Vào vùng nóng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những đôi mắt đờ đẫn, ánh nhìn vô định, làn da tái mét và cả những chấm xuất huyết đỏ lừ trên cơ thể người bệnh như minh chứng cho sức tàn phá khốc liệt của căn bệnh chưa có vắc xin dự phòng này.

Không còn chu kì 3-5 năm một lần bùng dịch, sốt xuất huyết (SXH) đang đi trái với quy luật của nó. Hai năm liên tiếp loại virus bé nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy liên tiếp gây “bão”. Và nạn nhân của nó đang nằm kín giường của những bệnh viện lớn nhất thuộc chuyên ngành truyền nhiễm.

Tôi theo chân PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung Tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đến từng buồng bệnh. Cả trung tâm có 95 giường nhưng có đến 135 bệnh nhân nặng thuộc nhiều loại bệnh nằm điều trị. Trong số đó 45 ca SXH. Mặc dù công việc chuyên môn bận rộn từ việc giao ban chuyên môn, thăm khám tư vấn bệnh nhân, hội chẩn, giảng dạy cho sinh viên, họp hành giải quyết các công việc hành chính,... PGS Cường vẫn chú trọng dành thời gian hằng ngày để đi buồng, nắm chắc bệnh tình tất cả các bệnh nhân nặng để chỉ đạo xử lý kịp thời.

Trong hàng trăm ca bệnh nhập viện có nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính. Các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu… Điều khác biệt của dịch SXH năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu hoặc sốc giảm thể tích do cô đặc máu hoặc suy đa tạng, đã ghi nhận có 3 trường hợp tử vong.

Chỉ riêng hôm qua có tới 16 bệnh nhân SXH nặng nhập viện. Bác sĩ, điều dưỡng di chuyển như con thoi để tiếp đón, sắp xếp giường bệnh. Điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ vừa truyền dịch cho bệnh nhân vừa động viên: “Bác cố gắng ăn cháo cho lại sức còn về với bác gái chứ, nằm đây mãi bác gái nhớ thì sao”. Nụ cười dịu dàng của nữ điều dưỡng cùng câu đùa khiến không khí phòng bệnh đỡ trầm lắng. Vừa lúc đó một bệnh nhân mới nhập viện, bác sĩ Nguyễn Hữu Bảng bước vào trao đổi vài câu với Huệ. Lập tức cô gái trẻ nhanh nhẹn mang thêm chăn gối đặt vào giường đang có một bệnh nhân nằm: “Bác thông cảm nhé, Trung tâm ít giường mà bệnh nhân SXH đông quá phải nằm ghép. Hai bác chịu khó nằm chung một giường, có giường trống chúng cháu sẽ thu xếp ngay”.

Vậy nhưng, để có mỗi người bệnh một giường ở thời điểm này quả thực rất khó khi dịch SXH đang bước vào cao trào bùng phát, mỗi ngày số bệnh nhân nhập viện lên đến hàng chục ca và chỉ có tăng chứ không thể giảm. Tôi nhìn những đôi chân đỏ rực như tôm luộc thõng xuống dưới đất, trên da chỗ tiêm truyền chảy máu bầm tím từng mảng, gương mặt mỏi mệt, ngước đôi mắt nhìn từng giọt truyền qua ống dẫn chảy vào cơ thể cảm thấy sự bất lực của những người bệnh trước sức tấn công dữ dội của kẻ thù vô hình.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ truyền dịch cho bệnh nhân SXH. Ảnh: T.Hà

Điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ truyền dịch cho bệnh nhân SXH. Ảnh: T.Hà

Giữa tâm bão

11 giờ trưa, PGS.TS Đỗ Duy Cường có cuộc giao ban với toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên thực tập. Tôi ngồi cuối phòng họp nhưng cảm nhận được sức nóng từ những trao đổi của các chiến binh áo trắng. “Cần lưu ý tình trạng bệnh nhân bị cô đặc máu thường xảy ra ngày thứ 4-5 rất dễ bị bỏ qua vì thế sẽ dẫn đến sốc rất nhanh. Đừng để xảy ra sốc vì khi đã sốc rồi thì rất khó điều trị và tử vong là điều rất khó chấp nhận!” - PGS Cường liên tục dặn dò hậu bối là các bác sĩ, học viên, sinh viên. Từng ca bệnh nặng được các bác sĩ đưa ra phân tích, mổ xẻ để có hướng điều trị tốt nhất. Cuộc giao ban chuyên môn căng như dây đàn, bất chợt tôi có cảm giác mình như bị cuốn vào cơn bão SXH, nổi da gà vì những ca bệnh quá nặng được bác sĩ trình bày chi tiết. “Phải làm vậy thì các sinh viên và bác sĩ trẻ mới có thêm kiến thức lâm sàng, mới thêm kinh nghiệm điều trị và thêm những bệnh nhân nặng được cứu sống” - dường như cảm nhận được suy nghĩ của tôi, PGS.TS Đỗ Duy Cường khẽ nói khi chúng tôi cùng bước về phía bệnh phòng sau cuộc giao ban nóng…

Trong hàng trăm ca nhập viện vì SXH từ tháng 8 đến nay có nhiều thai phụ, vì thế nỗi lo càng chất chồng trên gương mặt người thân đi chăm bệnh nhân. H.T.M, đang mang thai ở tuần thứ 30 bị những cơn sốt cao hành hạ. Người chồng lo lắng khôn nguôi. Cảm nhận được tâm trạng của đôi vợ chồng trẻ, bác sĩ Bằng vừa khám cho M vừa trấn an cả hai: “Đừng lo quá, bệnh của vợ em vẫn trong tầm kiểm soát của chúng tôi”. Thoắt cái, anh tới bên giường cạnh đó nói: “Sức khỏe của bác ổn rồi, chiều nay có thể ra viện nhé. Về nhà bồi bổ thêm vì sau khi mắc SXH sẽ mệt đấy. Bác nhớ khám lại theo lịch hẹn”. Câu nói của bác sĩ Bằng bất chợt khiến phòng bệnh rộn ràng. Dù còn mệt, người phụ nữ nằm góc phòng vẫn cất giọng xen lẫn niềm vui: “Thế là thêm một người khỏe lại, rồi lần lượt sẽ đến chúng tôi phải không bác sĩ?”. Câu hỏi mà như trả lời của bà khiến mọi người cùng cười vui, xóa tan bầu không khí u ám, nặng nề trước đó…

PGS.TS Đỗ Duy Cường trao đổi các ca bệnh nặng với bác sĩ và sinh viên thực tập. Ảnh: T.Hà

PGS.TS Đỗ Duy Cường trao đổi các ca bệnh nặng với bác sĩ và sinh viên thực tập. Ảnh: T.Hà

Cả Trung tâm có 25 bác sĩ, 70 điều dưỡng với 135 giường bệnh lúc nào cũng hoạt động hết công suất. Những “thiên thần áo trắng” làm việc không biết mệt mỏi, xuyên trưa, miếng cơm nuốt vội không thấy ngon, khát cũng không kịp uống nước vì bệnh nhân vào liên tục, lại khám, sắp xếp giường bệnh, giải thích cho người nhà bệnh nhân, thực hiện y lệnh điều trị: lấy máu xét nghiệm, truyền dịch, uống thuốc, ghi chép theo dõi hồ sơ bệnh án... Khối lượng công việc khổng lồ được thực hiện răm rắp từng công đoạn tỉ mỉ, chính xác với tất cả trách nhiệm, sự tận tụy của các y bác sĩ nơi đây. Công việc cuốn mọi người quên thời gian, thay đổi cả nhịp sinh học nhưng hỏi có muốn đổi việc khác nhẹ nhàng hơn không thì tôi chỉ nhận được nụ cười và những cái lắc đầu. “Gắn bó với công việc, coi bệnh nhân như người thân giúp bọn em bớt mệt mỏi”, điều dưỡng Nguyễn Thị Huệ chia sẻ.

Những chiến binh nhí

Ở tầng 2, Khoa Nội tổng quát (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương) cậu bé Tr.K.Tr (6 tuổi) nằm im lìm, phải hỗ trợ thở ô xy. Mới một ngày trước đó, sức khỏe của bé đã có dấu hiệu tốt lên nhưng đột nhiên hôm nay lại xấu đi. TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Trẻ em bước vội vào phòng bệnh. Anh lập tức yêu cầu điều dưỡng dựng cao đầu giường của bệnh nhi. “Trường hợp này diễn biến đột ngột nặng lên là bất thường. Trẻ khó thở là biểu hiện của tràn dịch màng phổi vì vậy phải cho trẻ ngồi dậy để dịch lắng xuống đáy phổi giúp dễ thở hơn”, bác sĩ Hải phân tích cặn kẽ cho một nữ bác sĩ nội trú còn trẻ.

Bước nhanh về một phòng bệnh khác, anh cho tôi gặp cậu bé mới 14 tuổi nhưng nặng 86kg bị SXH. Bệnh nhi bị cô đặc máu nặng, tình trạng tiền sốc rất đột ngột ở ngày thứ 6 của chu kì bệnh. “Người ấm lại rồi đây, con làm bố mẹ sợ quá đấy”, bác sĩ Hải nắm lấy bàn tay cậu bé nói. Mới chỉ tối hôm trước, toàn thân cậu bé lạnh toát, cơ thể vã mồ hôi và bắt đầu khó thở. Rất may bệnh nhi được điều dưỡng phát hiện kịp thời để cấp cứu.

Trong các buồng bệnh, những điều dưỡng liên tục di chuyển để theo dõi chỉ số sinh tồn của trẻ. Khác với mọi năm, mùa dịch này điều đặc biệt bác sĩ Hải nhận thấy là tình trạng trẻ trở nặng từ ngày thứ 3 thay vì thứ 5 như thông thường. Đáng chú ý, tình trạng nặng kéo dài đến ngày thứ 8 hoặc 9 chứ không phải giảm từ ngày thứ 7 như xưa nay vốn thế.

Khúc lặng

Áp lực - vất vả - mệt mỏi là trạng thái bủa vây nhân viên y tế khi mùa dịch đến nhưng nó chỉ cho thấy một phần của những nặng nhọc mà họ phải gánh vác. Tôi từng thấy nét đượm buồn trên gương mặt các bác sĩ, nhân viên y tế khi một bệnh nhân quá nặng phải từ giã cuộc sống. Phút chạnh lòng, bất lực khi không cứu được người bệnh ám ảnh họ. Nhưng vượt lên tất cả, bằng sức mạnh nội sinh, những người khoác áo blouse lại kiên cường chiến đấu dẫu virus vô hình đang khiến lòng người lo lắng, bệnh viện quá tải, bệnh nhân chịu cơn đau thấu xương tủy. Vẫn họ, lặng thầm tận hiến để tiếp tục công việc níu giữ cho đời những phận người trong cơn bạo bệnh. Và tôi hằng tin sự hi sinh cuộc sống riêng tư của họ sẽ được đáp lại bằng nụ cười hạnh phúc và ánh mắt ngập niềm vui của người bệnh trong ngày chào tạm biệt các bác sĩ để trở về sum họp gia đình... Lấp lánh trong mắt cười của người vừa bước qua lằn ranh sinh tử có cả tiếng thở phào nhẹ nhõm của những người đã giữ thêm một cuộc đời ở lại với trần gian. Cảm ơn họ- những “lá chắn” cuối cùng vừa mạnh mẽ, vừa bền bỉ và chất chứa yêu thương trước sự hung dữ của cơn giông bão tàn khốc.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.