Trong khi hiện có hàng chục văn bản pháp luật liên quan nhưng còn rời rạc, luật sẽ giúp thống nhất khung pháp lý, làm rõ trách nhiệm các bên và thiết lập chuẩn mực ứng xử trong không gian số, hướng tới môi trường số an toàn, minh bạch và bền vững. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực thi luật cần linh hoạt, cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Dữ liệu là yếu tố sống còn trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, phân tích dữ liệu.
Kinh nghiệm từ châu Âu cho thấy việc áp dụng quy định quá chặt ngay từ đầu, không có lộ trình hợp lý có thể làm chậm đổi mới công nghệ và gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nhỏ. Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro tương tự nếu thiếu cơ chế thích ứng hoặc phân loại rõ ràng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN công nghệ trong nước.
Trong khi đó, các nền tảng công nghệ xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam lại có lợi thế lớn về dữ liệu, tài chính và hạ tầng kỹ thuật nhưng lại không chịu sự giám sát hoặc ràng buộc tương xứng với DN trong nước. Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý và nguy cơ bất bình đẳng trong cạnh tranh, thậm chí là hình thức "bảo hộ ngược", khi DN nội bị siết, còn DN ngoại không bị ảnh hưởng hoặc có nhưng không đáng kể.
Để bảo đảm sự cân bằng giữa bảo vệ quyền cá nhân và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cần phân loại dữ liệu cá nhân theo mức độ nhạy cảm, mục đích xử lý và phạm vi sử dụng. Với các loại dữ liệu không nhạy cảm, phục vụ nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ hoặc phát triển trí tuệ nhân tạo, có thể cho phép tiếp cận có điều kiện, dưới cơ chế giám sát rõ ràng và minh bạch, thay vì áp dụng cứng nhắc một quy chuẩn cho tất cả.
Một giải pháp khả thi là triển khai luật theo mô hình thí điểm, giới hạn trong một số ngành, địa phương hoặc nhóm DN cụ thể trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Thời gian này sẽ cho phép cơ quan quản lý đánh giá toàn diện tác động của luật, từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với thực tế thị trường và trình độ phát triển công nghệ trong nước.
Song song đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm mặt bằng pháp lý bình đẳng giữa DN nội địa và các nền tảng toàn cầu. Các nền tảng như Facebook, ChatGPT hay Grok, vốn thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng Việt, cũng phải chịu trách nhiệm tuân thủ luật pháp trong nước tương tự các công ty trong nước.
Ngoài ra, luật cần được đặt trong mối liên hệ với các chiến lược phát triển lớn như Nghị quyết 57 về đột phá khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, hay Nghị quyết 71 cập nhật chương trình hành động của Chính phủ trong lĩnh vực này. Một hệ sinh thái số bền vững không thể thiếu khung pháp lý minh bạch nhưng cũng không thể thiếu sự linh hoạt, đồng hành với DN. Khi được xây dựng và triển khai với tinh thần cải tiến, lấy thực tiễn làm trung tâm, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ trở thành công cụ thúc đẩy sự phát triển công nghệ và kinh tế số tại Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiên, Nhà sáng lập Công ty NewAI
Theo Lê Tỉnh ghi (NLĐO)