Với nhà văn, nhà giáo Chử Anh Đào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau năm 1975, ở tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ), anh em văn nghệ phải tự tìm đến nhau vì hồi ấy chưa có hội hè, càng chưa có tổ nhóm văn chương nghệ thuật gì. Nhưng chính cái sự èo uột vô tổ chức ấy lại mang lại cái thú vui mà chỉ riêng cánh văn nghệ còn lại đến nay mới thấy.

Mỗi người công tác, sinh hoạt một nơi. Anh thì cán bộ Ty Văn hóa, anh thì thầy giáo. Anh thì đang là lính Tỉnh đội, lính Quân đoàn 3. Anh thì công chức, viên chức. Anh thì… lung tung các cơ quan ban ngành hay chả cơ quan ban ngành nào cả. Nhưng tất thảy đều có cái chung là say mê văn nghệ. Đúng hơn là đam mê. Anh làm thơ, anh viết văn, anh vẽ tranh, anh sáng tác nhạc, lại có anh chả viết, chả vẽ gì sất mà chỉ đơn giản là yêu thích.

 

Từ trái sang: Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn-nhà giáo Chử Anh Đào (ảnh do nhân vật cung cấp)
Từ trái sang: Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn-nhà giáo Chử Anh Đào (ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau giải phóng được dăm mười năm, cuộc sống ôn ổn, vật chất khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Nhưng cái món tinh thần thì có… tàm tạm yên hàn. Thế là thơ văn nhạc họa được xã hội để ý. Cái anh làm văn nghệ cũng tự thấy mình... quan trọng. Thế là đi đứng có khang khác. Cách ăn mặc cũng khang khác. Không thể nói là thời trang mốt miếc gì nhưng rõ là cá biệt. Cá biệt nhất hồi đó là, chả biết ai lăng xê cái “mốt” đeo túi mìn claymore cũ cũ, rách rách, quần loe loe, áo sơ mi chẽn mà những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, theo cô Tám vợ thầy Chử Anh Đào nhận xét, cứ thấy mấy ông đeo túi ni, mặc quần ni, áo ni đi lang thang thì thế nào cũng… biết là cánh văn nghệ sĩ. Đúng thì đúng thế nhưng kể cũng có hơi bị... kỳ thị. Rõ ràng cánh chúng tôi, những “văn nghệ sĩ” có cách tụ tập nhau rất riêng. Hồi đó chưa có điện thoại di động và ngay cả điện thoại bàn cũng chưa. Nhưng thơ văn nhạc họa nó có mùi riêng, tất thảy những anh mê những món này là bắt mùi nhau rất nhanh, rất chi là hồ hởi.

Tôi hồi ấy là lính Tỉnh đội viết văn, cũng đã có đôi ba truyện ngắn, đôi ba bài thơ in trên báo quân khu và báo tỉnh nhà. Đó là bức thông hành trình làng với các anh chị em văn nghệ Phố núi. Tôi quen ông Thiệu-Phó Trưởng ty Văn hóa-Thông tin, đặc biệt là ông Trịnh Kim Sung-Trưởng ty (mà chúng tôi vẫn quen gọi là anh Sanh) qua một cuộc họp về ngành mà 2 ông chủ trì. Họp xong, tôi có chuyện trò về thơ văn nhạc họa nên 2 ông rất quý và thân thiết với tôi ngay. Tôi lại sớm tiếp xúc với giới trí thức cũ, những người có cảm tình đặc biệt với cách mạng. Tôi còn chơi thân với vợ chồng nhà thơ Lê Nhược Thủy, cả 2 là giáo viên trường cấp III. Vợ chồng anh chị lại giới thiệu tôi với anh Ngọc Kỷ (một người viết trước 1975 ở Pleiku). Anh Kỷ lại dẫn đến anh Vũ Hoàng nhà thơ. Rồi anh Vũ Hoàng đưa tôi đến gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Sơn, sau này gặp cả nhà văn Trần Thái Phiên-người có nhiều truyện ngắn mà tôi rất hâm mộ. Chúng tôi thường tụ tập thơ văn với nhau ở quán cà phê Kim Liên mà cho tới giờ tôi vẫn rất thân với vợ chồng ông chủ quán là anh Giáp và chị Đào.

Tôi quen và thân với thầy Đào cũng trong những bữa ngồi ở đây cùng mấy thầy-cô giáo Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai từ những năm ấy. Nhưng thầy Đào trẻ hơn, hiền hơn, nom nghiêm ngắn hơn, ra dáng thuần túy là thầy giáo nhưng cũng rất… văn nghệ. Chơi mãi, uống mãi với nhau, nhất là nghỉ hè rủ nhau đi xuống làng xuống xã vài lần, thầy Đào có vẻ chăm chú nghe ngóng khai thác món văn nghệ dân gian khiến tôi bắt mê. Hồi ấy, chúng tôi đều khá trẻ, khỏe và hăng máu, đều có máu văn chương, máu nghệ sĩ, chỉ đôi ba bữa rượu cần về làng là kết nhau ngay. Hóa ra, Đào viết tạp văn rất chăm và cũng rất “mả”. Đào viết truyện ngắn cũng sành, mà nhất là những bài viết về phong tục tập quán của bà con các dân tộc, về văn hóa vùng miền với lối kể chuyện vừa dân dã, vừa có chất học thuật uyên thâm. Học rộng, tất nhiên. Biết nhiều, đi lắm, giao lưu đủ các loại bạn, các loại “nhà”, Chử Anh Đào hội đủ thứ: tạp sống, tạp chơi, tạp văn, đến khi viết thì được lọc qua cái vốn văn hóa sâu lắng thâm sâu của một “ông đồ”. Thầy Đào học Hán Nôm nhưng không dùng lộ, không khoe. Vốn liếng Hán Nôm khá thâm hậu nhưng chỉ khẽ khàng. Chơi thì rủ rỉ rù rì. Đi thì đủng đà đủng đỉnh. Chậm chạp đấy mà nhanh cũng đấy! Hễ đến đâu mấy o mấy nường tiếp xúc với thầy Đào đôi ba bữa là mê là thấp thỏm hò hẹn. Hồi ấy, nam nữ tình ý với nhau không dễ dàng, càng không có nơi hò hẹn như bây giờ. Nhất là với các nhà giáo, nghiêm ngặt lắm. Giỏi đến như thầy Đào cũng bó tay. Cao lắm cũng chỉ mời nhau cà phê, ngồi cà kê vài chuyện không đầu không cuối, rồi thì … chia tay.

Cánh chúng tôi coi như cùng trang lứa vì chỉ hơn kém nhau vài tuổi. Xưng hô tầm tầm, lúc vui thì ông ông tôi tôi, lúc cáu thì lão này tay nọ. Giận nhau được dăm ba ngày là lại tự tìm đến nhau để làm thân ngay. Đào là tay hay dỗi. Đi với nhau, ngồi với nhau, nói chi đó mà không vừa ý, hợp tình là dỗi. Dỗi như người tình vô cớ dỗi nhau. Nhưng cũng mau quên. Có lần Đào và họa sĩ Bạch Ngọc (2 người như đôi sam không ngày nào không gặp nhau), có bữa vì chuyện gì đó họ tím mặt gầm ghè nhau, một bên bảo không bao giờ nhìn mặt bên kia, bên này bảo mình cũng không thèm. Hai người đỏ mặt tía tai nói nặng nói nhẹ, cạn lời rồi vứt hết cả bát đĩa chai lọ cùng nhau hằm hằm biến. Tưởng chuyến này toi thật. Vậy mà chỉ 3 hôm sau, tại quán gốc bàng, 2 tay kình địch đã hề hề chén chú chén anh như không có chuyện gì.

Gần đây, Đào cao hứng tập hợp các bài viết về Gia Lai để in thành tập. Biên tập viên Nhà Xuất bản Văn học cho tôi đọc ké vì biết tôi là bạn bè với anh ở Tây Nguyên. Đọc lại bạn, nhớ lại bạn những ngày thời bao cấp với bao nhiêu kỷ niệm. Vợ chồng Đào sống trong căn phòng nhỏ bé của Sở Giáo dục và Đào tạo; cô Tám vợ anh lúc nào cũng chu đáo với các bạn của chồng cùng mấy bữa nhậu hẻo. Những chuyến về làng, Đào ít tham gia các cuộc rượu bàn luận về cái này cái nọ mà chỉ chăm gặp gỡ và… ghi chép; ít hóng hớt các chuyện dông dài với đồng bào như tôi. Nhưng khi ngồi vào bên ghè rượu cần thì… mút  mùa luôn. Tôi  hay ra vẻ ta đây thuộc bài hát này câu ca nọ. Nhưng tư chất thầy giáo khiêm nhu kết hợp cùng bản tính nhà sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian níu kéo Đào vào nhập cuộc với bà con dân tộc không ồn ào lộ liễu như cái thằng tôi, dù rằng từ năm 2001, Đào đã chủ biên các giáo trình và từ điển phương ngữ Jrai, Bahnar để bồi dưỡng cho chiến sĩ, cán bộ, công chức trong tỉnh. Các tài liệu này đều được Bộ Nội vụ và Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao.

 

Nhà văn-nhà giáo Chử Anh Đào tên thật là: Chử Lương Đào, SN 1957, quê  Lâm Thao, Phú Thọ, công tác tại Gia Lai từ năm 1977.

Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.

* Giáo trình: Phương pháp giảng dạy môn “Tiếng Việt” Trung học cơ sở; các tác phẩm chữ Hán trong chương trình Cao đẳng Sư phạm; Mỹ học đại cương; tài liệu tiếng Jrai (chủ biên); tài liệu tiếng Bahnar (chủ biên); Từ điển phương ngữ tiếng Jrai (chủ biên); Từ điển điện tử phương ngữ Bahnar (phần từ ngữ, hình ảnh); sách giáo khoa Kiến thức địa phương THCS-phần Tiếng Việt và Văn học (in chung).

* Tác phẩm văn học: Sao mọc (Tập truyện); Tự thú trước vầng trăng (Phê bình); Người đàn bà đi trên đường (Tập truyện ngắn); A Phai (Tập truyện, in chung); Khúc “Đồng dao cho người lớn” (Phê bình); Bức tranh vân cẩu (Tập truyện ngắn); Mẹ quê (Tạp văn); Hồn cây cỏ (Tạp văn); Những làng ma tôi đã đi qua (Đang in).

Cái chất nhân văn của Chử Anh Đào thì nơi mô cũng vẹn toàn. Bài tạp văn mới đây có tựa “Đôi bờ” của anh thật hay, thật Chử Anh Đào. Nó vừa thật mà không thật. Nó tưng tửng trước cái sự cố người mắc căn bệnh hiểm nghèo với cái tâm trạng bỡn cợt và trân trọng. Chết là một nhẽ. Nhưng “chơi” với bệnh, với ông “thần chết” lại là một nhẽ khác. Không đủ tâm thế cương cường đến mức “như không” thì không thể “chơi” với ổng được. Ổng chỉ chơi với người biết trân trọng cái lẽ “sắc sắc không không” ở đời. Năm rồi, tôi cũng mắc chứng suy thận, điện vô nói chuyện với Đào. Đào nói với tôi trong lúc đang chén thù chén tạc với ai đó hơi nghiêng ngả, nhưng tôi biết là Đào nói thật: “Bác vô trong này ngay, anh em mình vô bệnh viện, em cho anh một quả. Thận thằng em còn khỏe lắm. Vô tư nhé”.  Tôi nhất trí cao. Danh sách người cho tôi thận có dăm bạn, trong đó Chử Anh Đào là ở hàng đầu.

Với bệnh hiểm nghèo, Đào cũng giống tôi. Cánh chúng tôi tự biết mình, không đùa không cợt, không quá nghiêm trọng. Sự thật là sự thật thì hà cớ gì không nhất trí cao nhận phần của mình. Bài viết “Đôi bờ” của thầy Đào thật tươi trẻ, nhẹ nhàng và hấp dẫn. Đọc xong ta thấy mình được hàn huyên, cởi mở và bình an vô cùng. Cảm ơn thầy Đào, chú em Chử Anh Đào, nhà văn Chử Anh Đào yêu quý của cánh văn nghệ sĩ Gia Lai-Kon Tum chúng ta.

Trung Trung Đỉnh

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.