Đó là câu chuyện tình yêu của thiếu úy Nông Hải Dự và binh nhất Dương Thị Hồng Ninh, cùng công tác tại Sư đoàn 345, Quân khu 2.
Từ miền Nam anh ngược ra Bắc
Sinh năm 1950 ở H.Hàm Yên (Tuyên Quang), giữa năm 1967, ông Nông Hải Dự nhập ngũ vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Sau ngày thống nhất, chuẩn úy Nông Hải Dự công tác tại Cục Quân pháp thuộc Bộ Quốc phòng (từ năm 1981 đến nay, được đổi tên là Cục Điều tra hình sự), làm nhiệm vụ quản lý tù binh. Tháng 7.1978, chuẩn úy Nông Hải Dự nhận quyết định về Quân khu 2. Khi nhận công tác, cấp trên bảo: "Những cán bộ quê Tuyên Quang đều xin về Hà Tuyên (nay là Hà Giang) cho gần nhà. Trường hợp cậu, đã trải qua chiến đấu và làm nhiệm vụ đặc biệt, nên điều xuống đoàn kinh tế 345 để xây dựng thành sư đoàn chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc".

Chuẩn úy Nông Hải Dự khoác ba lô lên Lào Cai, nhận nhiệm vụ đại đội trưởng vệ binh của Sư đoàn 345 vừa mới thành lập và trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2.1979.
Tháng 5.1979, ông Dự làm Đại đội trưởng Đại đội 4 hỏa lực (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 121, Sư đoàn 345) và sau đó là phó tiểu đoàn trưởng. Ông cũng được phong quân hàm vượt cấp từ thiếu úy lên thượng úy.
Năm 1984, cấp trên yêu cầu đại úy Nông Hải Dự đi học 3 năm sĩ quan, nhưng ông nằng nặc xin sang mặt trận Hà Tuyên (nay là Hà Giang) trực tiếp chiến đấu. Cấp trên không đồng ý, ông làm đơn xin nghỉ theo chế độ 176 và tháng 12.1985, đại úy Nông Hải Dự nghỉ chế độ.

Yêu nhau bí mật
Cuối tháng 8.1976, cô gái Dương Thị Hồng Ninh (quê xã Mỹ Yên, H.Đại Từ, Thái Nguyên) tròn 20 tuổi và nhập ngũ vào Sư đoàn 345. Được 1 tháng, gia đình báo: "Có giấy gọi học Trường Sư phạm Bắc Thái", nhưng chị Ninh xin bảo lưu kết quả thi, xuất ngũ sẽ về học.
Tiểu đội nuôi quân của chị Ninh ở cạnh đại đội vệ binh, nên chị thường gặp đại đội trưởng Nông Hải Dự. Bà Ninh nhớ lại: "Tháng 2.1979, trước khi đi chiến đấu, có đưa tôi một túi vải, nhờ: "Nếu không về được thì gửi giúp về quê cho mẹ". Anh ấy đi, tôi xếp lại đồ, thấy lá thư tỏ tình ở trong".
Mối tình của đại đội trưởng Nông Hải Dự và chiến sĩ Dương Thị Hồng Ninh rất bí mật, bởi lúc đó có rất nhiều quy định ràng buộc.
Tháng 10.1979, hạ sĩ Dương Thị Hồng Ninh xuất ngũ về học Trường Sư phạm Bắc Thái (nay là Thái Nguyên). Cuối tháng 1.1982, ông bà tổ chức đám cưới và sau hôn lễ, thượng úy Nông Hải Dự lên biên giới. Cô giáo Ninh dạy ở trường cấp 1 - 2 Mỹ Yên (H.Đại Từ, Thái Nguyên).
Đầu tháng 3.1984, ông bà sinh con gái lớn Nông Thị Thùy Linh. Cuối năm 1985, đại úy Nông Hải Dự nghỉ chế độ. Về lại quê Tuyên Quang, ông được bác ruột cho mảnh đất dưới chân đồi và dựng túp lều dưới bụi tre, hằng ngày xoay trần khai hoang, "dọn ổ" cho vợ con.

Tháng 2.1986, bà Ninh sinh thêm cô gái út Nông Hồng Nhạn và 3 tháng sau (5.1986) bà xin chuyển công tác từ Thái Nguyên về Tuyên Quang, để gia đình được sum họp. "3 mẹ con về… nhà mới. Gọi là nhà nhưng chỉ là túp lều lợp lá cọ dưới bụi tre, rắn rết muỗi mòng bạt ngàn, đốt 2 con bé sưng đỏ cả chân", bà Dương Thị Hồng Ninh nhớ lại.
Vượt lên để sống
Những ngày đầu, ông bà cuốc đất khai hoang, trồng sắn (mì) cứu đói và trồng cây ăn quả lâu năm. Thời điểm 1988 - 1989, ông bà trồng cây sả và vay mượn, mua dụng cụ làm dầu, nhưng cũng thất bại.
Nợ nần kèm với hoàn cảnh quá khó khăn, ông Dự tìm sang vùng Lục Yên (Yên Bái) làm thuê cho các chủ mỏ đá đỏ. Mấy năm trời chui rúc xuống lòng đất, vài lần sập hầm suýt chết, cuối năm 1991, ông nhận được lá thư do con gái Nông Thị Thùy Linh, vẻn vẹn mấy chữ: "Bố ơi bố về đi. Chúng con nhớ bố lắm".
Hôm ấy, ông đi bộ gần 60 km từ bãi đá về nhà. Qua hồ Thác Bà hết tiền, cởi cái áo để trả tiền phí đò, nhưng người lái đò không nhận, nên ông đi bộ vòng qua hồ, thêm 30 km nữa về nhà ôm 2 đứa con gái, khóc: "Từ nay bố ở nhà với 3 mẹ con, không đi đâu nữa".
Từ năm 1992, cựu chiến binh Nông Hải Dự tập trung trồng chè, trồng trọt, chăn nuôi. Vài ngày, ông lại đạp xe xuống Tuyên Quang mua củ từ về luộc, xâu thành từng dây để cô giáo Ninh đi bán dạo dọc quốc lộ 3.
"Có lần, đoàn văn công dưới Hà Nội lên, ăn thử thấy ngon, nên mua hết. Tôi về sớm, vừa đi vừa khóc vì lần đầu tiên được người ta cho thêm tiền, có thêm mấy đồng mua lạng thịt cho 3 bố con nó bồi dưỡng, vui quá chú ạ!", bà Ninh chấm nước mắt rồi cười: "Mình là giáo viên dạy bao nhiêu lứa học sinh, nhưng vẫn phải đi bán rong. Để ông ấy bán, thấy ai khổ quá là lại cho. Mấy lần về không, mất hết cả vốn lẫn lãi"…
Vượt lên cái sự nghèo khổ cơ hàn đến cùng cực, ông bà dần đủ ăn đủ mặc do bán được chè, nuôi gà đẻ trứng… Năm 1997, gia đình chính thức chấm dứt cảnh dột nát, vì ông dựng được căn nhà gỗ tạp.
Cái sự quý nhất của ông bà là thành tích học tập của 2 cô con gái. Nông Thị Thùy Linh được vào thẳng Đại học Y Hà Nội. Sau khi ra trường, được nhận vào công tác tại Bệnh viện Y Tân Triều. Cô út Nông Hồng Nhạn được tuyển thẳng vào lớp tài năng của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận học bổng đi học ở Đức và đã lập gia đình, đang sống ở Đức.
Đi tìm đồng đội
Từ năm 2013, cựu chiến binh Nông Hải Dự bắt đầu hành trình đi tìm lại phần mộ của các đồng đội hy sinh trong chiến tranh thống nhất đất nước. Vài năm sau, cô con gái Nông Thị Thùy Linh tặng lại bố bộ máy vi tính để bàn cũ, lập cho tài khoản Facebook và dạy cách vào mạng, lướt web, ông Dự dần quen và bắt đầu kết nối, tìm kiếm thông tin về liệt sĩ…
Suốt những năm qua, ông Dự đã tìm thấy hàng chục mộ liệt sĩ đưa về quy tập tại các nghĩa trang địa phương. Ông cũng tìm và sao chép thông tin được trên 500 mộ liệt sĩ trong cả nước, gửi cho các gia đình liệt sĩ và Hội Cựu chiến binh để phục vụ công tác tìm kiếm.
Năm 2023, cựu chiến binh Nông Hải Dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và là đại biểu duy nhất của tỉnh Tuyên Quang được biểu dương tại chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng" do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức đầu tháng 11.2023.
Diễn biến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới trên mặt trận Lào Cai
Sáng 17.2.1979, đối phương dùng pháo binh bắn phá một số địa bàn trong lãnh thổ Lào Cai, sau đó bộ binh có xe tăng hỗ trợ, chia làm 2 cánh: tiến công theo hữu ngạn sông Hồng đánh vào thị xã Lào Cai (nay là thành phố) và thị xã Cam Đường (nay là khu vực phía nam thành phố Lào Cai); theo tả ngạn sông Hồng đánh vào H.Mường Khương và khu vực xã Bản Phiệt, Phố Lu (H.Bảo Thắng).
Do bị quân và dân địa phương kiên quyết chặn đánh, ngày 19.2 quân Trung Quốc mới vào được thị xã Lào Cai; ngày 25.2, đối phương chiếm được thị xã Cam Đường. Được tăng cường lực lượng, ngày 5.3, đối phương chiếm Cốc San, Phố Lu và Sa Pa… Như vậy, sau 17 ngày tiến công trên hướng Lào Cai, đối phương tiến sâu được 40 km, nhưng không còn khả năng để tiếp tục tiến công do bị quân dân ta chặn đánh.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai
Theo Mai Thanh Hải - Tường Linh (TNO)