
Tổng Bí thư nhấn mạnh "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn" hiện nay là thể chế. Khi thể chế đã là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn" thì chúng ta không thể tiếp cận theo cách tiếp tục sửa đổi nghị định này hay bổ sung nghị định kia, mà phải thay đổi triệt để.
Lâu nay, nghị định thường được giao cho các bộ soạn thảo. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng điều kiện kinh doanh gắn với lợi ích của các bộ nên rất khó để chính họ loại bỏ công cụ quản lý của mình. Điều này thể hiện rõ nét qua việc "không quản được thì cấm" và chỉ quản lý trong phạm vi hiểu biết, năng lực của mình.
Trong khi đó, rào cản kinh doanh là trở lực lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Lâu nay, bao nhiêu vấn đề mà doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh nhưng vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Đơn cử, mỗi danh mục đầu tư, kinh doanh thường có rất nhiều điều kiện, rào cản hành chính.
Một vấn đề phổ biến là hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp, liệu có thể làm nhanh hơn? Tổng Bí thư và Thủ tướng đã yêu cầu phải quản lý dựa trên rủi ro, hậu kiểm và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Vì vậy, nếu doanh nghiệp nộp đầy đủ, không trốn, không nợ thì cần có biện pháp hoàn thuế GTGT nhanh chóng hơn.
Một vấn đề thường gặp khác là điều kiện, chi phí đầu tư phòng cháy - chữa cháy, cũng cần xem lại để tránh quá mức cần thiết. Những vấn đề như thế cần tập hợp để tháo gỡ ngay trong ngày, trong tuần, chứ không phải theo tháng hay kéo dài nhiều năm.
Nếu một dự án đầu tư mà vướng thủ tục hành chính, kéo dài 3 - 4 năm mới hoàn thành, có nghĩa mọi cơ hội, kế hoạch ban đầu đã thay đổi thì cơ hội làm ăn cũng trôi tuột. Những quy định chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng, ai hiểu nghĩa nào cũng được sẽ làm luật lệ mất hiệu quả trong thực tế và chính công chức cũng không dám thực thi.
Nhận diện rõ vấn đề nêu trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 66 ngày 30-4-2025 về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68 ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Các nghị quyết này đã mở ra cơ hội chưa từng có, thuận lợi chưa từng có để cải cách thể chế với những chỉ đạo, hướng dẫn rõ ràng của Tổng Bí thư.
Vấn đề thực thi để đưa những nghị quyết, chỉ đạo vào thực tế càng trở nên cấp thiết, quan trọng. Tôi cho rằng với cùng một vấn đề thì chỉ nên quy định ở một luật; tránh luật chồng chéo, phạm vi quản lý giống nhau để cài cắm lợi ích hay tư duy "không quản được thì cấm".
Với Nghị quyết 68, Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất rõ về tiêu chí, tiêu chuẩn, yêu cầu rà soát những thủ tục hành chính. Do vậy, nếu giao cho các bộ rà soát thì cần có một cơ quan độc lập cùng rà soát và kiểm tra chéo. Thủ tướng Chính phủ cũng có thể lập tổ công tác độc lập để thực hiện việc này.
Thực tế cho thấy nếu không có cơ quan độc lập giám sát, chỉ đạo về mặt phương pháp luận và kiểm tra kết quả thì khó có thể tạo được áp lực đủ mạnh để các bộ thực hiện hiệu quả. Bởi lẽ, như đã nêu, điều kiện kinh doanh luôn gắn với lợi ích của mỗi bộ.
Theo Lê Thúy (NLĐO)