Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

Do vậy, cử tri tiếp tục có nhiều kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp về việc hỗ trợ kinh phí xây kè chống sạt lở nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Cử tri còn nhiều đề xuất, kiến nghị

Tại buổi tiếp xúc cử tri các huyện Đak Pơ, Mang Yang và Ia Pa trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 9-5-2024, nhiều kiến nghị đã được gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh liên quan đến các vấn đề cấp thiết, tác động trực tiếp đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Về tình trạng sạt lở dọc bờ sông, cử tri Ksor Krôk (buôn Tul, xã Ia Broắi, huyện Ia Pa) nêu ý kiến: “Vào mùa mưa, khu vực đất trồng lúa, hoa màu của người dân thường xảy ra sạt lở đất và bị nước cuốn trôi. Chúng tôi mong các cấp, các ngành có giải pháp hỗ trợ chống sạt lở để giúp bà con yên tâm sản xuất”.

1hien-tren-dia-ban-huyen-krong-pa-co-13-diem-sat-lo-bo-song-suoi-voi-tong-chieu-dai-khoang-hon-227-km-chu-yeu-dien-ra-doc-theo-song-ba-va-cac-suoi-thuoc-luu-vuc-cua-he-thong-song-nay.jpg
Hiện trên địa bàn huyện Krông Pa có 13 điểm sạt lở bờ sông, suối với tổng chiều dài hơn 22,7 km, chủ yếu diễn ra dọc theo sông Ba và các suối thuộc lưu vực của hệ thống sông này. Ảnh: M.N

Trả lời kiến nghị này, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa Huỳnh Văn Trường thông tin: Trên địa bàn huyện có rất nhiều điểm sạt lở tại vị trí bờ sông, suối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông, thủy lợi và khu vực sản xuất của người dân. Huyện đang tiếp tục khảo sát để lần lượt đưa vào kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo đối với các dự án bờ kè chống sạt lở ở những khu vực này.

Liên quan đến kiến nghị tỉnh cần quan tâm đầu tư làm bờ kè sông Tul, bờ kè sông Ba cho các xã phía Đông sông Ba để giữ đất sản xuất cho người dân, UBND tỉnh cũng có văn bản hồi đáp.

Theo đó, Dự án kè chống sạt lở bờ sông Tul chưa được đưa vào kế hoạch của tỉnh để triển khai thực hiện Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030. Do vậy, UBND tỉnh đề nghị huyện Ia Pa có tờ trình, bổ sung dự án vào kế hoạch của tỉnh trong năm 2024. Sau khi được cập nhật, bổ sung vào kế hoạch, đề nghị UBND huyện Ia Pa đề xuất đưa Dự án kè chống sạt lở bờ sông Tul trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.

Trong khi đó, cử tri huyện Kbang kiến nghị: Sông Đăk Pne chảy qua địa phận xã Kon Pne (huyện Kbang) có chiều dài khoảng 13 km. Dọc theo dòng sông có khoảng 70 ha lúa nước. Qua các đợt mưa bão, bờ sông bị sạt lở khoảng 500 m, ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích lúa nước của người dân.

Chính quyền xã đã chủ động bố trí kinh phí và huy động lực lượng khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, để đảm bảo tính ổn định lâu dài, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí khắc phục kịp thời tình trạng sạt lở bờ sông Đăk Pne.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XII, UBND tỉnh đề nghị UBND huyện Kbang bổ sung công trình kè chống sạt lở bờ sông Đăk Pne vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.

Bà Đỗ Thị Hương Lan-Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-cho hay: “Cử tri đã kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh về tình trạng sạt lở này. Tại các kỳ họp HĐND tỉnh, chúng tôi cũng đã đưa vấn đề này ra trình bày tại nghị trường. Chính vì thế, tôi đồng tình với cách giải quyết của UBND tỉnh là đề nghị huyện bổ sung công trình kè chống sạt lở bờ sông Đăk Pne vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sạt lở ở đây vẫn đang diễn ra. Vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương khảo sát, sớm có giải pháp khắc phục tạm thời để bà con an tâm sản xuất”.

Theo phương án phát triển các tuyến kè chống sạt lở trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì công trình kè chống sạt lở sông Đăk Pne phù hợp với danh mục thuộc phương án phát triển các tuyến kè chống sạt lở theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, công trình kè chống sạt lở sông Đăk Pne chảy qua địa phận xã Kon Pne chưa đưa vào danh mục các dự án kè chống sạt lở tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách giai đoạn 2021-2030 trong kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, suối đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Do vậy, UBND huyện Kbang cần rà soát để đưa công trình này bổ sung vào kế hoạch nêu trên.

Cần nhiều nguồn lực hỗ trợ

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan ngày 1-8-2024, thay mặt cử tri và người dân, lãnh đạo HĐND và UBND tỉnh tiếp tục đề xuất, kiến nghị về việc xem xét, hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện các dự án kè chống sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp nêu thực trạng: Hàng năm, mưa lớn liên tục kéo dài đã làm cho tình hình sạt lở bờ sông càng nghiêm trọng, làm thu hẹp đáng kể diện tích đất sản xuất, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nông dân, đồng thời đe dọa đến tính mạng con người.

22.png
Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân, cử tri và HĐND huyện Krông Pa tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng xây kè chống sạt lở dọc sông Ba-đoạn qua xã Chư Rcăm. Ảnh: M.N

Đặc biệt, mùa lũ năm 2009 đã gây ra ngập lụt trên diện rộng, cuốn trôi người cùng nhà cửa, hoa màu và đàn gia súc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Nhu cầu kinh phí cho các dự án cấp bách xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối trên địa bàn tỉnh là rất lớn, trong khi Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động nguồn lực để thực hiện các dự án cấp bách còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương.

Ngày 22-5-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1051/KH-UBND về triển khai Đề án phòng-chống sạt lở bờ sông, suối đến năm 2030. Kế hoạch đề ra một số giải pháp trong việc tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông, suối bị sạt lở, bố trí tái định cư theo các hình thức xen ghép hoặc xây dựng khu tái định cư tập trung phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng ven sông, suối.

“Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền quan tâm xem xét, hỗ trợ cho tỉnh 3.144 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để xây dựng 17 dự án kè chống sạt lở bờ sông, bờ suối tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đề xuất.

Bộ Nông nghiệp và PTNT ghi nhận đề xuất của tỉnh và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ khi có nguồn vốn.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba khu vực xã Chư Rcăm, ông Tô Văn Chánh-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pa-nhấn mạnh: Việc đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Ba nhằm đáp ứng yêu cầu phòng-chống bão lụt, đảm bảo sự ổn định bờ sông, ngăn chặn sự lấn sâu ngày càng tăng của dòng chảy sông Ba là hết sức cấp bách.

“Từ việc ghi nhận, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri, HĐND huyện đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí thực hiện trong thời gian tới. Hội đồng nhân dân huyện sẽ triển khai việc đôn đốc, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện”-ông Chánh nói.

Tại buổi tiếp xúc cử tri các huyện Đak Pơ, Mang Yang và Ia Pa trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, liên quan đến nhiều vấn đề cấp thiết, tác động trực tiếp đến đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn khẳng định: Những ý kiến, kiến nghị mà cử tri gửi đến đại biểu Quốc hội và cấp ủy, chính quyền các cấp là hoàn toàn chính đáng. Riêng kiến nghị về đầu tư hạ tầng cơ sở, trong điều kiện còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp thì việc đầu tư cần theo thứ tự ưu tiên.

Do đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn cử tri chia sẻ với tỉnh và đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, giải quyết kịp thời, thỏa đáng cho cử tri.

“Trong đó, các huyện xem xét sớm đưa vào kế hoạch đầu tư công đối với các công trình thiết yếu; đồng thời, cân đối phân bổ ngân sách để triển khai thực hiện và đề xuất với tỉnh đối với những công trình vượt ngân sách của huyện.

Việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm nhưng không bỏ qua yếu tố chăm lo cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là những nơi có công với cách mạng, vùng sạt lở mà cử tri đã có kiến nghị”-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết gia đình người có công tại Đak Pơ. Ảnh: Ngọc Minh

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết gia đình người có công tại Đak Pơ

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, chiều 18-1, đoàn công tác của tỉnh Gia Lai do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đến thăm, chúc Tết, tặng quà gia đình người có công tiêu biểu tại huyện Đak Pơ.