Nhân sự kiện pháo đài đồng đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 2: Khúc tráng ca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc diễn ra khốc liệt tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc vào rạng sáng ngày 17/2/1979. Cam go, ác liệt nhất là trận chiến ở pháo đài Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn).

Những chiến tích, nhân chứng còn lại của cuộc chiến đã chứng minh quân dân ta bước vào cuộc chiến đấu mới với tinh thần anh dũng, kiên cường, quyết bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.

5 ngày tử thủ

Trong cơn mưa xuân giăng mắc, nhiều đoàn người trong đó có những thân nhân người đã hy sinh, tử nạn ở pháo đài và nhiều cựu chiến binh- những người đã chiến đấu nơi đây đã đến thắp tâm nhang cho đồng đội đã yên nghỉ.

Chúng tôi ngước nhìn lên tầng cao pháo đài. Điểm cao này nằm cạnh ga quốc tế Đồng Đăng và quốc lộ 4A dẫn vào thị trấn miền biên viễn. Đây là điểm cao trọng yếu, có thể bao quát thị trấn và cả một vùng xung quanh. Muốn tiến vào chiếm thị xã Lạng Sơn, quân bành trướng Trung Quốc buộc phải tiêu diệt được pháo đài này.

Chiến sỹ Lạng Sơn kiên cường bám trụ, đánh địch (ảnh tư liệu chụp tháng 2 năm 1979)
Chiến sỹ Lạng Sơn kiên cường bám trụ, đánh địch (ảnh tư liệu chụp tháng 2 năm 1979)

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nông Văn Phjeo (SN 1957), dân tộc Nùng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, mỗi độ xuân về, trong ký ức nhớ rõ tất cả các trận đánh, lúc nào cũng nghĩ về những người đồng đội của mình. Những gương mặt trẻ trung, thân thuộc hiện lên rõ nét…

Rạng sáng 17/2/1979, quân xâm lược bắn pháo từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Pháo đài Đồng Đăng là một trong những điểm đầu tiên định đánh đòn phủ đầu với đạn pháo, xe tăng, lính tráng ào ạt xông vào trận địa của ta. Ông Nông Văn Phjeo nhớ và kể lại: “Ngày đó, tôi công tác tại Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Cao Lạng đóng quân tại thị trấn Đồng Đăng. Khoảng hơn 4 giờ sáng 17/2/1979, khi hàng loạt đạn pháo từ bên kia biên giới bắn sang dồn dập, chỉ huy đơn vị lập tức hô hào báo động, lệnh cho anh em vào vị trí chiến đấu. Không kịp rửa mặt đánh răng, anh em cầm súng chạy lên pháo đài, vào các vị trí sẵn sàng chiến đấu. Cuộc chiến hôm ấy vô cùng khốc liệt khi tương quan lực lượng chênh lệch. Anh em chiến sĩ của ta còn rất trẻ, hầu hết là hạ sĩ, binh nhất, binh nhì, vũ khí thì chỉ có những khẩu súng thô sơ còn phía quân xâm lược có pháo hạng nặng, xe tăng yểm trợ hùng hổ dàn quân tiến lên pháo đài”.

Đại tá Nông Văn Phjeo thăm lại pháo đài Đồng Đăng
Đại tá Nông Văn Phjeo thăm lại pháo đài Đồng Đăng

Theo ông Phjeo, đội hình chiến đấu của ta bao gồm Đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn và Đại đội bộ binh của Sư đoàn 3 (Quân khu 5) phối hợp triển khai ra ngoài chiến hào để chiến đấu. Đại đội bộ binh phụ trách phía Bắc và phía Đông pháo đài, còn Đại đội 5 phụ trách phía Nam và phía Tây pháo đài. Ngày đó, một số chỉ huy và anh em đi họp, công tác để triển khai nhiệm vụ, diễn biến mới ở biên giới, cả đơn vị trực chiến chỉ còn lại khoảng hơn 50 người.

Khoảng 6 giờ 30, quân xâm lược vây kín dưới chân pháo đài dùng hỏa lực từ pháo, xe tăng bắn từ dưới chân pháo đài lên. Phía biên giới, pháo binh tiếp tục nhắm vào trận địa. Quân địch đông như kiến cỏ, chúng từ bờ ruộng tràn lên, quân ta ở trên đỉnh cao bắn xuống tiêu diệt hết lớp này lại đến lớp khác. Trong đợt tấn công thứ hai, Đại đội trưởng Đại đội 5, Trần Hà Bắc - người chỉ huy pháo đài đã anh dũng hy sinh, sau đó Trung úy Hoàng Quốc Hội lên thay chỉ huy chiến đấu ngoan cường nhưng cũng hy sinh sau trận chiến. Nhiều chiến sĩ ở phía Tây và phía Nam pháo đài cũng đã ngã xuống bởi đạn pháo của địch...

“Đến 9 giờ sáng, quân Xâm lược lại xông lên lần thứ ba. Đến trưa, bộ đội ta ở bốn hướng của pháo đài vẫn kiên cường đánh chặn, địch không lên được, phải dạt xuống bờ suối. Tôi là xạ thủ khẩu đội đại liên 12 li 7 nhiều lúc bắn đạn đỏ cả nòng mà quân địch vẫn đông trước mặt. Ở phía tây, quân Xâm lược dùng 7 xe tăng tiến về chân pháo đài. Binh nhất Lê Minh Trường, xạ thủ B40, vượt ra khỏi chiến hào, nằm dưới lùm cây bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu. Anh bắn tiếp quả đạn thứ hai thì trúng xích một xe tăng địch khiến nó lật ngửa. Năm chiếc xe tăng đi sau lùi lại. Quân địch cho bộ binh tràn lên. Khi anh Trường quay lại chiến hào để lấy quả đạn thứ ba bắn tiếp thì bị trúng đạn, hy sinh ngay tại chiến hào… Tối 18/2, lực lượng trinh sát của Sư đoàn 3 Sao Vàng mở đường máu đưa thương binh, những người ốm yếu và một số người dân Đồng Đăng về tuyến sau. Những người còn khỏe vẫn ở lại tiếp tục chiến đấu…Cuộc chiến tiếp tục diễn ra khốc liệt những ngày sau đó, địch không thể chiếm được pháo đài trong ngày đầu như dự kiến và tổn thất lực lượng, vũ khí rất nhiều. Sau hai ngày, sáng 19/2, quân Xâm lược lại tràn lên tấn công trong khi đó phía ta vũ khí ít ỏi, quân số còn lại không nhiều. Chiều ngày 21/2, pháo đài bị trúng pháo tan nát, tôi bị sức ép của đạn pháo, ngất đi. Khi tỉnh dậy đã thấy nhiều đồng đội quanh mình hy sinh nằm xung quanh”, ông Phjeo xúc động kể.

Nghe nhân chứng lịch sử cuộc chiến 1979 kể chuyện giữ pháo đài Ảnh: Duy Chiến
Nghe nhân chứng lịch sử cuộc chiến 1979 kể chuyện giữ pháo đài Ảnh: Duy Chiến

“Chiến tranh kết thúc, đơn vị tham gia chiến đấu ở pháo đài Đồng Đăng và cả 6 chiến sĩ còn sống đều được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Thoát nạn thần kỳ

Bước sang ngày thứ 5, bên trong pháo đài im lặng đến ghê người. Bị đánh tơi bời nên quân Xâm lược không dám tiến sâu vào bên trong pháo đài mà dàn quân chặn hết đường ra, bắc loa gọi đầu hàng bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Không ai chịu ra, chúng ném lựu đạn cay xuống hầm. Gió thổi hơi cay vào khiến mọi người ho sặc sụa nhưng anh em quyết tâm không đầu hàng, sẵn sàng hy sinh.

Không thể khuất phục được những người lính Việt Nam, đêm 21/2, quân địch dùng bộc phá đánh sập pháo đài. Nhiều thương binh và hàng trăm người dân trú ẩn dưới hầm đã thiệt mạng.

“Trong khi đói, khát và cái lạnh từ hang phả ra, khoảng chục người còn sống sót trong pháo đài nắm chặt tay nhau, bàn cách vượt ra ngoài. Những người có sức khỏe thì bới đất tìm ánh sáng. Tất cả đều bằng sức lực cuối cùng để cào, bới đất đến bật móng tay. Tôi dán lưng nằm nghiêng sườn giữ cho tim khỏi lạnh cứng, ngừng đập, tay chân rời rã như muốn lìa khỏi thân. Khi đó, một số anh em thương binh không trụ được đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi mất, họ ngước nhìn về phía xa xa như chỉ đường sống cho người ở lại. Lúc này, 8 anh em lính tráng còn sức lực thay phiên nhau đào, cào bới đất… Rạng sáng ngày thứ 6 (ngày 23/2/1979), mọi người đào trúng một cục đá lớn cùng một rễ cây. Thế là mọi người reo lên khe khẽ, ôm nhau khóc...”, ông Nông Văn Phjeo thuật lại.

Theo trí nhớ của ông Nông Văn Phjeo, từ lối thoát hiếm hoi này, người trước kéo người sau, tổng số 6 người thoát khỏi pháo đài và chạy tản ra các hướng đề phòng địch phục kích. May mắn sau đó, mọi người đều gặp được quân đội ta đang tăng cường lên chiến đấu ở biên giới.

(còn nữa)

Xứ Lạng, tháng 2 năm 2025

N.D.C

Theo Nguyễn Duy Chiến (TPO)

Có thể bạn quan tâm

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.

Người gieo ánh sáng yêu thương

Người gieo ánh sáng yêu thương

Bị khiếm thị từ nhỏ, song Lã Minh Trường, sinh năm 2001, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật TP Hà Nội, đã vươn lên trong học tập, thi đấu thể thao và tích cực hoạt động công tác xã hội trong 5 năm qua.

Thiếu tá Lê Đăng Huy (bìa phải)-Bếp trưởng Tổ phục vụ tàu Trường Sa 21 và Hạ sĩ Phạm Hồng Sơn chuẩn bị bữa cơm tối. Ảnh: Q.T

Những “anh nuôi” trên tàu Trường Sa 21

(GLO)- Nấu ăn là công việc không hề đơn giản với nhiều người, nhất là trong điều kiện chông chênh giữa bốn bề sóng vỗ. Thế nhưng, những “anh nuôi” trên tàu Trường Sa 21 vẫn nỗ lực khắc phục khó khăn, đều đặn cung cấp cho đoàn công tác những bữa ăn ngon, đảm bảo dinh dưỡng trong suốt hải trình dài.

Chàng trai trẻ với dự án 'Cho em'

Chàng trai trẻ với dự án 'Cho em'

Lớn lên trong tình thương của bà nội, thấu hiểu nỗi cơ cực, vất vả của tuổi thơ, Thạch Ngọc Hải đã sáng lập dự án “Cho em” với mong muốn hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường, đặc biệt là trẻ em ở vùng biên giới Tây Nam.

Lửa và Chiêng

Lửa và Chiêng

Đêm ấy, trong buôn làng người Mạ, nằm giữa sàn nứa trong ngôi nhà dài của vợ chồng người già K’Noi - Ka Lý, tôi hiu hiu giấc trong âm hưởng đại ngàn. Bên ngoài vách nứa là tiếng gió vờn qua những trảng cỏ tranh, là tiếng thú đi hoang khắc khoải gọi bầy. Giữa khuya, tôi bất chợt tỉnh giấc.

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Từ bé tôi đã thuộc lòng câu ru của mẹ rằng: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Nghe chả hiểu gì nhưng tôi vẫn chìm trong giấc ngủ với những giọt nước mắt ngày ấy.

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

Từ cảng Ghềnh Võ, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) chúng tôi phóng cano cưỡi sóng gần 1 tiếng đồng hồ để ra đảo Trần – hòn đảo nằm phía Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, nơi được ví như Trường Sa của vùng biển Đông Bắc. 6 năm mới quay trở lại, hòn đảo tiền tiêu vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.