
VinSpeed cam kết góp 20% vốn, đề xuất Nhà nước cho vay 80% còn lại không lãi suất trong 35 năm, xin quyền khai thác quỹ đất quanh ga và thời hạn đầu tư lên đến 99 năm, với mục tiêu hoàn thành dự án trong 5 năm.
Đề xuất này cần được đánh giá một cách toàn diện, không chỉ dựa trên hiệu quả tài chính mà cần phải cân nhắc kỹ lưỡng đến tác động xã hội, an ninh quốc phòng và tính hợp hiến cũng như định hướng phát triển hạ tầng quốc gia lâu dài.
Việc Nhà nước cho vay 80% vốn đầu tư không lãi suất trong 35 năm, thực chất là sử dụng nguồn tài chính công để hỗ trợ cho tư nhân. Đây là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, được huy động từ thuế của dân nên việc sử dụng phải tuân thủ chặt chẽ Luật Ngân sách và các quy định liên quan để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Do đó, cơ chế này cần được đánh giá kỹ về tính hợp pháp và khả thi, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát, ràng buộc rõ trách nhiệm doanh nghiệp nhằm bảo vệ nguồn vốn công và lợi ích xã hội.
Về giao quyền khai thác quỹ đất quanh các nhà ga để phát triển đô thị với diện tích đặc biệt lớn từ tuyến đường cao tốc đi qua hầu hết các đô thị lớn của cả nước sẽ có nguy cơ tư nhân độc quyền đất đai. Việc này làm gia tăng rủi ro về quản lý tài nguyên đất, thậm chí gây ra các vấn đề về minh bạch và rủi ro biến dự án giao thông công cộng thành cơ hội thu lợi riêng.
Hơn nữa, vấn đề an ninh quốc phòng đối với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là vô cùng quan trọng và cần được đặt lên hàng đầu. Nhiều tuyến đường và các đoạn cung đường chiến lược phải được thiết kế, xây dựng kèm theo hệ thống phòng thủ bí mật và bảo mật cao nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quốc gia. Những hệ thống này cần vận hành theo cơ chế đặc biệt, chỉ thuộc quyền kiểm soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, do đó nhà đầu tư tư nhân không được phép tiếp cận hoặc can thiệp nhằm bảo vệ an ninh quốc phòng.
Cần nhất quán lựa chọn mô hình hợp tác công tư (PPP) trong phát triển đường sắt cao tốc theo hướng Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong hoạch định chiến lược, kiểm soát vận hành và quản lý rủi ro, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc phòng. Doanh nghiệp tư nhân chỉ tham gia đấu thầu công khai các gói xây lắp hạ tầng kỹ thuật, hệ thống tín hiệu, đoàn tàu để tận dụng nguồn lực xã hội hóa và công nghệ hiện đại. Đồng thời, cho phép họ khai thác thương mại khu vực nhà ga thông qua các dự án bất động sản, tổ hợp dịch vụ hoặc khu đô thị vệ tinh nhằm tạo thêm nguồn thu hỗ trợ cho dự án và tăng khả năng hoàn vốn.
Trong mô hình hợp tác công tư cho đường sắt cao tốc, chính sách giá và phí cần cân bằng giữa khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư và mục tiêu phục vụ lợi ích công. Giá vé vận tải hành khách nên do nhà nước kiểm soát để đảm bảo khả năng tiếp cận cho người dân, trong khi các dịch vụ thương mại như logistics, bán lẻ trong ga, khai thác bất động sản có thể áp dụng giá thị trường. Do chi phí đầu tư và vận hành lớn, nếu để tư nhân tự tính đủ chi phí giá vé sẽ rất cao, gây hạn chế sử dụng và làm giảm hiệu ứng lan tỏa kinh tế.
Vì vậy, cần cơ chế trợ giá từ nhà nước (qua đặt hàng dịch vụ công hoặc nguồn thu từ phát triển đô thị quanh ga) để giữ giá hợp lý. Ngoài ra, việc chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động thương mại để hoàn trả phần hỗ trợ từ ngân sách cần được quy định rõ, minh bạch. Khung phí hạ tầng và cơ chế giám sát, kiểm toán độc lập phải được thiết lập nhằm đảm bảo công bằng, hiệu quả và phục vụ lợi ích lâu dài của quốc gia.
Việt Nam khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, xác định đây là động lực quan trọng phát triển kinh tế nhưng cần được cộng hưởng với kinh tế nhà nước. Nhà nước giữ vai trò đầu tư trong các lĩnh vực huyết mạch, điều tiết và tạo điều kiện cho tư nhân đồng hành phát triển. Mô hình PPP trong đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và lợi ích chiến lược dài hạn của quốc gia.
Theo TS HUỲNH THANH ĐIỀN (SGGPO)