'Vàng trắng' và phận người - Kỳ 1: Nghề… nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

“Cao su đi dễ khó về/ Khi đi trai tráng, khi về bủng beo”, đã là câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Giờ đây công nhân cao su họ có thu nhập khá, xây được nhà, nuôi được các con ăn học nên người…

Khi mọi người đã yên giấc nồng thì cũng là thời gian những công nhân làm nghề cạo “vàng trắng” bắt đầu vào ca. Giữa không gian tĩnh mịch, ánh đèn của người công nhân cạo mủ thấp thoáng như những con đom đóm giữa trời đêm.

 

Chị Thanh Thúy cần mẫn cạo 500 cây cao su mỗi đêm, kiếm thu nhập từ 600.000-700.000 đồng/ngày
Chị Thanh Thúy cần mẫn cạo 500 cây cao su mỗi đêm, kiếm thu nhập từ 600.000-700.000 đồng/ngày


Những “bóng hồng” trong đêm

Cuối tháng 6/2022, tôi có dịp theo chân chị Trần Thị Thanh Thúy (37 tuổi, quê Trảng Bàng, Tây Ninh) tận thấy nghề cạo “vàng trắng” trong rừng cao su 50 ha ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận (nay là Hưng Thuận, Tây Ninh). Tầm 22 giờ đêm, sau khi các con đã yên giấc, vợ chồng chị Thúy bắt đầu dắt xe ra khỏi nhà đến nơi làm việc.

Chạy tầm 20 phút mới đến vị trí cạo mủ đã được phân từ trước. Dựng chiếc xe máy ở một góc rừng, chị Thúy nhanh chóng lấy “đồ nghề” bắt tay vào việc. Gọi “đồ nghề” cho sang chứ thực ra chỉ có chiếc dao cạo, đèn pin đội đầu và những chiếc thùng nhựa để đựng mủ.

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề giúp chị “cảm nhận” được thời điểm nào mủ cho nhiều nhất, thời điểm nào không còn mủ. Sau khi kiểm tra một gốc cây cao su, chị Thúy đưa chiếc dao cạo mủ dài, một đầu được mài sắc khéo léo rạch vào thân cây. Nhựa trắng ứa ra sau mỗi đường dao, chảy thành dòng xuống chiếc chén hứng được đặt sẵn.

“May quá, đêm nay trời không mưa nên mình có thể cạo được. Chứ mấy hôm trước mưa tầm tã, đến nơi rồi đành phải quay về vì không thể cạo mủ khi vỏ cây ướt. Nếu mình cứ cố làm thì cây bị “thúi miệng”, mủ hư mà cây cũng dễ chết” - chị Thúy bộc bạch.

Tâm sự về nghề, bà mẹ 3 con cho hay đã làm công nhân cạo mủ từ khi mới 17 tuổi. “Ba mẹ khó khăn, mình lại ít học hành nên ai thuê gì làm nấy, lúc thì nhổ đậu, cấy lúa… với thu nhập không ổn định. Khi vùng này phát triển nghề trồng cao su, mình xin đi cạo mủ rồi gắn từ đó tới giờ. Cũng nhờ nghề này mà mình gặp rồi quen ông xã hiện tại” - chị Thúy vui vẻ nói.

Từ xa tôi thấy thấp thoáng ánh đèn pin. Chị Thúy bảo: “Người của mình đó!”. Tôi dợm bước đến nơi có ánh đèn, chị vội ngăn: “Để mình dẫn đường, em không quen nơi này coi chừng bị lạc; chưa kể rắn rết dưới chân đó”. Nghe cảnh báo, tôi chợt rùng mình, bám sát theo từng bước chân chị Thúy vào khu vực rừng cao su mênh mông…

Thấy tôi, bà Tống Thị Soi (59 tuổi, quê Tây Ninh) cười hiền lành: “Đi đêm trong rừng cao su có sợ không con. Cứ bám sát tụi tui thì yên tâm nha”. Nói rồi bà Soi nhanh thoăn thoắt đưa đầu dao cạo đi những nhát sắc lẹm vào lớp vỏ cao su. Trong ánh sáng mờ ảo, lưỡi dao cạo nhỏ xíu trong bàn tay chai sần của người thợ cạo cứ uốn lượn quanh thân cây thành một đường vòng xoắn ốc, tách đi từng sợi vỏ thanh mảnh, đều đặn vừa đủ để không chạm vào thịt cây. Dòng mủ cao su ứa ra, thơm nồng như sữa.

Tôi xin được cạo thử, nhưng vừa cầm đầu dao thì chỉ trợt ra ngoài, chẳng thể “nắn” vào vỏ cây. “Nhìn thì dễ, nhưng phải có tay nghề mới cạo mủ cao su được. Làm sao cạo đúng lớp vỏ thì mủ mới nhiều. Cạo phạm vào thịt cây là toàn nước không à” - bà Soi chia sẻ.

Bà Soi cạo mủ cao su ở khu rừng này đã 5 năm. Anh Lực (27 tuổi, con bà Soi), ngày đi đánh bắt cá, đêm về cùng mẹ cạo mủ. Công việc của mẹ con bà bắt đầu từ 22 giờ tối cho đến tầm 5 giờ sáng hôm sau. Bà Soi bảo nghề này phải thức đêm, cần mẫn, chịu nhọc nhằn. “Đêm trời mát thì mủ mới nhiều. Mình phải di chuyển cạo nhanh trước khi trời nắng. Trong vườn cao su nhiều rắn rết, ong, muỗi... Mình luôn chuẩn bị sẵn thuốc xịt nếu bị côn trùng tấn công” - bà Soi nói.

Nhọc nhằn là vậy nhưng bù lại, thu nhập của công nhân nơi đây khá cao. Mỗi đêm trung bình, mỗi người thợ cạo được khoảng 500 cây. Với cách “ăn chia” khá thoáng của người chủ vườn cao su, hơn 30% lợi nhuận được trả cho người cạo mủ, thợ mủ “bỏ túi” từ 600.000-700.000 đồng/ngày. “Tuần rồi làm 6 ngày, hai mẹ con được trả công gần 9 triệu đồng. Không có trình độ, làm công việc phổ thông, có mơ cũng không thể có số tiền như vậy” - bà Soi khoe.


 

Những giọt mủ cao su thêm những giọt hy vọng
Những giọt mủ cao su thêm những giọt hy vọng


Duyên nghiệp

Tầm 1 giờ sáng, trong màn đêm yên ắng chỉ có tiếng muỗi vo ve, tiếng cạo mủ “rột rột” từ xa văng vẳng lại. Thảng hoặc, ánh đèn pin lướt qua cùng với tiếng đôi ba người nói chuyện. Tiếng nói lúc gần lúc xa rồi lại tắt lịm khi họ đã đi sâu vào cánh rừng. Một luồng gió mang sương lạnh lướt qua, tôi kéo cao chiếc áo khoác vẫn không khỏi có cảm giác ớn lạnh.

 

Theo cánh thợ cạo mủ cao su, do thường xuyên làm việc trong bóng tối, lại dưới cánh rừng rậm rạp, nếu không đủ sức khỏe, người thợ chỉ tồn tại được vài năm trong nghề. Ðể hoàn thành tốt công việc, người công nhân phải biết vượt qua khó khăn và những nỗi sợ vô hình của bản thân, mà ở đó nếu không có tình yêu nghề thì khó có thể gắn bó lâu dài.

Anh Trịnh Thanh Nhân (có 5 năm trong nghề) cho biết, thức đêm từ 5-6 tiếng lúc đầu rất mệt mỏi, sau vài tháng mới quen dần. “Lắm lúc tôi cũng muốn bỏ nghề, nhưng không nghe hương mủ cao su vài ngày lại thấy nhớ. So với ở các xí nghiệp, nghề này “sướng” hơn vì ngoài thu nhập cao (tầm 10 triệu đồng/tháng), thời gian do mình chủ động” - anh Nhân vừa vuốt giọt sương đêm chảy dài trên mặt vừa nói.

Nghề cạo mủ thì phần lớn thời gian phải sống về đêm, với những người có gia đình thì nỗi vất vả nhân lên gấp bội, nhất là việc chăm sóc con cái. “Do hai vợ chồng tôi đều là công nhân, nên từ khi các cháu còn nhỏ đã phải gửi ông bà, khi lớn lên thì đứa lớn chăm đứa bé. Nhiều khi bước chân đi làm thấy không yên tâm, nhưng vì sinh kế…” - anh Nhân chia sẻ.

Còn chị Thúy lại xem công việc này chính là “duyên nghiệp”. Chị bảo, nhớ như in từng gốc cây, từng vị trí trong rừng cao su này. “Có thể với người mới vào nghề sẽ cảm thấy khó khăn, buồn chán bởi công việc chủ yếu về đêm. Làm giữa trời sương gió không chỉ cánh chị em cạo mủ sạm da, xấu xí vì sương muối mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng với tôi nơi đây là cả “một trời kỷ niệm” từ thời con gái tới giờ nên không thể nói bỏ nghề là bỏ được” - chị Thúy tâm sự.

Cạo mủ xong cũng đã tới hơn 7 giờ, công nhân quay lại tiến hành trút mủ và vận chuyển tới điểm tập kết. Phải tới 11 giờ trưa, khi xe chuyên chở đưa hết lượng mủ cao su được khai thác lên xe mới là lúc kết thúc công việc.

(Còn tiếp)
Theo Uyên Phương (TPO)

 

https://tienphong.vn/vang-trang-va-phan-nguoi-post1451612.tpo

Có thể bạn quan tâm

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.
Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.