Ngày 11.4, Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết một bệnh nhân điều trị tại đây vừa qua khỏi nguy kịch do nhiễm trùng máu khi dính “vi khuẩn ăn thịt người” gây bệnh Whitmore.
Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện C Đà Nẵng) thông tin cho biết bệnh nhân T.Đ.M (80 tuổi, P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) vừa may mắn được điều trị tích cực và qua khỏi cơn nguy kịch. Khai thác bệnh sử từ người nhà cho thấy, trước đó ông M. có tiếp xúc với đất bẩn trong lúc sửa nhà, khởi phát bệnh Whitmore.
“Vi khuẩn có trong môi trường đất bẩn, nước bẩn sẽ xâm nhập cơ thể người qua các vết trầy, xước và vào máu gây nhiễm trùng máu và theo máu gây nhiễm trùng các cơ quan khác gây nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ CKI Nguyễn Đình Quốc Việt, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện C Đà Nẵng, cho biết.
Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Ảnh: BVCC |
Bệnh nhân khởi bệnh gần 3 tuần với các biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau vùng khớp gối bên phải sau đó lan sang bên trái. Người nhà nghĩ ông M. bị đau khớp nên đã tự mua thuốc và đưa ông đi chích lể. Thời gian phát khởi bệnh kéo dài dẫn đến nhiễm trùng máu gây sốc.
Khi bệnh ngày càng nặng, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện C Đà Nẵng trong tình trạng sốt cao, rét run, lơ mơ, khớp gối bên phải có dấu hiệu áp xe, hoại tử. Cơ thể bệnh nhân suy kiệt, phù, thiếu máu nặng; bạch cầu máu ngoại vi tăng rất cao, hồng cầu và huyết sắc tố giảm mức độ nặng...
Ngay lập tức, bệnh nhân được hội chẩn, chẩn đoán nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (dân gian hay gọi là "vi khuẩn ăn thịt người" vì gây hoại tử da, hoại tử cơ) gây bệnh Whitmore. Ngoài áp xe cơ gối phải, viêm khớp gối trái, áp xe tiền liệt tuyến, bệnh nhân còn tăng huyết áp, thiếu máu nặng và suy kiệt cơ thể.
Sau khi được xét nghiệm cấy máu, giải trình tự gen và điều trị khẩn cấp theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore, bệnh nhân được phẫu thuật dẫn lưu ổ áp xe, truyền hồng cầu khối đồng nhóm, truyền Human Albumin và dùng kháng sinh đặc trị liều cao.
“Hiện tại, bệnh nhân đã đáp ứng với điều trị, hết sốt, ăn uống tốt, tổng trạng khá dần nhưng cần phải tiếp tục theo dõi sát và điều trị tích cực. Theo phác đồ của Bộ Y tế, sau khi bệnh nhân đáp ứng với liệu trình kháng sinh đặc trị 2 tuần vẫn phải tiếp tục duy trì kháng sinh 3 tháng, tùy từng trường hợp”, bác sĩ Việt cho biết thêm.
Chưa có vắc xin phòng bệnh
Vi khuẩn ăn thịt người gây hoại tử da, hoại tử cơ ở bệnh nhân M. Ảnh: BVCC |
Bác sĩ Việt cũng thông tin thêm, hiện bệnh Whitmore (nhiễm vi khuẩn ăn thịt người) là một bệnh truyền nhiễm, có thể lây cho người và động vật. Tác nhân gây bệnh là một loại vi khuẩn có tên Burkholderia pseudomallei sống ở môi trường nước đọng, bẩn hoặc đất bẩn. Vi khuẩn lây sang người và động vật thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn môi trường (nước và đất) bị ô nhiễm. Bệnh rất hiếm khi lây giữa người với người; cho đến nay chưa có bằng chứng về sự lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Cũng theo bác sĩ Việt, bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, khó chẩn đoán và tỷ lệ tử vong rất cao, nhất là ở những trường hợp nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng. Bệnh thường biểu hiện viêm da cơ áp xe hóa, hoại tử, viêm khớp nhiễm trùng, viêm tuyến tiền liệt, viêm màng não…
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, nếu không được điều trị kịp thời theo phác đồ thì cứ 10 người bị nhiễm sẽ có 9 người tử vong. Tỷ lệ tử vong chỉ giảm xuống khi được điều trị đúng phác đồ, kết hợp các biện pháp chăm sóc y tế tốt, tích cực và triệt để.
Hiện nay, Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh. “Để phòng bệnh, cần chú ý đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp nước bẩn, đất bẩn, không tắm, gội, bơi lội ở các ao hồ nước đọng gần nơi ô nhiễm. Phải sử dụng ủng, giày, găng tay cao su khi phải làm việc tiếp xúc với đất bẩn, nước bẩn”, bác sĩ Việt tư vấn.
Theo An Dy (TNO)