Tuyên bố chung Mỹ-Nhật-Hàn đề cập hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã ra tuyên bố chung, trong đó có đề cập 'hành vi nguy hiểm' của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Liên quan đến các hành vi có tính nguy hiểm và gây hấn nhằm hỗ trợ cho các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông... chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở vùng biển thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Hàn Quốc nhấn mạnh trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh 3 bên của họ tại Trại David ở bang Maryland ngày 18.8 (theo giờ Mỹ).

"Đặc biệt, chúng tôi kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các thực thể được cải tạo; việc sử dụng nguy hiểm các tàu cảnh sát biển và dân quân biển; và các hoạt động cưỡng chế", tuyên bố chung viết. Tuyên bố này được đăng trên trang web của Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tham dự cuộc họp báo chung trong hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Trại David thuộc bang Maryland ngày 18.8. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tham dự cuộc họp báo chung trong hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Trại David thuộc bang Maryland ngày 18.8. Ảnh: Reuters

Cũng trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh: "Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế. Không có sự thay đổi nào trong lập trường cơ bản của chúng tôi đối với Đài Loan và chúng tôi kêu gọi giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển này".

Cam kết phối hợp ứng phó các mối đe dọa

Trong tuyên bố chung nói trên, Tổng thống Biden cùng Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon cam kết nhanh chóng tham vấn với nhau trong các cuộc khủng hoảng và phối hợp ứng phó các thách thức, khiêu khích và đe dọa khu vực ảnh hưởng đến lợi ích chung. Họ cũng nhất trí tổ chức các cuộc tập trận 3 bên thường niên và chia sẻ thông tin thời gian thực về các cuộc phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên trước cuối năm 2023. Họ còn nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên mỗi năm.

Cuộc gặp nói trên là hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn độc lập đầu tiên, diễn ra nhờ vào việc nối lại các mối quan hệ do Tổng thống Yoon khởi xướng, theo Reuters. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh ở Trại David đầu tiên của Tổng thống Biden dành cho các nhà lãnh đạo nước ngoài và ông cho biết địa điểm này từ lâu đã tượng trưng cho "sức mạnh của những khởi đầu mới và những khả năng mới".

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Trại David ngày 18.8. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bắt tay với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh 3 bên tại Trại David ngày 18.8. Ảnh: Reuters

Đứng bên cạnh hai ông Kishida và Yoon, ông Biden ca ngợi hai nhà lãnh đạo vì lòng dũng cảm chính trị của họ trong việc theo đuổi việc hàn gắn lại quan hệ. "Điều quan trọng là tất cả chúng tôi đã cam kết nhanh chóng tham khảo ý kiến của nhau để đối phó các đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào trong chúng tôi, từ bất kỳ nguồn nào. Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ có một đường dây nóng để chia sẻ thông tin và điều phối các phản ứng của chúng tôi bất cứ khi nào có khủng hoảng trong khu vực hoặc ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào của chúng tôi", ông Biden nhấn mạnh.

Không nhắc đích danh Trung Quốc, Thủ tướng Kishisa cảnh báo rằng "những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở biển Hoa Đông và Biển Đông đang tiếp tục". Ông Kishisa còn nói rằng mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên "ngày càng trở nên lớn hơn", theo Reuters.

Về phần mình, Tổng thống Yoon cho hay tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh có nghĩa là "bất kỳ hành động khiêu khích hoặc tấn công nhắm vào bất kỳ quốc gia trong 3 quốc gia của chúng tôi sẽ kích hoạt quá trình ra quyết định của khuôn khổ 3 bên này và tình đoàn kết của chúng tôi sẽ trở nên mạnh mẽ và bền chặt hơn".

"Không phải là một NATO cho Thái Bình Dương"

Hội nghị thượng đỉnh 3 bên được cho là nằm trong nỗ lực của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc thể hiện sự đoàn kết khi đối mặt với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và "các mối đe dọa hạt nhân" từ Triều Tiên, theo Reuters.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 18.8 nói rằng "những nỗ lực tập hợp các nhóm loại trừ khác nhau và đưa các khối đối đầu và quân sự vào châu Á-Thái Bình Dương sẽ không nhận được sự ủng hộ và sẽ chỉ gặp phải sự cảnh giác và phản đối từ các nước trong khu vực", theo Reuters.

Trong khi Mỹ, Nhật và Hàn Quốc muốn tránh khiêu khích Trung Quốc, Bắc Kinh tin rằng Washington đang cố gắng cô lập họ về mặt ngoại giao và bao vây quân sự.

Khi được hỏi về các cáo buộc do Trung Quốc đưa ra, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng mục tiêu "rõ ràng không phải là một NATO cho Thái Bình Dương" và một liên minh ba bên không được coi là mục tiêu rõ ràng, theo Reuters.

Mỹ, Nhật, Hàn tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN

Cũng trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Hàn Quốc "tái khẳng định vai trò trung tâm và thống nhất của ASEAN cũng như sự ủng hộ của chúng tôi đối với cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt".

"Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác ASEAN để hỗ trợ việc thực hiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi đang làm việc cùng nhau để hỗ trợ năng lượng bền vững và thúc đẩy an ninh nguồn nước và khả năng chống chịu với khí hậu ở Lưu vực sông Mê Kông", tuyên bố viết.

Các nhà lãnh đạo còn nhấn mạnh họ "có kế hoạch phối hợp các nỗ lực xây dựng năng lực khu vực với ASEAN và các đảo quốc Thái Bình Dương để đảm bảo rằng họ đang củng cố lẫn nhau và mang lại lợi ích tối đa cho các đối tác quan trọng của chúng tôi", theo tuyên bố chung được đăng trên trang web của Nhà Trắng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.