Tự hào với truyền thống đơn vị 3 lần anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm mươi năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) đã không ngừng phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Qua đó, đơn vị đã 3 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Những trang sử vàng

 

 Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Đức Thụy
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Đức Thụy

Thực hiện quyết định “Phát triển thế chủ động tiến công địch, nhanh chóng mở rộng bộ đội chủ lực, tăng cường sức mạnh quốc phòng” của Trung ương Đảng trước yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 13-12-1965, tại Hà Nội, Trung đoàn Công binh 7 (nay là Lữ đoàn Công binh 7) thuộc Bộ Tư lệnh Công binh được thành lập. Ngay sau đó, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ chiến đấu và bảo đảm cơ động trên chiến trường Thượng Lào. Chỉ trong một thời gian ngắn, bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, vừa chiến đấu đánh địch, vừa mở đường bảo đảm cơ động, Lữ đoàn đã đưa trục đường số 7 dài 128 km từ Nậm Cắm đến Khăng Khay và trục đường số 6 dài 65 km nối liền hai tỉnh Sầm Nưa-Xiêng Khoảng trở lại hoạt động, bảo đảm cho những đoàn xe ta nối nhau vào trận đánh cánh đồng Chum-Phu-Cút. Cùng với bạn, Lữ đoàn đã chiến đấu đập tan hàng chục cứ điểm kiên cố trên hành lang đường số 6, đường số 7, tiêu diệt 105 tên địch, bắn rơi 27 máy bay các loại, giác ngộ hàng trăm tên giặc trở về với nhân dân Lào.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp bạn trên mặt trận Thượng Lào, ngày 25-9-1967, Lữ đoàn được lệnh hành quân về làm nhiệm vụ ở chiến trường Trị-Thiên-Huế. Những ngày tháng chiến đấu vô cùng ác liệt nơi đây, bảng vàng thành tích của Lữ đoàn lại ghi thêm những nét son sáng ngời, đặc biệt là trong trận đánh căn cứ Làng Vây. Ngày 25-8-1970, với những chiến công xuất sắc ở mặt trận Thượng Lào và chiến trường Trị-Thiên-Huế, Lữ đoàn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất.

Rời mặt trận Trị-Thiên-Huế, Lữ đoàn tiếp tục xẻ núi, lấp sông, phá bom, làm đường, bắc cầu vào chiến trường Tây Nguyên. Ngay khi đặt chân đến Tây Nguyên, Lữ đoàn đã cùng các đơn vị bạn đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ-Ngụy ở Nam Lào và góp phần lập nên chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh xuân hè 1972. Trong một thời gian ngắn, cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã mưu trí, sáng tạo, bí mật mở con đường 50 km thọc sâu vào tận sào huyệt địch. Bằng con đường đó, lần đầu tiên ở Tây Nguyên một lực lượng lớn binh chủng hợp thành, hiệp đồng tác chiến đánh diệt gọn Sư đoàn 22 ngụy, giải phóng phần lớn tỉnh Kon Tum, tạo ra khả năng mới để quân ta mở các chiến dịch với quy mô lớn trên chiến trường. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn (khi này nằm trong đội hình Quân đoàn 3) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sửa chữa, khôi phục đường để các cánh quân của ta tiến vào đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, Lữ đoàn còn tiếp tục tham gia bảo vệ biên giới phía Tây Nam, bảo vệ biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Với nhiều chiến công xuất sắc, ngày 20-12-1979, Lữ đoàn được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai. Ngoài ra, Lữ đoàn được Chính phủ Campuchia trao tặng Huân chương Ăng-co và được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng nhất.

Hình ảnh đẹp về người lính công binh thời bình

Khi Lữ đoàn trở lại Tây Nguyên, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn chiến lược này còn nhiều diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn ra sức lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, dù đời sống kinh tế-xã hội ở Tây Nguyên đã có nhiều đổi thay song đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn.

 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Trước thực tế này, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, một nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra đối với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn là phải đổi mới và tăng cường công tác dân vận trên địa bàn đứng chân. Để làm được điều này, những năm qua, đơn vị đã chú trọng bồi dưỡng đường lối quan điểm của Đảng về công tác vận động quần chúng nhân dân, trang bị cho cán bộ, chiến sĩ những kiến thức cần thiết về đặc điểm phong tục tập quán của đồng bào địa phương. Phương châm, phương pháp tiến hành công tác dân vận được xác định là “Óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”… Nhờ đó, trong những năm qua, đơn vị đã tiến hành có hiệu quả công tác tham gia xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh. Ở các địa bàn đóng quân, đơn vị thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị kết nghĩa nắm chắc diễn biến tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, chủ động tham mưu cho địa phương giải quyết tốt các vụ việc nảy sinh, ngăn chặn có hiệu quả, các hoạt động chống phá, gây rối.

Cùng với công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tại những địa bàn đóng quân, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn còn tham gia có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động cách mạng, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện chính sách xã hội, góp phần ổn định đời sống nhân dân. Có thể kể ra đây những việc làm đầy thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thời gian qua như: thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, giúp đỡ các gia đình khó khăn, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ của địa phương; tặng quà cho các cháu học sinh giỏi và con gia đình nghèo hiếu học vào các năm học mới, tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi; tham gia giúp hàng trăm ngày công xây dựng 2 căn nhà “Nhân ái” ở xã Đak Jơ Ta và xã Hà Ra (huyện Mang Yang) năm 2010…

Đặc biệt, trong các đợt thiên tai, bão lụt, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn có mặt tại các điểm nóng để tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả. Như từ năm 2009 đến năm 2013 trước diễn biến phức tạp của mưa bão, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn cùng hàng chục phương tiện xe máy không ngại khó khăn, gian khổ trong đêm mưa bão, đã cơ động giúp nhân dân huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), huyện Phù Cát, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) khắc phục hậu quả bão lụt, cứu hàng trăm người dân trong bão lũ. Những việc làm này đã để lại trong nhân dân các vùng bão lũ một hình ảnh đẹp về người lính Lữ đoàn Công binh 7 anh hùng. Lữ đoàn được Ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen, ngoài ra nhiều tập thể, cá nhân được UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen, giấy khen. Đồng thời, những thành tích này còn góp phần để ngày 13-1-2003, Lữ đoàn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

 Thượng tá Đỗ Đức Dũng
Chính ủy Lữ đoàn

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.
Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

Pleiku tổng kết 10 năm thực hiện "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"

(GLO)- Ngày 29-11, Thành ủy Pleiku tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới“. Đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy Pleiku đồng chủ trì hội nghị.