Hoa xuân nở phía non ngàn...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mùa xuân năm thứ 10, tôi ngược núi đúng vào sáng mùng 1 Tết. Gần như lần nào trở về, tôi cũng chọn cho riêng mình hành trình “hái nụ hoa xuân” đầy thú vị.

Đó là khi chúng tôi gần nhau, cùng nhau chứng kiến những hình ảnh đẹp đẽ được sẻ chia từ cộng đồng dưới ngọn núi Trường Sơn Đông.

psdd.jpg
Già Bríu Pố (bên phải) đến thăm, chúc tết gia đình Pơloong Plênh và gửi gắm nhiều câu chuyện về bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

1. Tôi ngắm thật lâu bức ảnh chụp chung giữa nhà nghiên cứu Pơloong Plênh và nghệ nhân Bríu Pố - cả hai đều ở xã Lăng (Tây Giang) vào hồi mùng 2 Tết. Lòng lại liên tưởng đến câu chuyện văn minh rừng vừa được nghe già Bríu Pố kể vài tháng trước.

Cách đó ít ngày, Pơloong Plênh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang nhắn với tôi, chừng giữa tháng Giêng âm lịch này, địa phương sẽ tổ chức lễ khai năm Tạ ơn rừng.

Cuộc ghé thăm của già Bríu Pố không gì khác ngoài động viên những người trẻ có tâm huyết về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu, như Pơloong Plênh tiếp nối truyền thống. Đây được xem là tâm nguyện và cũng là mong mỏi của vị già làng người Cơ Tu nay đã bước sang tuổi 76.

Nhắc đến mẹ rừng, mắt già Bríu Pố như sáng lên, nhất là khi nghe thông tin về lễ hội khai năm Tạ ơn rừng sắp sửa diễn ra với quy mô toàn huyện.

Già Bríu Pố nói, người Cơ Tu xem rừng như mẹ hiền. Không chỉ là nơi cư ngụ vững chắc, suốt hàng trăm năm sinh tồn, rừng luôn che chở cộng đồng Cơ Tu đi qua dông bão cuộc đời, nhất là trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

“Và cũng chính mẹ rừng đã ban tặng cho người Cơ Tu nguồn sống, có đất để trồng lúa, có cá suối để ăn và đặc biệt là có nguồn nước trong mát để duy trì sự sống. Vì thế, giữ rừng là giữ nguồn năng lượng, giữ nơi cư ngụ của thần linh trước sự xâm hại của con người” - già Bríu Pố tâm sự.

Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang Pơloong Plênh nói, sự hiện diện của già Bríu Pố, ngoài thăm và chúc tết gia đình, còn mang đến “món quà” tinh thần đặc biệt ý nghĩa. Đó là sự gửi gắm niềm tin, xoay quanh câu chuyện động viên người trẻ như Pơloong Plênh tiếp tục góp sức bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu đến gần với du khách và cộng đồng.

Trước sự phát triển tất yếu của xã hội, những tác động từ bên ngoài đang khiến bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền. Điều đó, dễ nhận thấy nhất ở ngôn ngữ, trang phục và các nghi lễ truyền thống...

“Ở Tây Giang, già Bríu Pố được xem như “bảo tàng sống” trong công tác bảo tồn văn hóa. Vì thế, những trăn trở và kỳ vọng của già như một sự truyền lửa, tạo động lực thôi thúc những người trẻ như mình nỗ lực hơn nữa trong việc góp sức bảo lưu các giá trị truyền thống tốt đẹp. Ngày tết, có món quà nào hơn thế nữa!” - Pơloong Plênh chia sẻ.

2ps.jpg
Đồng bào Cơ Tu ở thôn Voong (xã Tr’Hy, Tây Giang) chia phần thịt cho thành viên của làng nhân dịp ăn tết chung. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

2. Câu chuyện về “món quà tinh thần” của Pơloong Plênh làm tôi nhớ đến vẻ mặt tươi vui của mẹ lúc bà khoe nhận được quà lì xì của con cháu trong dịp tết năm nay.

Món quà mẹ nhận được không phải là những phong bao thường thấy, mà là các tấm choàng thổ cẩm, vòng mã não, chiếc gùi mây... mừng tuổi. Từng món vật “lì xì” đặc trưng này, mang rất nhiều ý nghĩa nhân văn mà người Cơ Tu bao đời nay vẫn gìn giữ.

Mẹ tôi nói, người Cơ Tu rất coi trọng tình cảm. Vào những dịp đón Tết Nguyên đán, ngoài dành cho nhau lời chúc “ma mông ca’rơ” (mạnh khỏe), họ thường “lì xì” khách quý, đặc biệt là trẻ nhỏ và người lớn tuổi bằng những món vật mang giá trị văn hóa cộng đồng. Đây vừa thể hiện sự hiếu khách, vừa gửi gắm thông điệp chúc phúc một năm mới an lành, may mắn.

Năm ngoái, vợ chồng tôi đến thăm tết gia đình một người em trong làng. Trước lúc ra về, gia chủ lấy từ trong chiếc ché một tấm thổ cẩm truyền thống Cơ Tu ra tặng.

Món quà đó, bây giờ vợ chồng tôi vẫn còn giữ, mỗi lần nhớ quê lại lấy ra ngắm nghía cho thỏa cơn... thèm. Và dịp tết năm nay, quà “lì xì” năm mới vợ tôi nhận được, có thêm những chiếc vòng mã não và chiếc mâm được đan bằng mây rừng rất đẹp mắt. Chiếc mâm do chính tay anh rể tôi đan, dành riêng để tặng khách trong dịp đón xuân mới...

Nhớ ngày trước tết, một người bạn gửi cho tôi bức hình chụp lại cảnh người dân thôn Voong (xã Tr’Hy, Tây Giang) chia nhau từng phần thịt trong chương trình ăn tất niên chung cộng đồng.

Một hàng dài lá chuối được xé nhỏ, xếp ngay ngắn, rồi chia đều phần thịt, trước khi phân công người trẻ mang đến tận các hộ gia đình. Anh Clâu Hoài, người dân ở thôn Voong cho hay, không chỉ tết, gần như tất cả sự kiện chung của cộng đồng, người Cơ Tu địa phương đều chia nhau từng phần thịt.

Tập tục đẹp này trở thành văn hóa tiêu biểu, gắn kết cộng đồng Cơ Tu và được duy trì từ nhiều năm qua. Ngoài phần thịt cho tất cả thành viên trong làng, đồng bào còn chia phần cho cả đứa trẻ còn đang trong bụng mẹ và thành viên vừa mới qua đời chưa giáp năm.

“Tết là chung cho cả cộng đồng, vì thế tất cả thành viên trong làng đều được chia phần. Dù chỉ vài miếng thịt nhưng thể hiện tình cảm quý báu và sự sẻ chia, gắn kết trong cộng đồng Cơ Tu” - Clâu Hoài bộc bạch.

3ps.jpg
Đoàn viên thanh niên xã Phước Công (Phước Sơn) giúp hộ dân khó khăn gieo cấy vụ mùa đông - xuân trước tết. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Cận tết, nhiều người dân ở xã Phước Công (Phước Sơn) bày tỏ cảm động khi chứng kiến hàng chục thanh niên địa phương lội bùn giúp hộ dân gieo cấy mạ vụ mùa đông - xuân.

Chị Nguyễn Thị Trâm - Bí thư Xã đoàn Phước Công cho biết, đợt thiện nguyện năm mới này giúp hộ ông Hồ Văn Yêu (thôn 1, bị liệt người) gieo khoảng 2 sào ruộng lúa nước. Cận tết nên hàng xóm đều bận, nắm thông tin, Xã đoàn huy động lực lượng thanh niên tìm đến hỗ trợ, giúp sức, trao niềm vui cho hộ khó khăn trong dịp đón năm mới.

3. Tôi không thể ngồi im được nữa khi chứng kiến căn nhà cũ nát của cụ bà Alăng Thị Đhơớp sống dưới chân núi Bhlô Bền (xã Sông Kôn, Đông Giang) mập mờ trong ánh đèn điện đã gần chục năm chưa thay bóng. Đó là đêm mùng 3 Tết, lúc vợ chồng tôi dẫn sắp nhỏ đến thăm bà, như một thói quen mỗi dịp ngược núi.

Tối hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ được. Chỉ mong trời sáng để chạy ra ngoài quán tạp hóa phía bên kia quốc lộ mua vài bóng đèn và đường dây điện, mang đến sửa “nguồn sáng” cho căn nhà của bà Alăng Thị Đhơớp.

May thay, sau tết, cửa hàng lớn nhất tại trung tâm xã Sông Kôn đã mở cửa đón khách. Tôi cùng một người bạn ở Bhlô Bền tìm đến, bất đắc dĩ làm thợ điện trong niềm vui của cả chủ lẫn khách.

Bà Alăng Thị Đhơớp thuộc hộ neo đơn, chồng mất cách đây gần 20 năm, sống trong căn nhà nhỏ được xây dựng bằng nguồn hỗ trợ của nhà nước.

Nhiều năm trước, vì thương cảm với hoàn cảnh của bà, một đơn vị lâm nghiệp tại địa phương hỗ trợ kéo dây điện và lắp đặt bóng đèn chiếu sáng. Sau thời gian dài sử dụng, bóng đèn bị ám khói bếp nên ánh sáng rất yếu, chỉ lờ mờ như đèn dầu.

Mùng 4 Tết, hì hục gần 1 giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành công đoạn thay bóng đèn và kéo đường dây điện mới, giúp bà Alăng Thị Đhơớp có ánh sáng sinh hoạt.

Niềm vui hiện hữu trên gương mặt, bà Alăng Thị Đhơớp nói đây là món quà quý giá mà bà nhận được trong dịp tết năm nay. Để cảm ơn những vị khách, từ trên gác bếp, bà lấy ra 2 bó thịt khô xông khói mang tặng. Chúng tôi khéo léo từ chối để tránh bà bị hẫng hụt tâm lý...

Theo Ghi chép của ALĂNG NGƯỚC (baoquangnam.vn)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null