Không khoan nhượng với hàng giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiến dịch chống hàng giả, hàng lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, quy mô chưa từng có, đã được Chính phủ phát động từ giữa tháng 5 (từ ngày 15-5 đến ngày 15-6), thu hút sự quan tâm của dư luận.

3-593-1975-65-7651.jpg

Đây là một cuộc “tổng tiến công” vào hàng lậu, hàng giả - một vấn nạn đang phá hoại niềm tin thị trường.

Thực tế triển khai cho thấy tinh thần chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhiều vụ về thuốc giả, thực phẩm giả lớn bị phát hiện chỉ trong vòng chưa đầy một tuần sau phát động. Một tổ công tác đặc biệt đã được thành lập để đôn đốc, kiểm tra tại các địa phương, không để địa phương nào “án binh bất động” hoặc làm cho có.

Khẩu lệnh “không có vùng cấm” lúc này phải là điều kiện tiên quyết. Không thể chống hàng giả nếu người thi hành công vụ là một phần trong hệ thống bảo kê. Không thể ngăn buôn lậu nếu người đứng đầu địa phương “không biết - không thấy - không nghe”. Và càng không thể bảo vệ sở hữu trí tuệ nếu những thương hiệu bị làm giả vẫn chọn im lặng, thỏa hiệp.

Vấn đề quan trọng ở nước ta hiện nay không chỉ là tuân thủ pháp luật, mà còn là về vấn đề đạo đức. Việc làm giả thuốc chữa bệnh, như nhiều đại biểu Quốc hội vừa thẳng thắn lên tiếng, là hành vi “táng tận lương tâm”, không khác gì giết người hàng loạt.

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 20-5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đã phản đối gay gắt đề xuất bỏ án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán thuốc giả. Bởi, nếu chúng ta nhân đạo với tội phạm thì sẽ bất công với hàng triệu người dân lương thiện đang bị đầu độc từng ngày.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) cũng cho rằng, tội ác này không thể xử lý bằng những bản án “mang tính giáo dục”, mà cần răn đe thật sự bằng chế tài nghiêm khắc nhất. Quốc hội và các cơ quan chức năng cần lắng nghe những ý kiến hợp lý này, không thể xóa bỏ án tử hình với tội phạm sản xuất thuốc giả. Nếu để nạn thuốc giả, sữa giả, hàng giả, hàng lậu tiếp tục tồn tại dai dẳng thì thứ mất đi không chỉ là tiền bạc, sức khỏe mà còn là sự ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh, đặc biệt là lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào pháp luật.

Ngày 22-5, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề về pháp luật, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó có nội dung về xây dựng dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi). Rõ ràng, thực tế đáng báo động hiện nay (hàng giả, thuốc giả, thực phẩm bẩn lợi dụng kẽ hở pháp lý như: cơ chế tự công bố sản phẩm, sự yếu kém trong hậu kiểm và quản lý để len lỏi khắp thị trường) đòi hỏi luật sửa đổi phải tạo đột phá, quy trách nhiệm rõ ràng, tăng hậu kiểm, xử phạt nghiêm.

Trước hết, không thể chống hàng giả theo kiểu phong trào. Cần hình thành một nề nếp kiểm soát thường xuyên, một hệ giá trị tiêu dùng mới, trong đó người tiêu dùng có trách nhiệm hơn, doanh nghiệp trung thực hơn và Nhà nước quyết liệt hơn. Cốt lõi nằm ở 7 giải pháp then chốt: xử lý nghiêm, quy trách nhiệm người đứng đầu, rà soát chuỗi cung ứng, siết quản lý thương mại điện tử và mạng xã hội, loại bỏ “bảo kê trong nội bộ”, buộc thương hiệu chịu trách nhiệm pháp lý và cuối cùng là công khai thông tin vi phạm để dư luận tẩy chay.

Chống hàng giả, hàng lậu cần một trận tuyến liên ngành, đa tầng, liên tục và bền bỉ. Nếu làm đến nơi đến chốn, Việt Nam có thể dọn sạch hàng giả, hàng lậu khỏi thị trường, khôi phục thương mại lành mạnh. Nhưng, nếu chỉ làm một thời gian rồi lại buông, hàng giả sẽ tiếp tục diễn ra dai dẳng và đó mới là điều đáng lo lắng nhất.

Theo VĂN PHÚC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

Diện mạo hành chính mới tạo động lực để đất nước phát triển

(GLO)- Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, chỉ còn vài ngày nữa, đất nước ta chính thức bước vào cuộc chuyển mình vĩ đại nhất kể từ ngày thống nhất non sông. Sự thay đổi về mô hình chính quyền địa phương lần này sẽ đem lại diện mạo hành chính mới, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả.

Dân đồng tình ủng hộ, sao cán bộ lại tâm tư?

Dân đồng tình ủng hộ, sao cán bộ lại tâm tư?

(GLO)-Đó là câu hỏi mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại buổi làm việc với Đảng ủy MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Trung ương vào sáng 23-6 khi có một bộ phận cán bộ băn khoăn, day dứt vì thực hiện sắp xếp các tổ chức Mặt trận, đoàn thể nói riêng và sắp xếp, sáp nhập bộ máy hệ thống chính trị nói chung.

Học kỹ, thi thật!

Học kỹ, thi thật!

Việc chuyển giao toàn bộ quy trình sát hạch, cấp, đổi bằng lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, cụ thể là giao cho lực lượng CSGT đảm nhận, đánh dấu một bước ngoặt trong công tác quản lý người điều khiển phương tiện giao thông tại VN.

null