Khi mà 'vũ khí hạng nặng' về truyền thông được trao vào tay những cá nhân Facebooker, TikToker thì chuyện xã hội phải đối mặt với những thách thức về đạo đức truyền thông là điều khó tránh khỏi.
Đưa tin tức, bao gồm cả việc nêu quan điểm về những sự việc đã diễn ra, là một loại hành vi rất nhạy cảm về trách nhiệm. Là trách nhiệm với nhân vật được nhắc đến trong bản tin. Là trách nhiệm với cộng đồng. Là trách nhiệm với những giá trị nền tảng về văn hóa, về ứng xử mà cộng đồng dày công xây dựng và giữ gìn.
Việc đưa tin vô trách nhiệm không chỉ làm tổn thương một vài cá nhân liên quan, mà còn có thể góp phần hủy hoại những giá trị nền tảng của xã hội. Chẳng hạn mới đây nhất là chuyện một TikToker đăng clip xúi các em bé tham gia vào trò “thử nghiệm” chui vào ống bê tông đường kính 25 cm để “kiểm chứng” vụ cháu bé rơi vào ống cọc bê tông của công trình xây dựng.
Một “thử nghiệm” kiểu đó rõ ràng là không thể chấp nhận, vì trước hết có thể gây nguy hiểm tính mạng cho các cháu tham gia. Nhưng điều đáng nói hơn là việc TikToker sẵn sàng bày ra một chiêu trò câu like, câu view trên đối tượng trẻ em bất chấp các trách nhiệm đạo đức liên quan.
Giữa việc đưa tin, làm nội dung trên mạng với tư cách là hành vi cá nhân với việc đưa tin, làm nội dung với tư cách của người làm báo, làm truyền thông chuyên nghiệp là rất khác nhau. Một bên là những Facebooker, TikToker cầm điện thoại thông minh có sẵn những ứng dụng siêu thuận tiện để sản xuất nội dung, đăng tải tin tức nhưng lại không hề được trang bị một nhận thức tối thiểu nào về đạo đức truyền thông. Một bên là những người đưa tin chuyên nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp lý và quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Tình thế đó đang tạo ra một thế đối sánh không công bằng đối với những người chuyên nghiệp.
Cần làm gì để các Facebooker, TikToker phải cân nhắc và tuân thủ những chuẩn mực cần thiết khi tham gia vào việc sản xuất, đăng tải thông tin, tin tức? Câu hỏi không khó để có câu trả lời, nhưng không dễ để có được sự nhất trí, và càng không dễ để thực thi. Tuy nhiên, dù có khó thế nào thì con đường cần phải đi, giải pháp cần phải quyết vẫn là: xác lập những khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn với việc sản xuất và đưa tin lên mạng xã hội.
Chính quyền cần đặt tất cả các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok vào những khuôn khổ luật lệ khắc nghiệt hơn để chính các nhà cung cấp công nghệ này phải hợp tác để hạn chế tình trạng lạm dụng môi trường mạng xã hội sản xuất nội dung và đưa thông tin vô trách nhiệm. Chẳng hạn, những trường hợp tham gia mạng xã hội dưới nhãn Facebooker hoặc TikToker có số người theo dõi ở mức nào đó buộc phải làm thủ tục đăng ký và chịu giám sát trách nhiệm truyền thông.
Biết là khó, nhưng nếu không quyết làm thì sẽ còn nhiều chuyện khó hơn, như chuyện TikToker đăng clip xúi trẻ em chui vào ống bê tông để “kiểm chứng” cho một nghi vấn.
Theo Huỳnh Văn Thông (TNO)