Hiệu quả đầu tiên là quá trình cấp sổ đỏ nhanh hơn, chính xác hơn vì nơi cấp cũng là nơi quản lý trực tiếp đất đai, nhà cửa của người dân trên địa bàn. Vì thế, cán bộ địa chính xã không phải mất công hỏi tới hỏi lui, xác minh thông tin chỗ này chỗ kia như trước. Về mặt định lượng, đưa về xã, số nơi có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người dân cũng tăng gấp hàng chục lần (tương ứng với số xã) thì đương nhiên công việc sẽ giải quyết nhanh hơn thay vì dồn vào 22 quận, huyện như hiện nay. Việc chuyển thẩm quyền cấp sổ đỏ cũng như giao đất, cho thuê, thu hồi đất cho cá nhân cho cấp xã cũng phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền của Chính phủ, phù hợp với "vị thế" của xã sau khi bỏ cấp huyện. Chúng ta không thể bỏ cấp huyện nhưng lại không tin tưởng vào năng lực của cấp xã.
Quan trọng hơn, chuyển thẩm quyền cấp sổ đỏ về cấp xã sẽ giúp thuận tiện hơn cho người dân trong việc đi lại nộp hồ sơ, giúp họ biết rõ đầu mối xử lý ở đâu, đường đi của hồ sơ cụ thể thế nào, từ đó rút ngắn được thời gian, công sức, chi phí của bản thân cũng như của bộ máy quản lý nhà nước. Đó chính là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện. Trên thực tế, việc chuyển nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện về cấp xã đã được thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 về dự án luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi do Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tổ chức cuối tháng 4 vừa rồi và nhận được sự tán thành của tất cả các thành viên. Dự luật quy định rất rõ cấp xã sẽ tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn...
Thế nên không chỉ sổ đỏ, mà đã, đang và sẽ còn nhiều thủ tục hành chính của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã. Ví dụ như bỏ công an huyện thì thủ tục cấp thẻ căn cước, cấp đổi giấy phép lái xe, cấp bằng lái... cũng sẽ chuyển về công an xã. Tới đây, cấp xã cũng sẽ có trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp được thuận tiện hơn, nhanh hơn. Theo kế hoạch, luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp thứ 9 diễn ra trong tháng 5 này. Nếu được thông qua theo kế hoạch, luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7. Nghĩa là từ ngày 1.7, cả nước không còn các cơ quan, chính quyền cấp huyện. Người dân có công việc, hồ sơ thủ tục hành chính đang giải quyết dở dang ở huyện cũng sẽ được chuyển xuống cấp xã xử lý tiếp.
Tất nhiên, trong thời gian chuyển giao, chuyển đổi có thể có những cái chưa thực sự thông suốt. Tuy nhiên, sau khi triển khai vận hành, hiệu quả của việc tinh gọn bộ máy sẽ rõ ràng hơn. Đó là một nền hành chính phụng sự, thuận tiện, minh bạch, công khai cho cả người dân và doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Nguyên Khanh (TNO)