Bán tàu cá vỏ gỗ, dồn hết tất cả vốn liếng đầu tư vào hai con tàu vỏ thép “vững chãi” để vươn ra vùng biển xa hơn. Ai ngờ, sau một thời gian đưa vào hoạt động, hai con tàu trên liên tục nằm bờ do hư hỏng, buộc phải trả tàu. Không còn tài sản, phương tiện để đánh bắt, nợ nần chồng chất, các “kình ngư” đâm ra buồn bã, chán nản...
Những lời mời “có cánh”
Ngồi thẫn thờ trước một đống giấy báo nợ, anh Phan Bé (45 tuổi), trú xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) buồn bã kể, từ khi còn là một đứa trẻ 14, 15 tuổi, anh đã theo thuyền của các ngư dân trong xã đi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Nhờ bản tính gan dạ, nhanh nhẹn, sau 5 năm anh đã thuộc làu tất cả “ngón nghề”. Năm 1999, anh làm thuyền trưởng cho một chiếc chủ tàu ở địa phương, chỉ hơn 2 năm sau, chủ tàu trả hết món nợ 1,3 tỉ đồng.
Phía công ty bảo hiểm yêu cầu ngư dân Nguyễn Lượm tự trục vớt con tàu bị cháy để xác minh nguyên nhân. |
Nghĩ cảnh làm thuê làm mướn cực khổ, năm 2003, anh lấy số tiền dành dụm bao năm để cưới vợ, cộng với số tiền vay mượn anh em, ngân hàng, đặt mua hai chiếc tàu vỏ gỗ. Nhờ đánh bắt hiệu quả, món nợ cũng dần trả hết. Một mình làm chủ hai chiếc tàu gỗ đánh bắt xa bờ công suất mỗi chiếc 400CV, mỗi chuyến ra khơi, anh Bé thu được từ 100-200 triệu đồng. Công việc làm ăn của anh Bé phát triển thuận lợi.
Năm 2012, Chính phủ có Quyết định 1787 cho Quảng Ngãi đóng thí điểm 20 tàu sắt, nhà nước hỗ trợ lãi suất 70%, còn 30% là vốn đối ứng của ngư dân. Anh Phan Bé đăng ký, nhưng, chờ mãi không thấy chương trình triển khai thì lúc ấy, SBIC (Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy) mời góp vốn đóng tàu vỏ thép mẫu bằng những lời “có cánh”. “Trong thời gian đó, tôi phải bỏ các chuyến biển để đi dự nhiều hội nghị, hội thảo. Và nghe đại diện các cơ quan khẳng định, nếu ngư dân tham gia đóng tàu vỏ thép mẫu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi” - anh Bé kể lại.
Sau khi được Cty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang bàn giao con tàu vỏ thép Sang Fish 01 (theo dạng cho thuê, trị giá 7 tỉ đồng, ngư dân trả trong 7 năm), anh Phan Bé buộc phải bán hai con tàu vỏ gỗ và cầm cố nhà đất để có tiền mua các thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ, máy phát điện… tổng giá trị trên 4 tỉ đồng.
Liên tục hư hỏng
Anh Bé nhận tàu vỏ thép Sang Fish 01 vào tháng 7-2014. Chuyến biển đầu tiên từ ngày 12-22.8.2014, tàu đã bị hư hỏng tời kéo lưới, mất một phần ba giàn lưới trị giá 1,6 tỉ đồng, buộc phải vào bờ “non” ngày; anh Bé khôi phục giàn kéo lưới tốn 500 triệu đồng, thêm chi phí cho chuyến biển 100 triệu. Ba chuyến biển vào tháng 1, 2 và 3.2015, liên tiếp hỏng tời kéo lưới đánh cá, tổng cộng anh Bé tốn trên 3350 triệu đồng. Hai chuyến biển tiếp theo trong tháng 5 và 7.2015, máy chính hư hỏng, bể hộp số... liên tục.
Lai dắt được tàu vào bờ, anh Bé thuê thợ khắp nơi từ Đà Nẵng, TPHCM về sửa chữa nhưng không khắc phục được. Tháng 9.2015 tàu Sang Fish 01 nằm bờ, đến tháng 4.2016, anh Bé trả lại tàu cho đơn vị đóng tàu. “Sau khi trả tàu thì SBIC liên tục gửi giấy báo nợ cho tôi liên tục, nhưng trốn đâu được. Khi bắt đầu đóng tàu vỏ thép, các cấp chính quyền thì liên tục gọi điện, động viên. Nhưng đến khi tàu bị hư hỏng thì không một lời thăm hỏi. Những ngư dân trước đây từng làm thuê cho tôi bây giờ họ đã có nhà cửa, vợ con đề huề, còn tôi, 45 tuổi rồi, vợ con chưa có, lại ôm thêm cục nợ trên 2 tỉ đồng” - anh Bé chán nản.
Cũng lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần. Trong năm 2014, ngư dân Mai Thành Văn, trú xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được Cty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang bàn giao tàu vỏ thép mang số hiệu Hoàng Anh 01 (trị giá 7 tỉ đồng). Sau khi nhận tàu, anh Văn vay mượn hơn 2 tỉ đồng để đầu tư ngư lưới cụ, máy dò cá… Tuy nhiên, tàu ra khơi năm chuyến thì ba chuyến phải cầu cứu tàu bạn lai dắt vào bờ. Buộc anh phải trả tàu vào tháng 5.2015. May mắn là, sau khi trả tàu, anh Văn được một chủ tàu ở Thanh Hóa mời làm thuyền trưởng, mỗi tháng kiếm đủ tiền trang trải tiền lãi ngân hàng.
Ngư dân phải tự trục vớt con tàu bị cháy
Đã hơn một năm trôi qua, kể từ khi hai con tàu ngư dân Nguyễn Lượm trú thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) bị cháy ở cảng, ông Lượm chỉ biết “ôm” đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu, mong sao được bảo hiểm bồi thường con tàu bị cháy.
Sự việc bắt đầu vào đêm ngày 2-2-2016, đúng gần dịp tết, tất cả tàu thuyền của ngư dân địa phương đều trở về neo đậu ở cảng. Ông Lượm neo hai tàu QNg 98032 TS và QNg 98748 TS tại cầu Thạnh Đức 2. Vào khoảng hai giờ sáng, gia đình ông Lượm nghe tiếng hô hoán của người dân, khi chạy ra thì đã thấy ngọn lửa bao trùm trên cả hai tàu của mình. Gặp lúc gió to, ngọn lửa nhanh chóng lan sang tàu cá của ông Võ Tân neo cạnh đó.
Do trên tàu có chứa lượng dầu lớn chuẩn bị cho chuyến biển sau tết, cùng nhiều bình gas bị nung nóng và phát nổ như bom, tung lửa lên trời. Các ngư dân đã nhanh chóng chặt dây neo, sơ tán các tàu để tránh cháy lan. Tàu cá QNg 98032 TS bị trôi ra về phía cửa biển Sa Huỳnh gần 1km và chìm xuống, còn tàu cá QNg 98748 TS thì trôi về phía bờ tây bắc của cửa lạch và nằm gần bãi cạn. Hiện nay chiếc tàu này bị cháy khoảng 80%, nhưng vẫn còn nguyên hình dạng vỏ tàu. Lực lượng Công an đã nhanh chóng có mặt lập biên bản hiện trường, tiến hành các thủ tục ban đầu để xác minh vụ cháy.
Hai tàu cá này ông Lượm đều có mua bảo hiểm ở Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Quảng Ngãi. Theo hợp đồng ký vào ngày 11-12-2015 (có giá trị đến 24 giờ ngày 12-12-2016). Hợp đồng này xác định giá trị bảo hiểm thân tàu QNg 98748 TS, công suất 380CV là 1,4 tỉ đồng, bao gồm vỏ 50%, máy 40%, trang thiết bị 10%, không tính ngư lưới cụ. Hợp đồng bảo hiểm thứ hai đối với tàu QNg 98032 TS có công suất 380CV được ký cùng ngày, xác định giá trị bảo hiểm là 1 tỉ đồng.
Sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, tàu cá QNg 98156 TS của ngư dân Võ Tân neo đậu gần đó bị cháy đã được Bảo hiểm Bảo Minh bồi thường. Riêng hai tàu cá của ngư dân Nguyễn Lượm, đại diện Cty Bảo hiểm Bảo Minh đồng ý bồi thường, tuy nhiên yêu cầu ngư dân phải tự trục vớt tàu chìm để xác định nguyên nhân.
Không còn cách nào khác, ông Lượm buộc phải đồng ý sẽ thực hiện công việc này. Thế nhưng, khi tiến hành trục vớt lại gặp muôn vàn khó khăn. Thứ nhất là vợ chồng ông đã trắng tay, thứ hai đó là tổng số tiền bảo hiểm cho cả hai tàu là 2,4 tỉ đồng. Trong khi đó, ước tính số tiền để tổ chức trục vớt con tàu bị cháy trên 500 triệu đồng, đồng nghĩa với việc sau khi vớt được con tàu, ông Lượm sẽ phải bán nốt nhà nhưng cũng chưa chắc hết nợ. “Sinh ra nhờ biển cả, bây giờ không có tàu tôi chỉ biết luẩn quẩn ở trong nhà, hoặc làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày” - ông Lượm buồn bã.
Trần Hóa/laodong