Vợ chồng trẻ đều là nghệ nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Giữa núi rừng Đông Trường Sơn có cặp vợ chồng trẻ đều là nghệ nhân, được dân làng yêu mến gọi là “hgei” (người giỏi giang, giỏi nhất) bởi khả năng nổi bật về đan lát, dệt vải và thực hành di sản văn hóa. Đó là vợ chồng anh Kro-chị Bier ở thôn 3, xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai.

Trai tài gái sắc

Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình anh Kro và chị Bier như một bảo tàng văn hóa Bahnar. Có đến hàng trăm ghè rượu xếp kín một gian nhà của vợ chồng trẻ đều là nghệ nhân này. Trên chiếc giá đỡ làm bằng thân gỗ thiết kế những họa tiết đỏ, trắng đặc trưng là một dãy gùi tuyệt đẹp. Một góc khác là nơi để khung dệt cùng các sản phẩm thổ cẩm.

Ngôi nhà mang đến một cảm giác xưa cũ, như chỉ thuộc về những nghệ nhân có tuổi, cả đời gắn bó với nghề truyền thống.

Vợ chồng nghệ nhân trẻ Kro-Bier tham gia trình diễn tại Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023. Ảnh: H.N

Vợ chồng nghệ nhân trẻ Kro-Bier tham gia trình diễn tại Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023. Ảnh: H.N

Chị Bier thuộc thế hệ 9X nhưng đã được công nhận là nghệ nhân dệt vải cách đây nhiều năm. Họa tiết, hoa văn trên thổ cẩm của người Bahnar được cho là cầu kỳ, phức tạp nhất trong nghề dệt truyền thống nói chung. Nhưng chị Bier thực hành kỹ thuật dệt cổ truyền ấy đạt trình độ cao về thẩm mỹ và kỹ thuật.

“Mình biết dệt từ năm 12 tuổi do mẹ truyền lại. Nhưng những gì mẹ dạy vẫn chưa làm mình thỏa mãn. Hễ đi đâu thấy người già dệt vải và tạo hình hoa văn mình đều tìm hiểu, hỏi cách làm”-chị Bier tâm sự.

Nhờ đó, tay nghề của chị Bier không ngừng được nâng lên và được công nhận qua các hội thi cấp huyện. Trong 2 năm (2022-2023), người con gái Bahnar đã vượt qua những nghệ nhân lớn tuổi để giành giải nhất cuộc thi dệt thổ cẩm do huyện Kông Chro tổ chức. Không giữ riêng cho mình kỹ năng, kinh nghiệm, năm 2023, chị Bier tham gia Câu lạc bộ Dệt của phụ nữ xã Đăk Pơ Pho để truyền dạy nghề truyền thống cho chị em.

Chị Đinh Thị Sơ-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk Pơ Pho-chia sẻ: “Đa số phụ nữ Bahnar đều biết nghề truyền thống. Nhưng để giỏi như chị Bier phải là người rất đam mê, cần cù và luôn tìm tòi học hỏi. Chị Bier còn dẫn dắt, truyền nghề cho các chị em trong làng, góp phần cải thiện thu nhập và bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của địa phương”.

Nghệ nhân trẻ Bier (thứ 4 từ phải qua) còn là thành viên nòng cốt trong câu lạc bộ dệt của xã Đak Pơ Pho, tham gia truyền dạy nghề truyền thống cho các chị em xã. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân trẻ Bier (thứ 4 từ phải qua) còn là thành viên nòng cốt trong câu lạc bộ dệt của xã Đak Pơ Pho, tham gia truyền dạy nghề truyền thống cho các chị em xã. Ảnh: Hoàng Ngọc

Chung một tình yêu

Người Bahnar ở núi rừng Đông Trường Sơn thường gọi những người giỏi về một lĩnh vực nào đó là “hgei”. Và những hgei gặp nhau, trở thành cặp trai tài gái sắc trong cộng đồng như vợ chồng anh Kro và chị Bier không có nhiều. Cũng như vợ, 2 năm liền, anh Kro là nghệ nhân trẻ nhất giành giải nhất cuộc thi đan lát toàn huyện.

Không bằng lòng với những gì có được, anh Kro mày mò học hỏi để tạo nên những hoa văn trên miệng gùi, đáy gùi để tăng tính thẩm mỹ. Anh còn cách điệu mặt trăng, mặt trời, những ngọn núi thành hoa văn trên rổ, rá, nong, nia… khiến những sản phẩm đan lát mang màu sắc riêng.

Giỏi nghề truyền thống nhưng anh Kro và chị Bier “phải lòng nhau” không chỉ bởi tài nghệ riêng có của mỗi người. Theo chị Bier kể, anh Kro rất có năng khiếu tấu hài, nhất là khi hóa trang thành hề gái (pơtual) trong các lễ hội truyền thống. Lễ hội có màn tấu hề của anh Kro khiến mọi người vui vẻ, tạo không khí vui nhộn.

Anh còn là thành viên đội văn nghệ dân gian của làng, thường xuyên tham gia diễn kịch, đóng được nhiều vai khác nhau. Đồng thời, anh cũng có mặt trong đội cồng chiêng và là hạt nhân trong phong trào thể dục thể thao của xã. Chăm chỉ, giỏi giang, tài năng nên anh Kro sớm lọt vào mắt xanh của chị Bier.

Chị Bier là nghệ nhân trẻ của xã Đak Pơ Pho, tích cực tham gia câu lạc và trao truyền nghề cho các thành viên khác. Ảnh: H.N

Chị Bier là nghệ nhân trẻ của xã Đak Pơ Pho, tích cực tham gia câu lạc và trao truyền nghề cho các thành viên khác. Ảnh: H.N

Chị Võ Thị Huyền-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Đăk Pơ Pho: “Các sản phẩm do vợ chồng anh Kro và chị Bier làm ra đều rất đẹp, đạt trình độ cao về kỹ thuật và thẩm mỹ, tiêu biểu cho nghề truyền thống của dân tộc Bahnar. Chúng tôi đang tham mưu, đề xuất UBND xã khen thưởng những cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương. Đó cũng là cách khuyến khích người dân chung tay cho hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt này”.

Còn đối với anh Kro, không chỉ mến chị Bier ở tài dệt vải mà còn bởi “Bier có nụ cười rất đẹp”. Dù mến nhau vì sắc hay vì tài, nhưng họ đều có chung tình yêu với văn hóa truyền thống, điều khiến cả 2 khi về chung nhà càng thêm gắn bó. Và sau những lần vinh dự được tham gia nhiều sự kiện văn hóa từ cấp huyện tới cấp tỉnh, niềm tự hào nhân lên khiến vợ chồng nghệ nhân trẻ càng cố gắng trau dồi kỹ năng, nuôi dưỡng niềm đam mê nghề truyền thống.

Chị Võ Thị Huyền-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Đăk Pơ Pho-cho hay: Nhiều năm qua, cả xã mới xuất hiện 1 cặp vợ chồng nghệ nhân trẻ giỏi nghề truyền thống và hiểu biết các giá trị văn hóa dân tộc như anh Kro và chị Bier.

Thường mỗi làng chỉ có một vài người giỏi nghề được công nhận là nghệ nhân. Trong 1 gia đình có cả 2 người đều giỏi, được công nhận lại càng hiếm. Đặc biệt, cả 2 anh chị tuy còn rất trẻ nhưng luôn nhiệt tình đóng góp vào hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương. Năm 2023, vợ chồng nghệ nhân trẻ vinh dự được đại diện cho huyện Kông Chro tham gia trình diễn nghề đan lát và dệt vải tại Liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức tại Gia Lai.

Có thể bạn quan tâm

 Gia Lai phát huy giá trị của văn hóa lễ hội

Gia Lai phát huy giá trị của văn hóa lễ hội

(GLO)- Gia Lai hiện có 44 dân tộc cùng sinh sống nên có sự đa dạng, phong phú về các loại hình văn hóa lễ hội. Để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa lễ hội trong cộng đồng các dân tộc.
Đưa cồng chiêng cuối tuần về Ia Pa

Đưa cồng chiêng cuối tuần về Ia Pa

(GLO)- Tối 9-6, chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Mặc dù trời mưa nặng hạt nhưng không làm khó được các nghệ nhân với những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn.
Những nghi lễ cần biết về Tết Đoan Ngọ

Những nghi lễ cần biết về Tết Đoan Ngọ

Theo quan niệm dân gian, ngày Tết Đoan Ngọ mang ý nghĩa phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe và bảo vệ mùa vụ. Một trong những nét đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ là việc thực hiện nghi thức cúng tổ tiên và thần linh. Ý nghĩa lớn nhất và sâu sắc nhất của Tết Đoan Ngọ là ngày “y dược toàn dân”.
Phục dựng lễ hội: Đòn bẩy phát triển du lịch cộng đồng

Phục dựng lễ hội: Đòn bẩy phát triển du lịch cộng đồng

(GLO)- 5 năm qua, hàng chục lễ hội truyền thống được phục dựng tại các địa phương trong tỉnh Gia Lai. Điều đó cho thấy hệ thống lễ hội của các dân tộc thiểu số vô cùng phong phú, đặc sắc. Đây cũng là tài nguyên vô giá để định hình các sản phẩm du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng.
Người khuyết tật tận tâm gìn giữ nghề truyền thống

Người khuyết tật tận tâm gìn giữ nghề truyền thống

(GLO)-

Tuy khiếm khuyết về cơ thể nhưng nhiều người dân tộc thiểu số ở Gia Lai đã nỗ lực vượt lên số phận để cải thiện cuộc sống. Không những thế, họ còn đóng góp tích cực cho việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Khi người Bahnar về thế giới Atâu

Khi người Bahnar về thế giới Atâu

(GLO)- Mây đen vần vũ, cây cối lặng như tờ báo trước một cơn mưa. Vừa đến đầu xã Ya Ma (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), tôi đã nghe tiếng cồng chiêng vang xa. Hỏi thăm một người dân trên đường thì biết đó là nhạc chiêng đưa tiễn người chết ở làng Tờ Nùng-Măng.
Bà Siu H'Phưl-Người đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa

Bà Siu H'Phưl-Người đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa

(GLO)- Gần 60 tuổi, bà Siu H'Phưl (làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài may các sản phẩm từ chất liệu thổ cẩm để bán ra thị trường. Với cách làm này, bà không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Hân hoan đón mừng lễ Phật đản

Hân hoan đón mừng lễ Phật đản

(GLO)- Cách đây hơn 2.500 năm, vào ngày rằm tháng tư, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời tại Ấn Độ. Suốt quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, Đức Phật đã để lại cho nhân loại một hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tinh thần bất bạo động, hòa hợp và phát triển.
Chiếc kang uống rượu của người Bahnar

Chiếc kang uống rượu của người Bahnar

(GLO)- Có nhiều yếu tố liên quan đến việc uống rượu cần của đồng bào Bahnar. Mỗi một yếu tố đều chứa đựng giá trị riêng, trong đó, chiếc kang uống rượu là vật nhằm đảm bảo sự công bằng giữa mọi người khi uống rượu.