
Cuối phiên họp sáng 17-5, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN.
Sáng 18-5, hội nghị toàn quốc được tổ chức để quán triệt và triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Không ít người từng ví doanh nhân điều hành doanh nghiệp giống như đang lái xe. Ai cũng muốn chiếc xe của mình đi xa, đi nhanh nhất có thể nhưng không thể bỏ qua yếu tố an toàn. Rất ít người dám bạo gan đi nhanh nếu hôm sau có thể nhận được quyết định “phạt nguội”. Nói cách khác, doanh nhân, doanh nghiệp cần những con đường phẳng phiu, rộng mở, nhưng còn cần cả “luật giao thông” rõ ràng, minh bạch và nhất quán. Các nghị quyết nêu trên không chỉ là lời động viên, khuyến khích, mà còn là cam kết chính trị mạnh mẽ, đã được thể chế hóa để bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nhân, doanh nghiệp; đồng thời đảm bảo công bằng trong tiếp cận và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, công nghệ, nhân lực, dữ liệu...
Chú trọng phát triển KTTN chính là góp phần xây dựng một nền kinh tế không chỉ phát triển về lượng mà còn sâu về chất - một nền kinh tế mà mọi thành phần đều có chỗ đứng, được tôn trọng và phát huy giá trị trong thế liên kết chặt chẽ, hài hòa. Trong bài phát biểu tại hội nghị quán triệt, triển khai 2 nghị quyết vào sáng 18-5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một hình ảnh đầy gợi mở và sâu sắc, yêu cầu KTTN song hành cùng các thành phần kinh tế khác, “tạo thành thế “kiềng 3 chân” vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công”.
Trên thực tế, sự tách biệt giữa các thành phần kinh tế vẫn đang là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm phát triển. Trong khi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nắm giữ các lĩnh vực then chốt như năng lượng, viễn thông, hạ tầng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tập trung vào sản xuất, xuất khẩu; thì doanh nghiệp tư nhân thường chỉ đóng vai trò “bổ trợ”, hiếm khi tham gia sâu vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với DNNN, tư duy bao cấp, sự can thiệp hành chính quá mức và việc “ôm giữ” nhiều lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt hơn đã khiến hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Các quy định pháp lý phức tạp và thiếu linh hoạt cũng hạn chế khả năng đổi mới sáng tạo của DNNN, dẫn đến nghịch lý “DNNN muốn được như doanh nghiệp tư nhân, trong khi doanh nghiệp tư nhân lại... muốn được như DNNN” như có vị đại biểu Quốc hội từng phát biểu trên nghị trường.
Nói cách khác, DNNN cũng cần được trao quyền tự chủ lớn hơn, giảm bớt các ràng buộc hành chính và tập trung vào các lĩnh vực mà khu vực tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia. Đồng thời, cần sớm thiết lập những mô hình hợp tác giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân. Năm 2021, Viettel đã hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân trong chuỗi cung ứng, từ sản xuất linh kiện, phát triển phần mềm đến cung cấp giải pháp kỹ thuật… để phát triển dự án mạng 5G. Đó là một ví dụ tiêu biểu về sự cộng hưởng năng lực giữa các thành phần.
Tương tự, rất cần khuyến khích phát triển quan hệ hợp tác giữa khối FDI với doanh nghiệp tư nhân dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ trách nhiệm và rủi ro; cần có chính sách để hướng dòng vốn FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn và thúc đẩy sự liên kết, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước... Để đạt mục tiêu này, cần thay đổi chế độ khuyến khích ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp FDI theo kết quả hoạt động, mục tiêu thu hút đầu tư với các chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng, cụ thể, tránh ưu đãi “cào bằng”.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và bứt phá 2 con số trong những năm tiếp theo đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Các nghị quyết vừa được ban hành đã đặt nền móng quan trọng, khẳng định vai trò động lực cốt lõi của KTTN. Tuy nhiên, để biến tầm nhìn này thành hiện thực, chìa khóa nằm ở việc tạo dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp từ hiệu quả liên kết giữa cả 3 “chân kiềng”: kinh tế nhà nước, KTTN và khu vực kinh tế FDI. Nền kinh tế càng phát triển bền vững khi 3 “chân kiềng” đều vững, đều có vị trí xứng đáng và cùng hướng đến điểm chung là phát triển quốc gia hùng cường, đời sống nhân dân thịnh vượng.
Theo TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (SGGPO)