Việt Nam sẽ giúp Lào mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế độc lập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Quan điểm chiến lược của Việt Nam là giúp Lào có cảng riêng, tiếp theo là có đường sắt, đường bộ để mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế độc lập.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 12/11 tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Hội nghị chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.

Đây là cơ sở để hai Chính phủ tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam dự kiến diễn ra trong đầu năm 2025.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Lào Viengsavanh Vilayphone, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Lào-Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cùng đông đảo đại diện các phòng, ban liên quan của hai nướcViệt Nam-Lào.

Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo cấp cao hai nước, sự nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương, quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả; việc thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2024 đã đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu hội nghị. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu hội nghị. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương mong muốn trong thời gian tới, hai Bên cần tiếp tục quán triệt nội dung Thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao; Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác hàng năm giữa hai Chính phủ; phối hợp thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan của hai bên phấn đấu hoàn thành tốt Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2024 và 2025.

Hai bên cần tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường thuận lợi; có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm về an ninh-quốc phòng.

Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại (tăng 10-15%); tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.

Về hợp tác mua bán điện, hai bên tiếp tục phối hợp để rà soát, nghiên cứu chi tiết giá mua bán điện đối với các dự án điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn sau năm 2025; nghiên cứu kết nối hệ thống đường dây truyền tải của hai nước nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán điện từ các dự án điện tại Lào trong tương lai; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thực hiện các dự án điện gió tại khu vực biên giới để bán điện về Việt Nam.

Quan điểm chiến lược của Việt Nam là giúp Lào có cảng riêng, tiếp theo là có đường sắt, đường bộ để mở cửa hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế độc lập; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ, chú trọng công tác duy tu bảo dưỡng các công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng.

Tiếp tục ưu tiên hợp tác giáo dục, đào tạo theo hướng chú trọng chất lượng cao; áp dụng các mô hình đào tạo mới như đào tạo từ xa, đào tạo liên thông với nước thứ ba...; chú trọng bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; quan tâm đào tạo nghề; dành nhiều suất học bổng cho lưu học sinh Lào và tiếp tục cử giáo viên sang Lào dạy tiếng Việt.

Tăng cường hỗ trợ Lào kinh nghiệm về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh. Đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội, bảo vệ và làm tốt công tác biên giới; thúc đẩy các lĩnh vực khác như nội vụ, y tế, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ, tăng cường trao đổi văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giao lưu nhân dân.

Tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, tăng cường vai trò của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng, gắn kết hợp tác Tiểu vùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và hội nhập khu vực của ASEAN; khuyến khích các nước ASEAN và các đối tác ngoài khu vực đầu tư và hỗ trợ phát triển Tiểu vùng sông Mekong trên các lĩnh vực như kết nối hạ tầng, chuyển đổi năng lượng sạch, thích ứng biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Viengsavanh Vilayphone phát biểu hội nghị. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Viengsavanh Vilayphone phát biểu hội nghị. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN)

Kết thúc Hội nghị, hai bên đã nhất trí với 2 dự thảo văn kiện gồm, Biên bản Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam năm 2025.

Về thời gian, địa điểm tổ chức Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, thống nhất trình Lãnh đạo Ủy ban hợp tác hai nước cho ý kiến về việc tổ chức tại Lào (dự kiến tháng 1/2025).

Các nội dung chi tiết khác liên quan đến Kỳ họp, hai Bên sẽ tiếp tục trao đổi qua đường ngoại giao.

Theo Xuân Tú-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

(GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.