Vẫn còn hy vọng tìm kiếm tàu lặn Titan mất tích ở Đại Tây Dương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo ước tính của lực lượng cứu hộ, dưỡng khí trên con tàu lặn chỉ còn đủ cho chưa đầy 2 ngày nữa, dựa trên khả năng cấp dưỡng khí của con tàu này là chỉ tối đa trong 96 giờ đồng hồ.
Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hy vọng tìm kiếm tàu lặn Titan mất tích ở Đại Tây Dương khi tham quan xác tàu Titanic tiếp tục được nuôi dưỡng khi có thêm lực lượng cứu hộ cùng chuyên gia và thiết bị chuyên dụng được điều động đến khu vực tìm kiếm.

Hiện dưỡng khí cho 5 người trên tàu lặn được cho là đang cạn kiệt nhanh chóng.

Tàu lặn Titan thuộc sở hữu của công ty tư nhân Ocean Gate - công ty chuyên vận hành và cung cấp dịch vụ thám hiểm đại dương, bao gồm tham quan xác tàu Titanic, đã mất hoàn toàn liên lạc chỉ sau chưa đầy 2 giờ đồng hồ trên hành trình lặn xuống đáy đại dương để tham quan xác tàu Titanic hôm 18/6.

Các đội cứu hộ của các nước đang chạy đua với thời gian để tham gia nỗ lực tìm kiếm tàu Titan. Lực lượng tuần duyên của Mỹ và Canada đã huy động máy bay và tàu hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm.

Phát ngôn viên của Hải quân Mỹ cho biết nhóm chuyên gia cứu hộ cùng với hệ thống tời kéo chuyên dụng và các trang thiết bị hỗ trợ trục vớt sẽ tham gia nỗ lực này vào tối 20/6 (theo giờ địa phương).

Trong khi đó, Lầu Năm Góc thông báo sẽ điều thêm máy bay vận tải đa năng C130 và C-17, còn Viện Hải dương học của Pháp cho biết sẽ gửi robot thám hiểm biển sâu và nhóm chuyên gia đến khu vực tìm kiếm vào ngày 21/6.

Tuy nhiên, việc rà soát khu vực rông khoảng 20.000 km2 ở Đại Tây Dương ở độ sâu hơn 2 miles (khoảng 3,2km) dưới mặt biển không hề dễ dàng. Ngoài ra, do điều kiện thời tiết, giới chuyên gia nói rằng lực lượng cứu hộ đang vấp phải không ít khó khăn trong việc tìm thấy con tàu lặn cũng như cứu sống toàn bộ 5 người.

Trong số đó, có 3 hành khách trả tiền cho chuyến thám hiểm du lịch này, trong đó có tỷ phú người Anh Hamish Harding, cùng một doanh nhân người Anh gốc Pakistan và con trai của ông này.

Theo ước tính của lực lượng cứu hộ, dưỡng khí trên con tàu lặn chỉ còn đủ cho chưa đầy 2 ngày nữa, dựa trên khả năng cấp dưỡng khí của con tàu này là chỉ tối đa trong 96 giờ đồng hồ.

Theo Giáo sư chuyên ngành về kỹ thuật hàng hải Alistair Greig, Đại học College London, có hai khả năng xảy ra dựa trên những hình ảnh về tàu lặn Titan được báo chí đăng tải.

Thứ nhất, nếu tàu gặp sự cố về điện hoặc thông tin liên lạc, thì con tàu này vẫn có thể nổi lên mặt nước và vẫn trôi nổi trên mặt đại dương để "chờ được tìm thấy," lưu ý rằng con tàu chỉ có thể được mở khóa từ bên ngoài. Thứ hai, nếu áp lực đối với thân tàu bị hư hại, có thể gây ra rò rỉ thì đây là điều không tốt chút nào.

Con tàu nổi tiếng Titanic đã va phải một tảng băng trôi và chìm vào năm 1912 trong chuyến hành trình đầu tiên từ Anh đến New York với 2.224 hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu.

Hơn 1.500 người thiệt mạng trong thảm kịch. Xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 3.800 m dưới đáy Đại Tây Dương, ở khu vực ngoài khơi Newfoundland, Canada.

Kể từ khi xác tàu Titanic được tìm thấy vào năm 1985, nhiều du khách và những thợ lặn chuyên nghiệp đã tham quan xác tàu với chi phí đắt đỏ.

Để được tận mắt ngắm xác tàu Titanic, một du khách phải chi 25.000 USD cho Ocean Gate - theo mức giá công bố năm ngoái.

Có thể bạn quan tâm