Về Kinh Bắc nghe chuyện gà Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người dân Lạc Thổ không đơn thuần coi gà Hồ như một loại gia cầm cung cấp thực phẩm quý, mà coi như một tác phẩm nghệ thuật bởi những nét dũng mãnh, kiều diễm mà các giống gà khác không thể có
Cây cầu Hồ bắc qua sông Đuống đưa tôi về trấn Kinh Bắc - cái nôi văn hiến của vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa. Bên kia sông Đuống ấy là làng tranh dân gian Đông Hồ thuộc xã Song Hồ và làng Lạc Thổ của thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - nơi có giống gà Hồ danh bất hư truyền.
Mang nghĩa đại cát, thịnh vượng
Có lần về Đông Hồ, tôi vào một xưởng tranh xem, rồi tò mò về hình tượng nhân vật là những con gà. Có rất nhiều bức tranh khắc họa gà như: Gà đại cát nghinh xuân, gà trống bên hoa cúc, em bé ôm gà, đàn gà mẹ con, gia đình gà, gà dạ xướng… Xem tranh, tôi cứ tưởng đây là những con gà bình thường, chợ nào cũng bán. Hóa ra không phải vậy!
Khi gặp nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế, tôi mới được nghe lý giải cặn kẽ: "Những bức tranh vẽ gà Đông Hồ đều mang ý nghĩa đại cát, thịnh vượng. Người dân từ xưa đã mua về treo trong nhà đặc biệt vào dịp Tết nguyên đán. Những con gà được lấy làm hình tượng vẽ lên tranh đều là giống gà Hồ, ở làng Lạc Thổ ngay gần đây".
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn cho biết thêm là giống gà Hồ đã xuất hiện ở vùng Lạc Thổ (nghĩa là Đất Vui) lâu lắm rồi. Thậm chí, có người còn lý giải rằng gà Hồ có thể còn xuất hiện trước khi dòng tranh dân gian Đông Hồ ra đời. Khi đi vào tranh vẽ, gà Hồ đã trở thành biểu tượng văn hóa truyền thống của vùng đất Kinh Bắc.
Để được xem và hiểu hơn về giống gà Hồ ngoài đời thực, chúng tôi tới Lạc Thổ tìm gặp ông Nguyễn Đăng Chung là Chủ nhiệm CLB nuôi gà Hồ làng Lạc Thổ. Lời đầu tiên khi nói về giống gà nổi tiếng của quê hương mình, ông Chung đầy tự hào: "Giống gà Hồ đã vinh dự và may mắn được đưa vào Sách đỏ để bảo tồn".
Nói đến sự quý hiếm, ông Chung bảo: "Gà Hồ của chúng tôi xưa kia được tuyển chọn để đưa vào cung đình chế biến các món ăn phục vụ vua, chúa, quan lại quyền cao chức trọng… Vì thế, gà Hồ được gọi là sản vật tiến vua". Việc giống gà này xưa được đưa vào cung đình tiến vua, rồi thì vào tranh, nay lại vào luôn Sách đỏ đã nói lên giá trị của nó. Cũng chính vì vậy, việc  bảo tồn giống gà Hồ thuần chủng cũng là vấn đề cấp thiết đặt ra cho người dân ở làng Lạc Thổ.

Chuồng có hệ thống sưởi ấm bằng điện cho gà trong mùa đông ở hộ ông Nguyễn Đăng Trường Ảnh: Hải Dương
Chuồng có hệ thống sưởi ấm bằng điện cho gà trong mùa đông ở hộ ông Nguyễn Đăng Trường Ảnh: Hải Dương
Như đấng nam nhi quân tử
Sau nhiều năm chiến tranh liên miên, rồi một giai đoạn đất nước khó khăn, phong trào nuôi gà Hồ bị gián đoạn. Thậm chí, giống gà này còn bị lai tạp, có nguy cơ thương hiệu truyền thống biến mất.
Nhận ra điều tệ ấy, năm 1992, những cụ cao niên tâm huyết với giống gà Hồ đã ngồi lại với nhau bàn bạc rồi từ đó CLB nuôi gà Hồ ra đời. Chỉ một năm sau (1993), để khuyến khích người nuôi gà, hội thi gà Hồ truyền thống đẹp đã diễn ra.
Năm 2010, gà Hồ là giống gà đầu tiên ở Việt Nam nhận được sự hỗ trợ về kinh phí và khoa học kỹ thuật của chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc phối hợp Viện Chăn nuôi quốc tế (GEF-UNEP ILRI). Đến nay, có khoảng 50 hộ ở làng Lạc Thổ chuyên nuôi gà Hồ truyền thống với thu nhập từ 150-300 triệu đồng/năm/hộ.
Tuy có nhiều hộ tham gia nuôi gà nhưng để tìm được những con đẹp nhất thì ông Chung giới thiệu chúng tôi tới tìm các ông Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Đăng Trường. Ông Diện nuôi gà Hồ từ hơn 30 năm qua, cho biết các giống gà khác mỗi lứa chỉ mất 3-6 tháng, trong khi gà Hồ mất 2-3 năm. Thời gian dài, đồng thời người nuôi phải bỏ rất nhiều công sức, tâm huyết. Khi gà lớn, sẽ tuyển chọn những con đẹp để chăm sóc, chẳng kém gì chăm gà chọi.

Hình tượng gà Hồ trong tranh dân gian Đông Hồ Ảnh: Thu Hường
Hình tượng gà Hồ trong tranh dân gian Đông Hồ Ảnh: Thu Hường
Sau khi chăm bẵm, những con có vẻ ngoài đẹp sẽ được tuyển đi thi vào dịp hội làng đầu năm hoặc bán được giá cao vào dịp Tết nguyên đán. Ông Diện nói một con gà Hồ đẹp trước tiên trọng lượng phải đạt 5-7 kg (trống) và 3-5 kg (mái). Một số con trống nuôi đủ 3 năm thì trọng lượng đạt 7 kg. Chỉ giống gà Đông Tảo (Hưng Yên) với những con lớn nhất mới có thể sánh được với gà Hồ về trọng lượng.
Nhiều năm tham gia vào ban giám khảo cuộc thi gà Hồ đẹp, ông Nguyễn Đăng Chung nói con gà Hồ trống đẹp được ví như đấng nam nhi quân tử "đầu đội trời chân đạp đất", văn võ song toàn và phải có đủ: nhân, dũng, trí, tín. Mào gà đỏ tươi tượng trưng cho chiếc mũ của quan văn. Cựa gà chắc khỏe tượng trưng cho thanh kiếm (giỏi võ). Khí phách anh dũng khi chiến đấu với kẻ địch để bảo vệ đàn (có dũng). Khôn ngoan, tinh tường dẫn đàn đi kiếm mồi và phòng kẻ địch (có trí). Biết chia sẻ với đồng loại khi kiếm được mồi (có nhân). Luôn dậy sớm gáy đúng giờ để báo thức một ngày mới (có tín).
Những con gà mái đẹp sẽ được ví như mỹ nhân sắc nước hương trời, thướt tha kiều diễm. Nếu người con gái đẹp bởi lụa gấm (theo câu "Người đẹp vì lụa") thì gà Hồ mái đẹp bởi bộ lông… Gà mái đẹp cần có ba màu lông: Mã thó (màu trắng của đất thó), mã sẻ (màu lông chim sẻ) và mã nhãn (màu quả nhãn chín) và cũng cần có những đức tính đẹp như người con gái xưa với công, dung, ngôn, hạnh; chăm chỉ kiếm ăn để nuôi đàn con; biết chia sẻ, giúp đỡ nhau để tạo ra sự đoàn kết trong đàn… Những người có cặp gà trống - mái (quân tử - mỹ nhân) đoạt giải ở cuộc thi tại đình làng đầu năm sẽ được lên bục nhận giải, cúp, cờ, vô cùng hãnh diện.
Ông Diện nhấn mạnh rằng nhiều người dân ở Lạc Thổ không đơn thuần coi gà Hồ như một loại gia cầm cung cấp thực phẩm quý, mà coi như một tác phẩm nghệ thuật bởi chúng mang những nét dũng mãnh, kiều diễm mà các giống gà khác không thể có. Gà Hồ cũng đã trở thành linh vật biểu tượng cho một số đại hội thể dục thể thao do Việt Nam đăng cai.
Làng Lạc Thổ trước kia có tục nuôi gà Hồ để thờ cúng trong lễ lên lão cho những người đàn ông đã qua 55 tuổi. Lễ ấy có tên gọi là Khao trầu, diễn ra vào ngày mùng 4 tháng giêng hằng năm.

Một cặp gà Hồ trống mái thuộc hàng “quân tử - mỹ nhân”
Một cặp gà Hồ trống mái thuộc hàng “quân tử - mỹ nhân”
Nhu cầu thị trường rất lớn
Từ độ cuộc sống bớt khó khăn, cứ dịp Tết nguyên đán là người tứ xứ lại tìm về Lạc Thổ săn lùng gà Hồ. Dù nhu cầu thị trường rất lớn nhưng Lạc Thổ chỉ cung cấp được 500 - 700 con ra thị trường.
Giá gà Hồ thương phẩm luôn từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg, cân nguyên con. Dịp Tết hay hội hè đầu năm, những con trống đẹp thì giá có lúc đến 3 triệu đồng/kg cũng không có để bán. Ông Nguyễn Đăng Trường, đang là chủ trại gà Hồ lớn nhất ở Lạc Thổ, cho biết khoảng 2-3 tháng trước Tết nguyên đán, khách từ các tỉnh, thành phố về đây đặt nguyên cặp gà trống - mái để mua. Có người sẵn sàng bỏ ra 30-40 triệu đồng để mua một cặp gà đẹp, tổng trọng lượng trên 10 kg.
Một số người nuôi được cặp gà đẹp thì không bán vì muốn giữ lại để đi thi hội xuân, có người giữ lại để chơi gà cảnh… Do đó, ông Trường bảo dạng gà đẹp bán ra dịp Tết nguyên đán luôn trong tình trạng cháy hàng.
Có trang trại gà Hồ lớn nhất ở Lạc Thổ nhưng hộ ông Nguyễn Đăng Trường cũng chỉ cung cấp được khoảng 70-80 con gà Hồ thương phẩm, loại từ 3-6 kg/con cho người mua vào dịp Tết. Ở tầm ấy, thịt gà Hồ luôn có độ dai, thơm ngon nhất.
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua gà Hồ của khách hàng, mấy năm nay, ông Trường mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nhân giống, tăng đàn. Ông mua máy ấp trứng có bảng điều khiển, đồng hồ đo nhiệt; đồng thời đầu tư xây dựng khu chuồng trại có máy sưởi bằng điện để giữ ấm đàn gà trong mùa đông giá rét. Toàn bộ gà trưởng thành được gia đình ông Trường thả rông ngoài vườn; thức ăn chủ yếu là cám gạo, thóc, ngô bèo tây, rau xanh, nói không với thức ăn công nghiệp.
Thời gian qua, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cử người về Lạc Thổ hướng dẫn, hỗ trợ bà con kỹ thuật nuôi và cách nhân giống gà Hồ bằng phối tinh nhân tạo. Tỉ lệ ấp nở trứng thụ tinh nhân tạo thành công lên tới trên 90%. Ông Trường phấn khởi nói thế là người nuôi gà Hồ ở Lạc Thổ và cơ quan chức năng đang phối hợp để xây dựng nên thương hiệu gà Hồ. 
Trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, nhà thơ Hoàng Cầm viết: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.
Hải Dương - Thu Hường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.