Hoang mang, lo lắng
Tại chợ đầu mối Vinh, nơi tập trung mặt hàng rau củ quả lớn nhất Nghệ An, hàng quầy giá đỗ được bày bán riêng biệt. Bà Liên, chủ một quầy giá đỗ ở đây cho biết, mỗi ngày bà bán khoảng 500 kg giá đỗ ra thị trường sỉ và lẻ. Chủ yếu là bán cho các nhà hàng, quán ăn. Giá đỗ bà tự ngâm ủ, giá bán dao động 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Tiểu thương này cho biết, trên thị trường có hai loại, giá đỗ được ngâm ủ chất kích thích cho thời gian sinh trưởng nhanh và loại giá tự làm. Thông thường khoảng 1,5 kg đỗ xanh sẽ làm được khoảng 10 kg giá đỗ thành phẩm. “Giá đỗ sạch thường cũng phải 3 đến 5 ngày mới có thể thu hoạch một mẻ. Loại này thân gầy, nhiều rễ, ăn ngọt thanh hơn và không xốp như giá ngâm chất kích thích chỉ cần vài ngày đã phát triển”, bà Liên nói.

Thường xuyên đi chợ, chị Nguyễn Thị Hằng (trú phường Quán Bàu, thành phố Vinh) cho biết, giá đỗ có thể nấu thành nhiều món ăn ngon như xào, nấu canh chua hay là rau dùng để ăn sống… nên gia đình chị thường mua giá đỗ ở chợ nhưng theo cảm tính vì rất khó phân biệt được đâu là giá sạch hay giá ngâm hóa chất. “Tôi chủ yếu mua giá đỗ của người quen. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin công an bắt vụ số lượng lớn giá đỗ ngâm hóa chất đã đưa ra thị trường, tôi cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Chắc sắp tới tôi phải tự ủ giá đỗ ở nhà để ăn cho an toàn”, chị Hằng chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Văn Trung (trú phường Vinh Tân, thành phố Vinh) lo lắng: “Sau khi nghe thông tin báo chí, tôi rất hoang mang. Gia đình thường xuyên sử dụng giá đỗ làm thực phẩm cho bữa ăn. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thường xuyên hơn, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng”.
Lòng vòng trách nhiệm
Trao đổi với PV Tiền Phong, ngày 21/4, ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Nghệ An) cho biết, đơn vị chủ yếu kiểm tra các mặt hàng của ngành công thương quản lý. Giá đỗ là thực phẩm, thuộc về Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, một cán bộ Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm Nghệ An cho biết, vấn đề này thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
“Nước kẹo” (6-Benzylaminopurine) là chất kích thích tăng trưởng tế bào. Nhiều nghiên cứu cho thấy 6-Benzylaminopurine vào cơ thể với lượng lớn có thể gây tử vong. Tại Việt Nam, 6-Benzylaminopurine không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Nghệ An cho hay, do quy định về phân cấp quản lý, đối với các cơ sở sản xuất không có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh thì do phường, xã quản lý. Còn đối với các cơ sở sản xuất có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh thì do thành phố quản lý.
“Sau khi có thông tin, chi cục đã tập trung theo dõi, bố trí 3 cán bộ phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An để lấy mẫu, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất giá đỗ ở 3 phường Vinh Tân, Trung Đô và Nghi Phú (thành phố Vinh). Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh giám sát, theo dõi, kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường chỉ đạo, phân cấp các đơn vị ở cơ sở, thậm chí đến khối xóm phải sát sao hơn nữa để kịp thời phát hiện những cơ sở, hộ dân vi phạm...”, ông Hà nói.
Còn ông Nguyễn Đình Thanh, Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết, lực lượng tại địa phương còn mỏng trong khi khối lượng công việc lớn. Các điều kiện về cơ sở vật chất và thiết bị máy móc ở phường để kiểm tra một đơn vị an toàn thực phẩm là không có để đáp ứng. “Qua thông tin một số nguồn thực phẩm và một số cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân khi mua bán nên lựa chọn các cơ sở uy tín, có thương hiệu. Nếu phát hiện hộ kinh doanh, sản xuất nào có biểu hiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì nên báo với chính quyền”, ông Thanh chia sẻ.
Trước đó, sau thời gian theo dõi, xác minh, thu thập chứng cứ, ngày 11/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An phối hợp nhiều đơn vị liên quan đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh.
Cơ quan chức năng thu giữ gần 2.000 thùng chứa khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (6-Benzylaminopurine) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ, cùng một số tang vật liên quan khác. Bốn chủ cơ sở sản xuất giá đỗ đã bị khởi tố, tạm giam để phục vụ công tác điều tra gồm: Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997, cùng trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998, cùng trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh).
Các nghi phạm đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Chúng chọn địa điểm, khu vực xa khu dân cư, nơi ít người qua lại. Ở các khu vực sản xuất giá đỗ được che chắn kín bằng các vật liệu như bạt, tôn, lưới,… để người bên ngoài khó tiếp cận. Nhóm hoạt động chủ yếu vào ban đêm hoặc rạng sáng.
Tại cơ quan Công an, các chủ cơ sở sản xuất giá đỗ khai nhận mua “nước kẹo” trên mạng xã hội, sau đó pha chế, tưới vào các thùng ủ giá đỗ nhằm tăng lợi nhuận. Việc ngâm, tưới “nước kẹo” làm cây giá đỗ mập, trắng, không có rễ, không bị thối hỏng và mọng nước hơn, nhờ vậy tăng khối lượng thành phẩm 20 - 25% so với không sử dụng. Trung bình, mỗi cơ sở sản xuất 3 - 5 tấn giá đỗ/ngày, cung cấp cho các tiểu thương tại chợ đầu mối thành phố Vinh với giá 10.000 - 15.000 đồng/kg. Số giá đỗ này sau đó được chuyển đến các chợ dân sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh để tiêu thụ.
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 6/2024 tới thời điểm bị phát hiện, 4 cơ sở này đã bán ra thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại.
Theo Thu Hiền (TPO)
