
Không phải vì sự uy nghi của kiến trúc cung đình, mà vì một hình ảnh không mong đợi: ngai vàng triều Nguyễn - bảo vật quốc gia, được trưng bày tại vị trí trang trọng nhất - đã bị gãy phần bệ tỳ tay. Vết gãy còn rõ dấu tích, khiến nhiều người không khỏi lo ngại về mức độ an toàn của những di sản đang được giao phó cho hôm nay gìn giữ.
Trước sự việc này, không ai còn có thể viện cớ rằng đó chỉ là một “sự cố hy hữu”. Bởi sự cố ấy, thật tiếc thay, không phải đơn lẻ. Trong những năm gần đây, ký ức văn hóa Việt Nam từng nhiều lần bị “rạch nát” bởi những “nhát dao vô thức”: tượng Quán Thế Âm ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) bị trộm, bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” bị làm hỏng trong quá trình bảo quản, và gần đây nhất, hai đối tượng người nước ngoài đào trộm cổ vật tại lăng mộ vua Lê Túc Tông ở Lam Kinh (Thanh Hóa).
Những “vết thương” ấy nối tiếp nhau như một chuỗi cảnh báo dai dẳng. Dù báo chí lên tiếng, chuyên gia phân tích, dư luận phẫn nộ…, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa thể ngăn được tình trạng hiện vật, di sản... bị xâm hại.
Nhiều người hỏi: trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời không đơn giản. Trách nhiệm ấy không thể dồn lên một cá nhân hay một cơ quan duy nhất. Đó là trách nhiệm nhiều tầng: từ người trực tiếp quản lý hiện vật đến hệ thống giám sát và bảo vệ, từ người làm chính sách đến người dân, từ lực lượng bảo vệ cơ sở đến cơ quan lập pháp, hành pháp và giáo dục quốc gia. Nhưng sâu xa hơn, là một hệ thống chính sách về bảo tồn di sản còn thiếu tính cập nhật, thiếu đầu tư chiến lược, thiếu gắn kết công nghệ và thiếu sức mạnh răn đe.
Trong khi chúng ta nói rất nhiều về “phát triển công nghiệp văn hóa”, thì chính những bảo vật - nền tảng cốt lõi của nền công nghiệp ấy - lại được gìn giữ bằng phương thức thủ công, lạc hậu và mong manh.
Đáng lẽ, câu chuyện di sản trong kỷ nguyên số phải là một hành trình song hành của công nghệ và ý thức. Nhiều quốc gia đã làm rất tốt điều đó. Ở Anh, ngai vàng của vua Edward được đặt trong buồng kính chống đạn, giám sát bởi hệ thống camera 24/7. Ở Pháp, bức tranh Mona Lisa được bảo vệ bằng lớp kính đặc biệt và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện hành vi bất thường. Ở Trung Quốc, hệ thống bảo vệ tại Tử Cấm Thành có thể phát hiện rung chấn nhỏ nhất. Tại Singapore, các hiện vật quý được bảo quản trong điều kiện khí hậu nhân tạo đạt chuẩn quốc tế. Còn ở Việt Nam - chúng ta có những hiện vật ngàn năm tuổi, nhưng vẫn đặt chúng trên bục gỗ đơn sơ, thiếu cả lớp kính mỏng hay một quy trình ứng phó sự cố cơ bản.
Sự việc ở Đại nội Huế phải là một bước ngoặt. Không thể chỉ dừng lại ở lời xin lỗi hay xử lý cá nhân. Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện trong tư duy, cơ chế và hành động.
Chúng ta đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Di sản văn hóa sửa đổi năm 2024, Nghị định 2166/VBHN-BVHTTDL, Nghị định 39/2024/NĐ-CP, Thông tư 18/2022, Thông tư 04/2023… nhưng như một bản nhạc, nốt nhạc có đẹp đến đâu cũng vô nghĩa nếu không được ngân lên đúng lúc. Luật pháp đã có, vấn đề còn lại là những người làm công tác quản lý có đủ ý chí để thực thi không?
Bên cạnh công nghệ và pháp luật, thứ quan trọng nhất - cũng là nền tảng bền vững nhất - chính là văn hóa ứng xử với di sản trong mỗi con người. Giáo dục di sản phải bắt đầu từ những bài học ở lớp Một, từ những câu chuyện kể cho trẻ em, từ chính cách người lớn bước chân vào chốn thiêng với lòng thành kính. Truyền thông không chỉ đưa tin khi có sự cố, mà phải khơi gợi cảm hứng, kể chuyện di sản như kể chuyện về chính chúng ta - để ai cũng thấy: chạm vào di sản là chạm vào lịch sử của chính mình.
Di sản không phải là quá khứ ngủ yên. Nó là phần ký ức sống động, là tấm gương soi vào bản sắc. Mỗi khi chúng ta bảo vệ một hiện vật - là đang gìn giữ một phần linh hồn dân tộc. Mỗi khi chúng ta hành động để ngăn chặn một tổn thương - là đang bước một bước vững chãi hơn vào tương lai.
Chúng ta không gìn giữ di sản cho quá khứ. Chúng ta gìn giữ di sản cho con cháu mai sau. Để một ngày nào đó, khi nhìn vào những biểu tượng lịch sử, thế hệ trẻ sẽ không chỉ thấy những gì còn lại - mà thấy những gì được truyền giữ bằng tình yêu, lòng biết ơn và niềm tự hào sâu sắc. Và khi ấy, ký ức dân tộc sẽ không chỉ tồn tại, mà sẽ tỏa sáng.
Theo PGS-TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa XV (SGGPO)