng chí Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

(GLO)- Sáng 28-10, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (1/11/1949-1/11/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.