"Vào guồng" ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bước sang học kỳ II cũng là thời điểm các trường THPT vào guồng ôn thi tốt nghiệp cho học sinh khối 12. Với nhiều giải pháp được đề ra, cả giáo viên lẫn học sinh đều đang nỗ lực vượt khó, quyết tâm đạt kết quả cao. 
Năm học 2021-2022, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh có 4 lớp 12 với 126 học sinh. Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác ôn thi tốt nghiệp. Theo Hiệu trưởng Võ Thành Nguyên, trong học kỳ I, nhà trường hầu như phải tổ chức dạy trực tuyến với vô vàn khó khăn. Bởi lẽ, đa phần học sinh đều sống ở vùng sâu, vùng xa; điều kiện về cơ sở hạ tầng và phương tiện học online còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, thời lượng 1 tiết học trực tuyến bị tiết giảm 10 phút so với học trực tiếp nên nhà trường chỉ có thể dạy theo chương trình; còn việc ôn thi tốt nghiệp chưa thể tổ chức. “Thay vì có 12 tuần ôn tập trong học kỳ I thì năm nay, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường mới bắt đầu ôn thi cho học sinh. Chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch, cân đối thời gian để đảm bảo việc ôn thi đạt hiệu quả”-thầy Nguyên thông tin.
Theo đánh giá sơ bộ, kết thúc học kỳ I, chất lượng giáo dục khối 12 giảm nhiều so với năm học trước; trong đó, số học sinh giỏi giảm 2,34%, khá giảm 3,08% và trung bình tăng 6,27%. Để nối dài kết quả 10 năm liên tiếp có 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Ban Giám hiệu chỉ đạo giáo viên bộ môn dựa trên kết quả học kỳ I để phân tích chất lượng từng học sinh, từ đó có kế hoạch và giải pháp củng cố những kiến thức mà học sinh còn thiếu hụt; giao cho từng giáo viên và học sinh tự đăng ký chỉ tiêu trong học kỳ II và kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm động lực phấn đấu; khích lệ tinh thần tự học của học sinh ngoài giờ lên lớp; động viên giáo viên thích ứng với tình hình thực tế, chủ động và sáng tạo trong công tác ôn thi.
Một tiết ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn của cô Nay Hiên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Một tiết ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn của cô Nay Hiên và học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Ảnh: Mộc Trà
Cô Nay Hiên-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh-cho hay: “Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, tôi luôn cố gắng tìm ra phương pháp ôn tập hữu hiệu và phù hợp nhất với trình độ, nhận thức của học sinh, sao cho các em nắm vững kiến thức nhanh và nhớ lâu. Ở môn Ngữ văn, thời gian này, tôi chủ yếu cho học sinh luyện đề để các em tiếp cận, rèn luyện kỹ năng khai thác đề khi làm bài thi”. Còn em Đinh Siu Tân (lớp 12B) thì chia sẻ: “Được sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, chúng em luôn cố gắng tiếp thu và tích lũy kiến thức một cách chắc chắn nhất có thể. Ngoài thời gian lên lớp, em còn xây dựng thời gian biểu tự học cho mình. Em hy vọng sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp”.
Tương tự, những ngày này, Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang) đang tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh. Với thuận lợi 10 tuần học tập và ôn thi trực tiếp trong học kỳ I, thầy và trò nhà trường có phần “dễ thở” hơn. Thầy Nguyễn Đình Thuận-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Năm nay, toàn trường có 333 học sinh lớp 12. Song song với thực hiện chương trình của học kỳ II, nhà trường tiếp tục tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh vào thời gian phù hợp. Tổng thời lượng là 18 tiết/tuần/lớp; trong đó, ôn tập 4 tiết/tuần đối với môn bắt buộc và 2 tiết/tuần đối với môn tự chọn. Cuối tháng 2, nhà trường sẽ tổ chức thi thử tốt nghiệp lần thứ nhất; qua đó sẽ tiến hành sàng lọc những học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp, thành lập 1 nhóm riêng để tăng thêm thời gian và phân công giáo viên có kinh nghiệm triển khai ôn tập cho các em. Mục tiêu hướng đến là 100% học sinh lớp 12 đều đậu tốt nghiệp. 
Sở GD-ĐT yêu cầu các trường THPT ôn tập thi tốt nghiệp theo từng nhóm năng lực song không được gây áp lực, quá tải cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà
Sở GD-ĐT yêu cầu các trường THPT ôn tập thi tốt nghiệp theo từng nhóm năng lực song không được gây áp lực, quá tải cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để các trường có cơ sở thực hiện. Trao đổi với P.V, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định cho biết: Sở yêu cầu các trường tổ chức dạy học theo từng nhóm năng lực học tập của học sinh để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp; tăng cường hướng dẫn các em tự học, tự ôn tập, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe; thường xuyên cung cấp thông tin về kết quả giáo dục cho phụ huynh; chủ động hướng dẫn học sinh tham khảo, làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập; tổ chức thi thử để các em làm quen với kỳ thi tốt nghiệp THPT...
Mới đây, Sở đã chỉ đạo các trường thực hiện những biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng dạy học trong học kỳ II. Riêng đối với học sinh khối 12, các trường phải ưu tiên bố trí, sắp xếp dạy học theo chương trình vào buổi sáng và phụ đạo, bổ sung kiến thức còn thiếu hụt vào buổi chiều. Đồng thời, căn cứ kết quả kiểm tra cuối học kỳ I, các đơn vị trường học cần tiến hành đánh giá chất lượng các bộ môn, phổ điểm của các môn; rút kinh nghiệm về phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học, xác định rõ nguyên nhân, hạn chế của từng môn học để có những giải pháp khắc phục phù hợp.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.