Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Trong Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP.Móng Cái, Quảng Ninh), có 2 tấm bia đá ghi tên 86 liệt sĩ hy sinh tại Pò Hèn (73 người hy sinh ngày 17.2.1979, 13 người hy sinh từ 1980 - 1991). Trong số đó, có một đôi nam nữ chuẩn bị làm đám cưới, đó là thượng sĩ Bùi Văn Lượng và nữ tự vệ Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Tượng đài liệt sĩ Pò Hèn
Tượng đài liệt sĩ Pò Hèn

Ra giêng anh cưới em

Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm sinh năm 1954, quê ở thôn 4, xã Bình Ngọc, H.Móng Cái (nay là TP.Móng Cái, Quảng Ninh). Năm 1971, chị Chiêm nhập ngũ vào Trung đoàn 8, Quân khu Tả Ngạn (nay thuộc Sư đoàn 395, Quân khu 3).

Năm 1975, chị Chiêm chuyển ngành về Hợp tác xã Mua bán H.Móng Cái, làm mậu dịch viên của cụm thương nghiệp Pò Hèn gần Đồn Công an vũ trang 209 (nay là Đồn biên phòng Pò Hèn, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh).

Ở Pò Hèn, chị Chiêm đã gặp và yêu thượng sĩ Bùi Văn Lượng (Bùi Anh Lượng), cán bộ đội vận động quần chúng của Đồn Pò Hèn. Thượng sĩ Lượng sinh năm 1955, quê ở xã Yên Hải, H.Yên Hưng (nay là TX.Quảng Yên, Quảng Ninh).

Ông Bùi Văn Huy (anh trai liệt sĩ Lượng, hiện ở TP.Hạ Long, Quảng Ninh) kể: "Tết Nguyên đán Kỷ Mùi 1979, Lượng dẫn Chiêm về quê giới thiệu và xin phép chuẩn bị làm lễ cưới. Cả nhà tôi sắm sửa trầu cau, háo hức chờ ngày ăn hỏi".

Cùng ngã xuống trên chiến hào

Chiều 16.2.1979, chị Hoàng Thị Hồng Chiêm lên kho Pò Hèn dọn dẹp hàng hóa. Xong việc, chị qua Đồn biên phòng Pò Hèn thăm người yêu Bùi Văn Lượng và ngủ lại Đồn.

Rạng sáng 17.2.1979, một trung đoàn bộ binh Trung Quốc chia làm 3 hướng tấn công vào các trận địa phòng ngự của Đồn biên phòng Pò Hèn. Ở hướng chính diện, Phó đồn trưởng Đỗ Sĩ Họa chỉ huy bộ đội kiên cường đánh trả 3 đợt tấn công của quân xâm lược. Hoàng Thị Hồng Chiêm, do đã trải qua 4 năm quân ngũ và đang là tự vệ nên cầm súng, lao ra chiến hào đánh địch.

Cán bộ và nhân dân TP.Móng Cái tri ân tại tượng đài nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm
Cán bộ và nhân dân TP.Móng Cái tri ân tại tượng đài nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm

Ở trận địa đồi Quế, anh Lượng và tiểu đội đối mặt với 1 tiểu đoàn bộ binh địch. Sau gần 3 giờ đồng hồ chỉ huy bộ đội đánh trả các đợt tấn công, không cho địch cô lập Đồn với hậu tuyến, anh Lượng thay thế vị trí của xạ thủ đại liên Đường Chống Quay vừa hy sinh. Khoảng 10 giờ sáng 17.2.1979, anh Lượng hy sinh và địch chiếm Đồi Quế.

Những cựu binh của Đồn Pò Hèn kể lại: Hoàng Thị Hồng Chiêm dùng các loại vũ khí, cơ động khắp trận địa đánh địch. Bị thương vào tay trái, chị vẫn không chịu để y tá Khổng Tiến Dũng băng bó, trụ lại chiến đấu và hy sinh khoảng 11 giờ ngày 17.2.1979.

Tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn chụp hình lưu niệm, tháng 12.1978
Tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pò Hèn chụp hình lưu niệm, tháng 12.1978

Khi đạn đã hết, bộ đội Đồn biên phòng Pò Hèn xông lên đánh giáp lá cà. Những phút cuối cùng, vô tuyến điện của đồn bị hỏng, chiến sĩ cơ yếu Đoàn Tiến Phúc nhận lệnh tiêu hủy tài liệu mật. Chưa kịp thực hiện thì bị trúng đạn, chiến sĩ Phúc dùng hết sức cất giấu tài liệu và hy sinh cùng chính trị viên Nguyễn Xuân Tảo.

11 giờ 30 ngày 17.2.1979, đối phương chiếm Đồn Pò Hèn. Bên ta, 45 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và 28 dân quân tự vệ hy sinh. 11 chiến sĩ của Đồn phần nhiều bị thương, tìm cách ẩn náu và rút về phía sau.

38 năm sau ngày anh Lượng và chị Chiêm hy sinh, tháng 8.2017, gia đình liệt sĩ Bùi Văn Lượng ra Móng Cái gặp gia đình liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và tổ chức lễ rước dâu về TP.Hạ Long. Lễ cưới của 2 liệt sĩ rất đơn sơ dưới sự chứng kiến của họ hàng 2 bên và các đồng đội cũ.

Bộ đội Đồn biên phòng Pò Hèn kể lại gương chiến đấu hy sinh của các liệt sĩ
Bộ đội Đồn biên phòng Pò Hèn kể lại gương chiến đấu hy sinh của các liệt sĩ

Ông Bùi Văn Huy kể: "Đám cưới không có cô dâu chú rể, chỉ có 2 khung ảnh liệt sĩ hy sinh. Hôm ra Móng Cái, nhà trai chúng tôi đem lễ và ảnh của Lượng đến xin dâu và gửi lại nhà gái khung ảnh ấy, làm thủ tục trao rể. Khi về Hạ Long, chúng tôi rước ảnh chân dung của cô dâu Hoàng Thị Hồng Chiêm về và từ đó, trên bàn thờ có thêm di ảnh em dâu"…

Tấm gương sáng mãi

Sự hy sinh của đôi vợ chồng Bùi Văn Lượng và Hoàng Thị Hồng Chiêm đã trở thành bất tử. 5 ngày sau khi anh chị hy sinh (19 giờ 30 ngày 22.2.1979), Đài Tiếng nói VN đã lần đầu tiên phát thanh bài hát Bông hoa Hồng Chiêm do nhạc sĩ Dân Huyền sáng tác. Tháng 8.1979, tác giả Tống Khắc Hài cũng ra mắt truyện ký Hoàng Thị Hồng Chiêm. Năm 1979, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh truy tặng Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc cho liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm khi đang tại ngũ
Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm khi đang tại ngũ

Đặc biệt, năm 1988, Trường liên cấp 1 - 2 Bình Ngọc (TP.Móng Cái, Quảng Ninh) được mang tên nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm. Tuy nhiên, tháng 6.1998, Sở GD-ĐT Quảng Ninh đã đổi tên thành Trường THCS Bình Ngọc.

Di ảnh liệt sĩ Bùi Văn Lượng
Di ảnh liệt sĩ Bùi Văn Lượng

Hiện tại, trong khuôn viên Trường THCS Bình Ngọc (cũ) vẫn còn giữ nguyên tượng đài liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm (được xây dựng từ năm 1982) và cuối năm 2023 đã được cải tạo, nâng cấp, trở thành địa chỉ tri ân của người dân… (còn tiếp)

Ngày 13.2.1979, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) ra lệnh báo động cấp 1. Chấp hành lệnh trên, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh đã triển khai nhiệm vụ tới từng cán bộ, chiến sĩ.

Ta nhận định tình hình tạm yên ổn và dự định 7 giờ sáng 17.2.1979 sẽ khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ Tiểu khu 76. Tuy nhiên, 5 giờ 30 sáng 17.2.1979, trời mùa đông biên giới còn chưa sáng, trên toàn tuyến biên giới Quảng Ninh từ Hải Hòa, Móng Cái đến Thán Phún, Pò Hèn, đối phương bắn phá dữ dội vào các Đồn biên phòng 211, 212, 210, 209 và các đội công nhân lâm nghiệp, khu dân cư.

Ở cửa khẩu Móng Cái, chiến sĩ Hoàng Như Thường làm nhiệm vụ canh gác ở cầu Bắc Luân, như thường lệ trèo lên cổng trạm biên phòng treo cờ Tổ quốc thì bị súng trung liên từ Đông Hưng (Trung Quốc) bắn sang làm bị thương. Tiếp đó, các loại pháo từ Trung Quốc nã dồn dập vào Đồn biên phòng 211, nhà máy sứ Móng Cái, khu dân cư thị trấn, Đồn 212, các xã Hải Hòa, Xuân Hải, Đoan Tĩnh.

(Trích: Lịch sử Bộ đội biên phòng Quảng Ninh)

Theo Mai Thanh Hải - Tường Linh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.