Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 1: Cánh cửa thép Lạng Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đồng Đăng - một thị trấn nhỏ nằm giáp biên giới Việt - Trung, luôn là địa đầu bảo vệ cương vực, lãnh thổ. Lịch sử đã ghi nhận, quân và dân nơi đây là lá chắn thép, sẵn sàng chiến đấu, giữ nước, giữ làng.

Trận đầu đánh thắng

Đầu tháng 7/1978, Trung đoàn 12 (Tây Sơn), Sư đoàn 3 có mặt tập kết quanh thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), đảm nhiệm phòng ngự, bảo vệ thị xã Lạng Sơn.

Bốn tân binh đứng hàng trên cùng bức ảnh thì hai anh Trần Đăng Thảo, Nguyễn Quốc Công (bìa phải) đã hy sinh tại Lạng Sơn ngày 17/2/1979. Ảnh tư liệu.
Bốn tân binh đứng hàng trên cùng bức ảnh thì hai anh Trần Đăng Thảo, Nguyễn Quốc Công (bìa phải) đã hy sinh tại Lạng Sơn ngày 17/2/1979. Ảnh tư liệu.

Đại tá Đặng Tố Kim, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1 chia sẻ: Ngày đó, tôi là cán bộ tác chiến Trung đoàn 12 có mặt tại tuyến đầu biên giới từ rất sớm. Ngày 17/2/1979 như thường lệ, hàng ngày cứ vào buổi sáng sớm, khi con chim rừng chưa thức, tiếng kẻng báo thức của đơn vị chưa dứt thì bỗng nhiên từng loạt pháo của quân Trung Quốc từ bên kia biên giới trút xuống Đồng Đăng ầm ầm, làm rung chuyển đất trời. Trong lúc đạn nổ sáng chớp cả vùng biên giới thì từ Sở chỉ huy Trung đoàn vang dồn tiếng kẻng báo động. Lập tức, chiếc xe ô tô của Trung đoàn chạy lên mạn biên giới, ngược chiều với đoàn người dân đang gồng gánh sơ tán với nhiều cụ già, trẻ nhỏ xuôi về mạn Khánh Khê, thị xã Lạng Sơn. Đạn pháo nổ hai bên đường, mảnh văng tứ tung. Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Khánh nhắc nhở lái xe bình tĩnh, chắc tay lái và đi cẩn thận để đảm bảo an toàn cho nhân dân…

“Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã chiến thắng, non sông được vẹn toàn. Chiến thắng ấy một lần nữa thể hiện tinh thần quật cường của một dân tộc anh hùng…”.

Thượng tướng Ngô Minh Tiến, nguyên Tư lệnh Quân khu 1

Sau khoảng một giờ nã pháo tập trung vào các điểm tựa tiền duyên và trung tâm thị trấn Đồng Đăng, khu vực Bản Thẩu, Tân Thanh… quân xâm lược chuyển làn hỏa lực chi viện cho bộ binh, xe tăng ồ ạt tấn công sang đất ta. Mọi tình huống đúng như dự báo của Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Khánh, địch ào ào xông lên hòng đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng và các điểm cao xung quanh thị trấn với ý đồ tham vọng chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ, chúng sẽ chiếm gọn thị xã Lạng Sơn…Khi quân địch vừa vượt qua biên giới ngay lập tức bị hỏa lực của ta dội bão lửa vào đội hình bộ binh, xe tăng của chúng. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng Công an vũ trang đồn Hữu Nghị, đồi Pò Cốc Pung, điểm cao 371, Nà Pàn cùng với dân quân xã Bảo Lâm và lực lượng Trung đoàn 12 kiên cường đẩy lui hơn 10 đợt tấn công của quân xâm lược.

Tướng lĩnh, sỹ quan- cựu chiến binh Sư đoàn 3 về xứ Lạng tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc năm 1979. ảnh: Duy Chiến
Tướng lĩnh, sỹ quan- cựu chiến binh Sư đoàn 3 về xứ Lạng tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc năm 1979. ảnh: Duy Chiến

Theo Đại tá Kim, sau khi địch tấn công vào Lạng Sơn, các lực lượng vũ trang của ta đã nhanh chóng bố trí quân số để củng cố và sẵn sàng nghênh địch tại pháo đài Đồng Đăng. Thấy rõ vị trí tầm quan trọng của pháo đài, không chỉ khống chế toàn bộ khu vực rộng lớn mà còn là nơi bảo tồn lực lượng chiến đấu tốt nhất nên quân Trung Quốc tập trung tổng lực gồm nhiều xe tăng, xe kéo pháo, xe chở bộ binh ùn ùn tiến đến điểm cao trọng yếu này như muốn nuốt chửng pháo đài…

Bốn người mất hai

Trong không khí thiêng liêng của đất trời vừa sang xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi hành hương về pháo đài Đồng Đăng. Trong dòng người về đây thắp tâm nhang, tưởng nhớ những chiến sỹ hy sinh, đồng bào tử nạn để bảo vệ pháo đài, tôi gặp đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 đến tưởng nhớ, tri ân đồng đội. Ông Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1960), trú tại phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nắm chặt tay ông Nguyễn Thế Linh (SN 1960, cùng quê) tiến đến pháo đài, rưng rưng lệ.

Các cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Linh (Hà Nội) trở lại pháo đài Đồng Đăng thăm thắp nhang cho đồng đội. Ảnh: Duy Chiến.
Các cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Linh (Hà Nội) trở lại pháo đài Đồng Đăng thăm thắp nhang cho đồng đội. Ảnh: Duy Chiến.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn đưa cho tôi xem bức ảnh đen trắng chụp những người lính mặc quân phục nom còn mới. Những gương mặt trẻ trung, nhiệt huyết. Ông Sơn chỉ cho thấy 4 người ở trên cùng của bức ảnh rồi nói nhỏ: “Đây là bức hình chụp đồng đội của tôi trước sự kiện cuộc chiến tháng 2 năm 1979. Trong này, có 4 người chụp đứng hàng trên cùng gồm: Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Linh đứng bên trái ảnh còn sống, còn hai anh Nguyễn Quốc Công và Trần Đăng Thảo (đều sinh năm 1960), đứng bên phải đã hy sinh trong ngày 17/2/1979”.

Ông Sơn kể lại câu chuyện bi hùng của nhóm bạn cùng quê ở Hà Nội và chung học một lớp 9J, Trường cấp 3 Thăng Long, Hà Nội và cùng nhập nhập ngũ ngày 15/5/1978. Sau khi huấn luyện quân sự tại Lục Ngạn, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang), tháng 7/1978 cả 4 người bạn cùng tân binh hành quân lên xứ Lạng. Đến nơi, mỗi người được biên chế vào các đơn vị khác nhau thuộc Sư đoàn 3 Anh hùng. Anh Sơn làm lính thông tin Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12; anh Linh và anh Thảo là lính trinh sát Trung đoàn 68 và Trung đoàn 12, còn anh Công vào đơn vị bộ binh Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 12.

“Từ 5 giờ sáng 17/2/1979, nghe tiếng pháo nổ vang rền ở biên giới, Tiểu đội 4 thông tin chúng tôi lập tức chia làm 2 tổ đi tới các Đại đội tiền phương phục vụ chiến đấu. Ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi còn đảm trách việc sơ cứu, di chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Khi pháo đài Đồng Đăng đang diễn ra các trận đánh ác liệt, chúng tôi được lệnh, hằng trưa, tối bí mật mang cơm nắm, lương khô từ ngã tư Hồng Phong lên tiếp tế và cõng thương binh xuống đồi cấp cứu. Bộ đội của ta thương vong khá nhiều. Riêng Tiểu đoàn của tôi đã có khoảng 200 người hy sinh, 150 chiến sỹ bị thương…”, ông Sơn nghèn nghẹn kể lại.

Theo lời của ông Sơn, ngay sáng 17/2/1979, anh Trần Đăng Thảo cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu và đã hy sinh tại mặt trận bảo vệ thị trấn Đồng Đăng dưới chân núi Con Voi đầu phố. Anh Nguyễn Quốc Công ngã xuống ở trận địa phía nam cống ba cửa Tân Thanh.

…Những người lính tuổi 18, đôi mươi ngày xưa nay tóc đã bạc, lưng đã còng nhưng khi trở lại với chiến trường xưa thì nhanh nhẹn lạ thường. Tôi nhác thấy những đôi mắt các cựu chiến binh nặng trĩu những nỗi niềm, thương nhớ anh em đồng chí, đồng đội đã nằm xuống nơi cửa thép xứ Lạng. Tôi loáng thoáng nghe tiếng mõ tụng kinh và những bài ca hào sảng của những người giữ đất biên cương: “Theo những cánh hoa lê ngát trắng rừng/ Theo đường hương thơm rừng hồi biên giới/ Em đã gặp những chốt cao vời vợi/ Gặp sư đoàn cánh cửa thép Lạng Sơn” (trích thơ Tuấn Long).

(còn nữa)

Theo Nguyễn Duy Chiến (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Ngôi làng ấy trải qua những năm tháng đau thương và hào hùng của chiến tranh, ngôi làng ấy cũng sinh ra người nữ anh hùng đặc biệt. Mấy mươi năm ngày đất nước thống nhất, làng anh hùng đã thay da đổi thịt, và người nữ anh hùng cũng đã bạc trắng mái đầu.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.