Về nơi ‘đất Phú trời Yên’ - Bài 3: Vang vọng thanh âm của đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến miền “đất Phú trời Yên” không thể không một lần hòa mình vào không gian Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, lắng nghe đá vang vọng lời biển khơi và chất mộc mạc, hào hoa của con người xứ Nẫu.

Tuyệt tác triệu năm

Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 40km ra hướng Bắc, Gành Đá Đĩa (thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) được con tạo biến thiên, sắp đặt muôn vàn khối đá đen hình lục giác, hình tròn xếp tầng tầng lớp lớp ngoạn mục. Các vỉa đá nứt theo mạch dọc, mạch vòng, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc nghiêng xô ra biển.

Du khách chụp ảnh ở Gành Đá Đĩa. Ảnh: Như Ý

Du khách chụp ảnh ở Gành Đá Đĩa. Ảnh: Như Ý

Gành đá nhìn từ trên cao như tổ ong khổng lồ ánh lên màu huyền bí, nổi bật giữa màu xanh trong của biển trời. Còn nhìn gần lại giống những chồng đĩa lớn như trí tưởng tượng và cách lý giải của người xưa rằng: Gành Đá Đĩa là chồng bát đĩa bị bỏ lại sau bữa tiệc của những vị thần trên thiên đình xuống hạ giới du hành.

Qua lăng kính soi chiếu của giới chuyên gia khoa học, loại đá ở Gành Đá Đĩa là đá bazan được hình thành hơn 200 triệu năm. Núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) trở mình hoạt động, nham thạch phun trào gặp nước lạnh khiến những khối nham thạch bị nứt tạo thành các cột đá. Theo thời gian, sóng gió từ biển cả mài vuốt đã làm nên Gành Đá Đĩa- một trong số ít những ghềnh đá kỳ thú trên thế giới, cùng với Giant’’s Causeway (Ireland), Los Órganos (Tây Ban Nha) và Fingal (Scotland).

Anh Nguyễn Minh Nghiệp lưu giữ, giới nhiệu đàn đá, cùng nhiều hiện vật văn hoá Phú Yên. Ảnh: Như Ý

Anh Nguyễn Minh Nghiệp lưu giữ, giới nhiệu đàn đá, cùng nhiều hiện vật văn hoá Phú Yên. Ảnh: Như Ý

Mang vẻ đẹp độc đáo, Gành Đá Đĩa ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, check-in và mang về những bức hình lung linh, ảo diệu. Bình minh và hoàng hôn là thời điểm lôi cuốn nhiều tay máy say mê sáng tạo, bắt trọn khung cảnh biến ảo của thiên nhiên: những khối đá đen tuyền phủ đầy những chia nắng chói chang đầu ngày rực rỡ của miền duyên hải miền Trung hay nhuốm sắc hồng tía ráng chiều. Đặc biệt, không gian biển một bên và gành đá một bên như một sân khấu lớn mang đến bản giao hưởng bất tận của sóng - gió - đá và tiếng chim biển điểm xuyết. Và ở đó, khán giả có thể trải nghiệm chân trần bước trên từng phiến đá in màu thời gian trăm, triệu năm và tận hưởng cảm giác mát lạnh khi sóng biển dội vào mỏm đá tung bọt trắng xóa.

Các bạn trẻ biểu diễn đàn đá trong không gian văn hóa Hồn Xưa. Ảnh: Như Ý

Các bạn trẻ biểu diễn đàn đá trong không gian văn hóa Hồn Xưa. Ảnh: Như Ý

Ghi lại khung hình du khách, nam thanh nữ tú rạng rỡ tạo dáng chụp ảnh, người bạn quê Phú Yên đồng hành với chúng tôi phấn khởi hát: Có gì sáng nay mà sóng xôn xao/Chân trời vẫn xanh màu nắng vẫn ngọt ngào/Môi cười rất xinh lung linh màu áo/Câu hát gợi lên những khát khao đại dương/Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam/Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương… (Biển hát chiều nay, nhạc sĩ Hồng Đăng). Tận hưởng khung cảnh tuyệt vời ấy, chúng tôi cũng không hỏi niềm hân hoan của người bạn đồng hành là bởi chụp được bức hình ưng ý hay bởi đông du khách đến Gành Đá Đĩa, đến Phú Yên. Theo thống kê của Sở VHTT&DL tỉnh Phú Yên, chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (mùng 1 đến mùng 4 Tết) đã có gần 19 nghìn lượt khách tham quan Gành Đá Đĩa.

Sản phẩm du lịch

Theo âm hưởng của đá, chúng tôi và nhiều du khách khác đã không hẹn mà gặp ở không gian văn hoá Hồn Xưa nằm trong khu Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa. Nơi đây có cả nghìn chiếc cối đá, những thanh đá được xếp thành giàn như những bộ đàn đá thường thấy, chum ché, cồng chiêng… và một nếp nhà sàn truyền thống của người Ba Na, Ê Đê, Chăm ở Phú Yên.

Giữa không gian văn hoá ấy, các cô gái trong trang phục dân tộc duyên dáng gõ búa lên những phiến đá để tấu lên âm sắc trong trẻo, réo rắt, khoát hoạt của nhiều phong cách, thể loại âm nhạc. Từ những bài truyền thống cách mạng: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta lư, Cô gái Pako, Gặp nhau giữa rừng mơ, Sông Đăkrông mùa xuân về, Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh… đến những bài hát nhạc trẻ như Cô đơn trên sofa, See tình.

Anh Nguyễn Minh Nghiệp (SN 1978, quê huyện Tuy An, Phú Yên) giới thiệu là chủ của Hồn Xưa và những bạn trẻ đang biểu diễn đàn đá đều là người địa phương, không được đào tạo chuyên nghiệp qua trường lớp. “Nhiều du khách đi qua đây thấy đàn đá, cồng chiêng thường nghĩ đến Tây Nguyên, mà chưa biết văn hoá đá Phú Yên rất phong phú đặc sắc, trong đó có nhạc cụ bằng đá. Bảo tàng Phú Yên còn trưng bày bộ kèn đá đực - cái độc nhất vô thị trên thế giới; bộ đàn đá Tuy An gồm 8 thanh với thang âm hoàn chỉnh, được xác định có tuổi đời khoảng 2.500 năm”, anh Nghiệp nói.

Dẫn chúng tôi thăm cơ ngơi hiện vật sưu tầm, anh Nghiệp chia sẻ từng làm đá mỹ nghệ và yêu thích đàn đá nên từ năm 2013 đã dày công tìm kiếm, sưu tầm những thanh đá tự nhiên ở các vùng núi cao huyện Tuy An về chế tác thành những bộ đàn đá mới. Mong muốn quảng bá, giới thiệu loại nhạc cụ này, anh đã tích cực đưa đàn đá vào các điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên để du khách trải nghiệm; đào tạo, hướng dẫn các bạn trẻ sử dụng thành thạo và biểu diễn phục vụ du khách.

Đến nay, anh đã sở hữu được hàng chục bộ đàn đá, mỗi bộ có từ 19 đến 42 thanh, kích cỡ khác nhau. Trong đó có hai bộ 19 thanh hoàn toàn tự nhiên không qua chế tác. “Hành trang tìm đá của tôi đơn giản là một thanh xà-beng và… một đôi tai biết thẩm âm. Đá có âm thanh thì nhiều, nhưng tìm được viên có thang độ đúng nốt nhạc thì rất khó. Tôi đang ấp ủ làm bộ đàn đá 63 thanh, tượng trưng 63 tỉnh thành phố của đất nước”, anh nói.

Cùng với đàn đá, ông chủ Hồn Xưa còn sưu tầm, lưu giữ nhiều sản phẩm dòng gốm Quảng Đức nổi tiếng ở miền đất Tuy An; bộ sưu tập nhạc cụ của đồng bào các dân tộc ở các huyện miền núi xứ Nẫu, như trống đôi, cồng ba, chiêng năm; cũng như vật dụng sinh hoạt: nồi đồng, chảo đồng, ché. “Trong thời gian tới, tôi sẽ phối hợp với ngành bảo tàng để giám định, giới thiệu bài bản hơn đối với các hiện vật. Tôi mong muốn tạo một không gian văn hoá để du khách trên hành trình tham quan Phú Yên sẽ có thêm điểm dừng chân, cảm nhận thêm văn hoá, lịch sử và đời sống của con người vùng đất hoa vàng cỏ xanh”, anh Nghiệp bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái - Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Yên cho biết, cùng với những ưu đãi về thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, Phú Yên có văn hoá - ẩm thực phong phú, đặc sắc của 33 đồng bào dân tộc. Một trong những điều làm nên khác biệt, nổi bật của địa phương là văn hóa đá, trong đó có các nhạc cụ bằng đá. Tỉnh đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị, quảng bá gắn với du lịch đối với văn hoá đá, đàn đá nói riêng và văn hoá chung của Phú Yên. Một điều rất quan trọng, con người Phú Yên hiền hòa, chân chất và mến khách.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.