Về nơi 'đất Phú trời Yên'- Bài 1: Địa linh sinh hào kiệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phú Yên không chỉ được thiên nhiên ưu ái, ban tặng những danh thắng độc nhất vô nhị, đó còn là mảnh đất kiệt hiệt, với những anh hùng góp phần quan trọng vào tiến trình mở nước, và giữ nước.

Từ người mang gươm đi mở cõi…

Đến Phú Yên, trong đầu tôi cứ văng vẳng câu “hò Phú Ơn”, rằng Chiều chiều mượn ngựa ông Đô/ Mượn kiều chú lính đưa cô tôi về/ Cô về chẳng lẽ về không/ Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau/ Ngựa ô đi tới Quán Cau/ Ngựa hồng thủng thỉnh đi sau Gò Điều…

Câu hò đưa chúng ta về khung cảnh xa xưa của những năm thế kỷ 16 (1597), khi Lương Công (tức Lương Quận Công Lương Văn Chánh) theo lệnh Chúa Nguyễn đưa 4.000 người vượt đèo Cù Mông khẩn hoang, lập ấp, kiến tạo vùng đất Phú Yên ngày nay. Là nơi hoang địa, nước độc rừng thiêng, có thể hình dung cảnh một anh lính phải dỗ vợ, để mai kia ổn ổn tôi mượn ngựa ngài đô đốc đưa cô mình về.

Tượng cụ Lương Văn Chánh trong khuôn viên đền thờ

Tượng cụ Lương Văn Chánh trong khuôn viên đền thờ

Sau hàng trăm năm thăng trầm, nơi “cô tôi” chẳng muốn đến nay đã trở thành miền đất Phú trời Yên, đúng như câu hò giễu nhại, “chỉ sợ lúc ấy cô chẳng muốn về, ngựa ô tôi đến (đèo) Quán Cau, ngựa hồng cô vẫn ở Gò Điều”.

Trong cuộc chiến giành tự do, độc lập dân tộc, trước khi hy sinh, chí sĩ Lê Thành Phương để lại câu nói bất hủ “Thà chịu chết chứ không chịu nhục”, còn Tổng Bí thư Trần Phú kêu gọi những người cách mạng và nhân dân “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.

Nay Quán Cau, Gò Điều (đều thuộc huyện Tuy An) vẫn còn đó, nhưng khoác lên mình dáng hình mới, sầm uất và hiện đại. Cách đó không xa, ở huyện Phú Hiệp, vẫn còn một nơi lưu giữ những chứng tích xa xưa thời mở cõi. Chính là đền thờ Lương Công, người được sử nhà Nguyễn ghi nhận là “công thần hồi quốc sơ, khai thác đất đai, mở rộng biên giới, công lao rõ rệt”.

Đứng trước cánh cổng sơn xanh và ngắm bức tượng lớn cụ Lương Văn Chánh phía đằng xa, chúng tôi còn chưa kịp lên tiếng thì một người đàn ông quắc thước bước đến. Ông giải thích, “chuẩn bị ngày giỗ cụ (19/9 âm lịch) nên công việc lu bu quá, chưa ra đến ngoài để mở cổng, bỗng sao nóng ruột chạy ra, biết ngay có khách”.

Ông Lương Sơn Bá, cháu đời thứ 18 của cụ Lương Văn Chánh. Ảnh: Như Ý

Ông Lương Sơn Bá, cháu đời thứ 18 của cụ Lương Văn Chánh. Ảnh: Như Ý

Vừa dẫn chúng tôi vào, ông vừa giới thiệu mình là Lương Sơn Bá, cháu đời thứ 18 của cụ Lương Văn Chánh, được giao trọng trách trông coi đền thờ. Bằng niềm tự hào cùng sự thông tuệ, ông kể cho chúng tôi nghe sự nghiệp hiển hách của cụ Lương Văn Chánh. Với tài năng, tầm nhìn xa và tấm lòng giúp dân an cư lạc nghiệp, trong thời gian từ 1597 đến 1611, Lương Công đã lập ra gần 100 ngôi làng, bao gồm làng Phụng Các (nay là thôn Long Phụng, xã Hòa Trị), nơi chúng tôi đang đứng. Khi cụ mất (1611), được tấn phong Phù Quốc công, suy tôn Thành hoàng, Thần bảo hộ dân, đây trở thành đền thờ để nhân dân đời đời nhang khói.

Qua cổng tam quan rêu phong phủ kín, ông Bá nói rằng những năm chiến tranh, đền bị tàn phá nặng nề, con cháu họ Lương cũng ly tán, chỉ mang theo các sắc phong, gia phả. Trở lại sau ngày giải phóng đất nước năm 1975, xung quanh là khung cảnh điêu tàn, cây cối rậm rạp như rừng. Cổng tam quan chỉ còn tàn tích, riêng một phần ngôi đền còn giữ được chính nhờ cây bồ đề bao bọc, trùm kín. Đây là một sự kỳ diệu của tạo hóa, đồng thời làm tăng thêm tính linh thiêng của ngôi đền.

Năm 1996, mộ và đền thờ cụ Lương Văn Chánh được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đến 2011, tròn 400 năm ngày cụ mất, đền thờ mới cũng được khánh thành, vừa là nơi thờ phụng, trưng bày thần tượng, 14 đạo sắc phong, vừa là địa điểm tổ chức lễ hội ngày 6/2 âm lịch, kỷ niệm ngày Lương Công “kết lập gia cư, khai canh thôn làng, làm ruộng thu tô”.

“Đó là dịp để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, những người mở nước, và cả những người giữ nước”, ông Bá nói.

…đến những anh hùng giữ nước

Đền thờ Lương Văn Chánh ở huyện Tuy An, Phú Yên. Ảnh: Như Ý

Đền thờ Lương Văn Chánh ở huyện Tuy An, Phú Yên. Ảnh: Như Ý

Khi nói đến giữ nước, ông Bá hướng về phía thành An Thổ nằm bên kia sông Cái. Theo chỉ dẫn của ông, chúng tôi đến di tích thành An Thổ thuộc xã An Dân, huyện Tuy An. Qua những dấu tích còn sót lại, gồm nền móng cũ, kỳ đài cùng một số công trình phụ trợ, chúng tôi có thể mường tượng ra khung cảnh bề thế năm xưa.

Theo tìm hiểu, thành xây năm 1832, đến năm 1836 thì hoàn thành. Thành xây kiểu Vauban với bình đồ hình vuông, diện tích khoảng 6.400m2, tường thành đắp bằng đất có bốn cửa Tiền, Hậu, Hữu, Tả, dưới chân là hào nước. Sách Đại Nam nhất thống chí cũng mô tả chi tiết, bên trong thành “chính giữa dựng hành cung, phía trước dựng kỳ đài, phía sau dựng kho tàng”.

Việc thành không còn nguyên trạng, ngoài biến động thời gian, nơi đây còn là chứng tích một thời chống Pháp hào hùng của nhân dân Phú Yên. Năm 1885, một người con Tuy An là Lê Thành Phương đã cùng ngàn binh sỹ cắt máu ăn thề, dựng cờ Cần Vương, lập căn cứ dưới chân đèo Quán Cau. Không chỉ đánh bại và bắt được tổng binh ở Tuy Hòa, ông còn tiến xuống phía Nam, mở rộng phong trào. Vua Hàm Nghi sắc phong cho ông là Thống soái Quân vụ Đại thần, đồng thời nhận được 3 khẩu thần công do Phan Đình Phùng gửi tặng.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân Lê Thành Phương, giặc Pháp tập trung lực lượng đàn áp. Các phòng tuyến của nghĩa quân, bao gồm thành An Thổ, lần lượt bị hạ. Bản thân Lê Thành Phương cũng rơi vào tay giặc, sau đó bị kết án tử hình cùng 11 nghĩa sỹ khác năm 1887.

Nhưng như một lãnh tụ Cần Vương khác là Nguyễn Trung Trực từng nói, “bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”, sau Lê Thành Phương, chính đất Tuy An, thành An Thổ đã sinh ra một người con kiệt xuất khác: đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta.

Thân sinh của đồng chí Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ được triều đình Huế điều chuyển vào dạy học tại huyện Tuy An. Đồng chí Trần Phú sinh vào ngày 1/5/1904, sau đó gắn bó với đất Tuy An đến năm 1907. Là người cộng sản mẫu mực, nêu tấm gương kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, đồng chí Trần Phú đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời viết nên dự thảo Luận cương chính trị, văn kiện quan trọng xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam.

Với những giá trị khảo cổ và lịch sử, thành An Thổ được xếp hạng là di tích khảo cổ quốc gia vào năm 2005. Đến đây, các du khách sẽ được chiêm ngưỡng những di tích còn lại của tòa thành cổ, nghe câu chuyện bi tráng của anh hùng Lê Thành Phương, tìm hiểu quá trình học tập, hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Tuy An và tỉnh Phú Yên.

Trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, mỗi chúng ta luôn khắc ghi về một thời như thế, với những người mang gươm đi mở cõi, cũng có những người nêu cao khí phách, rằng “Thân có nát tan hồn chẳng mất/ Sóng cồn sẽ lại dậy trào nhanh” (thơ Lê Thành Phương).

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.