Tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê: Giảm chi phí, tăng năng suất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã liên kết và hỗ trợ người dân triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước trên cây cà phê. Mô hình này giúp người dân tiết kiệm công lao động, chi phí sản xuất, năng suất cà phê lại tăng 20-30% so với trước.



Thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Dự án VnSAT, từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông đã liên kết và hỗ trợ người dân xã Ia Mơ Nông và Ia Ka triển khai mô hình tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc. Theo đó, có 10 hộ tham gia mô hình với diện tích hơn 22 ha cà phê. Tổng kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước là 87 triệu đồng/ha, trong đó, Dự án VnSAT hỗ trợ 50%, còn lại người dân đối ứng.

 Ông Rơ Châm Hyur (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) giới thiệu mô hình tưới tiết kiệm nước giúp cây cà phê phát triển tốt. Ảnh: L.N
Ông Rơ Châm Hyur (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) giới thiệu mô hình tưới tiết kiệm nước giúp cây cà phê phát triển tốt. Ảnh: L.N



Gia đình ông Rơ Châm Hyur (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) có hơn 1 ha cà phê. Trong đó, một nửa diện tích mới tái canh năm 2019 có trồng xen gần 100 cây sầu riêng, còn lại là cà phê kinh doanh. Trước đây, cứ vào mùa khô, vườn cà phê của gia đình ông chỉ đủ nước tưới khoảng 3 đợt. Năm nay, mặc dù nắng nóng kéo dài làm hàng ngàn héc ta cây trồng trên địa bàn huyện bị hạn nhưng nhờ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc nên cà phê của gia đình ông vẫn đảm bảo nước tưới và phát triển tốt. Ông Hyur cho biết: “Trước đây, mỗi đợt tưới, mình phải mất 2-3 ngày. Thậm chí, có thời điểm cạn nước chỉ tưới được 1-2 tiếng lại phải tắt máy bơm nên phải tưới cả tuần mới xong. Còn bây giờ, với hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc, mình chỉ cần bật máy bơm là tự động tưới, phân bón cũng được đưa qua hệ thống giúp giảm chi phí nhân công. Ngoài ra, hệ thống này còn giúp hạn chế sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh hại”.

Còn anh Trần Thành Luân (làng Al, xã Ia Mơ Nông) thì cho biết: Gia đình anh có 1,2 ha cà phê đang kinh doanh. Không như những hộ khác, anh đầu tư thêm ống để lắp đặt hệ thống phun mưa ngay trên ngọn cây cà phê. “Cách tưới này giúp làm mát toàn bộ cây cà phê. Đồng thời, cây cà phê hấp thụ được nước tưới đều hơn. Ngoài ra, lượng nước, phân bón, tiền điện và công tưới cũng giảm. Đặc biệt, với hệ thống này, chúng tôi áp dụng bón phân qua đường ống, giúp lượng phân bón không bị thất thoát, cây hấp thụ tốt hơn”-anh Luân chia sẻ.

2Ông Hyur mở hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc
Ông Hyur mở hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc. Ảnh: Lê Nam



Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông-cho biết: Hợp tác xã có 16 thành viên và liên kết với 9 tổ hợp tác (248 hộ dân) canh tác hơn 384 ha cà phê. Trên thực tế, người trồng cà phê sử dụng nước tưới rất lãng phí và còn để thất thoát chất dinh dưỡng do bị rửa trôi. Hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc là công nghệ tiên tiến vì vừa tiết kiệm công lao động, phân bón, lượng nước, vừa hạn chế xói mòn, rửa trôi mặt đất, tăng năng suất 20-30%. Với hiệu quả thấy rõ, Hợp tác xã phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục vận động người dân lắp đặt thêm hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc trên khoảng 100 ha cà phê nữa để chủ động chống hạn, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah-cho hay: Qua theo dõi cho thấy, mô hình tưới tiết kiệm nước này rất hiệu quả, đưa nước, chất dinh dưỡng trực tiếp đến vùng gốc cây trồng một cách liên tục, đồng thời giúp tiết kiệm 30-50% lượng nước. Mô hình này rất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng tăng. “Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phối hợp với các xã nằm trong dự án VnSAT để vận động người dân lắp đặt hệ thống tưới này, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững”-ông Thắng thông tin.

 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.