Dù rất ít gặp nhưng các ca bệnh Whitmore thường có diễn biến rất nặng. Whitmore không gây thành dịch, nhưng bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
Theo Bộ Y tế, báo cáo từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong nước gần đây ghi nhận 3 ca mắc bệnh Whitmore; trong đó có 2 trường hợp là trẻ em tại TX.Nghi Sơn, H.Nông Cống, Thanh Hóa, và 1 trường hợp là người lớn tại H.Krông Pắc, Đắk Lắk.
|
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị vi khuẩn Whitmore gây hoại tử cánh mũi. Ảnh: Mai Thanh |
Có thể tồn tại trong cơ thể và gây bệnh khi có điều kiện
Thông tin mới nhất từ Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội) xác nhận 1 trong 2 bệnh nhi mắc Whitmore đã tử vong do quá nặng. Trường hợp còn lại diễn biến khả quan hơn, vết bội nhiễm đang được kiểm soát, khu trú, và tiếp tục được theo dõi, điều trị rất sát sao.
PGS-TS Nguyễn Minh Điển, Giám đốc BV Nhi T.Ư, cho hay điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển. Vi khuẩn có thể xâm nhập, gây bệnh qua các vết thương hở, vết trầy xước không được vệ sinh kịp thời.
Về đặc tính của vi khuẩn gây bệnh Whitmore, TS Hoàng Bích Ngọc, Trưởng khoa Vi sinh - BV Nhi T.Ư, cho biết vi khuẩn này là trực khuẩn sống trong đất, nước, đặc tính cơ bản cũng tương tự vi khuẩn khác. Tuy nhiên, về tần số xuất hiện trên bệnh nhân thì không nhiều, ít gặp so với vi khuẩn khác. Một số ý kiến cho rằng thời gian vi khuẩn này tồn tại ở ngoài môi trường có thể dài hơn so với một số vi khuẩn khác và chúng có vùng dịch tễ riêng; còn vi khuẩn khác có thể tồn tại khắp nơi.
“Vi khuẩn gây bệnh Whitmore cũng hơi giống vi khuẩn lao, nó có thể tồn tại trong cơ thể, ẩn náu trong tế bào, khi có điều kiện sẽ gây bệnh”, TS Ngọc lưu ý thêm.
Whitmore không phải là “vi khuẩn ăn thịt người”
Về ý kiến cho rằng “Vi khuẩn gây bệnh Whitmore bị liệt vào danh sách có tính khủng bố sinh học do mức độ nguy hiểm”, TS Ngọc chia sẻ: “Từng có ý kiến như vậy có thể do đặc điểm gây bệnh của vi khuẩn này hơi khác một chút so với vi khuẩn thường gặp. Đó là khi vào cơ thể, nó có giai đoạn tấn công. Bình thường vi khuẩn chỉ ở ngoài tế bào, nhưng vi khuẩn này có giai đoạn có thể lọt vào trong tế bào, vì vậy việc tiêu diệt nó cũng có phần khó khăn hơn”.
TS Ngọc thông tin: “Tại BV Nhi T.Ư, chúng tôi thường có các theo dõi, đánh giá về sự phân bố, tác nhân gây bệnh, tần suất xuất hiện qua thực tế bệnh nhi vào viện. Qua đó cho thấy vi khuẩn này cực kỳ ít ghi nhận. Nhưng cũng có thể do ít gặp, mỗi lần xuất hiện thì nó gây chú ý hơn. Tuy nhiên, trong giới y học, vi khuẩn gây bệnh Whitmore không phải là “vi khuẩn ăn thịt người”, và các bác sĩ vẫn lựa chọn được kháng sinh phù hợp khi làm kháng sinh đồ”.
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Whitmore (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B.pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập cơ thể chủ yếu qua da có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B.pseudomallei.
Whitmore tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.
Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore.
Cách chủ động phòng bệnh Whitmore Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay...) với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn. Khi có vết thương hở, vết loét, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm; vết thương cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời. (Nguồn: Cục Y tế dự phòng) |
Theo Liên Châu (TNO)