TS LÊ NHẬT KÝ: Tôi tin, mảng văn học thiếu nhi sẽ còn bứt phá mạnh…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong không gian nghiên cứu văn học đương đại, dòng chảy lý luận thường hướng về các khuynh hướng của văn học dành cho người trưởng thành, TS Lê Nhật Ký lặng lẽ đi trên lối hiếm người theo: Nghiên cứu văn học thiếu nhi.

Suốt gần 2 thập niên, cần mẫn đào xới, kiến tạo nền tảng lý luận cho lĩnh vực vốn có ít tác giả theo đuổi, ông góp phần định hình bản đồ nghiên cứu cho thế giới hồn nhiên, đa sắc này.

BAO QUÁT MỘT DÒNG CHẢY

Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, TS Lê Nhật Ký nắm bắt tường tận dòng chảy của văn học thiếu nhi qua nhiều thời kỳ, đặc biệt, ông dành nhiều tâm huyết cho truyện cổ tích hiện đại.

2.jpg
TS Lê Nhật Ký trò chuyện với tác giả về văn học thiếu nhi. Ảnh: TRẦN HƯNG ĐẠO

Gần 20 năm chú tâm nghiên cứu văn học thiếu nhi

- Năm 1998, tôi ra Hà Nội dự Hội thảo về Văn học trẻ em do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Lần đó, tôi gặp PGS.TS Vân Thanh (Viện Văn học), một chuyên gia về lĩnh vực văn học thiếu nhi. Tôi đã được cô Vân Thanh khuyến khích đi sâu nghiên cứu về mảng văn học này. Vậy rồi, tôi gắn bó với nghiên cứu văn học thiếu nhi đến giờ. Đến nay, tôi có tham gia viết một số công trình nghiên cứu, chuyên luận như: Văn học cho thiếu nhi (viết chung với TS Châu Minh Hùng, 2003), Hệ thống thể loại trong văn học thiếu nhi (viết chung với TS Châu Minh Hùng, 2009), Trần Hoài Dương, con người và tác phẩm (2015), Truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (2016), Từ bước chân Dế Mèn (2024)...

Là một người hiếm hoi có cái nhìn hệ thống về truyện cổ tích hiện đại Việt Nam, điều gì khiến ông kiên trì với thể loại này?

- Tôi nhìn truyện cổ tích hiện đại như một dòng chảy nối dài cổ tích dân gian, nhưng đồng thời là một mạch sáng tạo độc lập, mang hơi thở của thời đại. Trẻ em hôm nay vẫn đọc cổ tích, nhưng các em cũng cần những câu chuyện gần hơn với thế giới đương đại, với những vấn đề mà chính các em đang đối diện: Tình bạn, cảm xúc, khát vọng, giới tính, tự lập…

Vậy thể loại này đã có hành trình như thế nào trong văn học Việt Nam?

- Từ đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, các nhà văn lãng mạn như Khái Hưng, Ngọc Giao... đã khởi xướng những truyện cổ tích viết mới. Sau đó, bất chấp hoàn cảnh chiến tranh, vẫn có những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Trần Hoài Dương... tiếp tục phát triển thể loại này. Kể từ sau 1975, khi đất nước thống nhất, văn học thiếu nhi được quan tâm nhiều hơn, cổ tích hiện đại mới thực sự bước vào thời kỳ phát triển. Đến nay, đã có hàng trăm truyện cổ tích hiện đại được viết ra với nhiều xu hướng khác nhau.

Ông từng đề xuất đưa truyện cổ tích hiện đại vào nhà trường…

- Nhiều năm nay, nhà trường vẫn chủ yếu khai thác truyện cổ tích dân gian. Nhưng truyện cổ tích hiện đại có sức sống riêng, gần gũi với đời sống học đường hơn, từ hoàn cảnh nhân vật cho đến ngôn ngữ biểu đạt. Các truyện như Chú bé nhặt bông gạo (Ngô Quân Miện), Chữ A và chữ E (Nguyên Hương) hay Cô bé và ông Táo (Phạm Hổ)... đều có thể dùng trong dạy học văn, từ sáng tạo cốt truyện, cách xây dựng tình huống, cho đến bài học đạo đức. Tôi mong có những tuyển tập, tài liệu tham khảo chính thống để hỗ trợ giáo viên làm điều đó. Bản thảo tuyển tập về truyện cổ tích hiện đại của tôi cũng đang được một nhà xuất bản lên kế hoạch in ấn và phát hành dịp hè 2025 này.

Ở góc nhìn khác, ông cũng viết một nghiên cứu riêng về tác dụng làm văn từ văn chương Nguyễn Nhật Ánh. Vì sao ông chọn tác giả này?

- Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có tài năng thiên phú và tâm thế của một nhà giáo. Ông không giảng lý thuyết nhưng lại “dạy” học sinh bằng hình tượng văn học sống động. Qua các truyện như Út Quyên và tôi, Bàn có năm chỗ ngồi, Đảo mộng mơ..., ông nói về cách tả nhân vật, về vai trò của trí tưởng tượng, về tầm quan trọng của tình cảm trong làm văn… rất tự nhiên mà sâu sắc. Nhiều học sinh thừa nhận rằng đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh giúp các em “viết dễ hơn, hay hơn”, đó là một minh chứng không thể bỏ qua.

TS Lê Nhật Ký sinh năm 1964, quê ở Quảng Trị, hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Quy Nhơn; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Giải thưởng Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho các công trình nghiên cứu: Nhà mái lá Bình Định (giải 3A, năm 2004), Văn học dân gian trong hệ thống văn học thiếu nhi (giải khuyến khích, năm 2008), Những tiểu luận về truyện cổ tích (giải khuyến khích, năm 2016)

Giải B giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần VI (2016 - 2020)...

Vậy ông sẽ nói gì với thầy cô giáo hôm nay đang giảng dạy Tập làm văn?

- Tôi nghĩ 3 điều: Một là hãy để học sinh viết bằng cảm xúc. Hai là khuyến khích học sinh đọc văn học hiện đại, từ đó mở rộng vốn từ, lối diễn đạt, cách hình dung thế giới. Ba là biết trân trọng trí tưởng tượng, bởi sáng tạo bắt đầu từ mộng mơ. Nếu học sinh viết một “hòn đảo Robinson tưởng tượng” thì đừng vội gạt bỏ, hãy tìm cách đồng hành cùng các em trong hành trình đó...

DẤU ẤN Ở "ĐẤT VÕ TRỜI VĂN"

TS Lê Nhật Ký theo dõi sát sao về văn học thiếu nhi tại miền đất Võ, tôi cảm nhận rõ niềm vui của ông khi phát hiện ra một tác phẩm mới, hay một tác giả mới dành sáng tác cho thiếu nhi.

Nếu chỉ dùng một cụm từ khái quát về văn học thiếu nhi Bình Định trong những thập kỷ qua, ông sẽ chọn từ gì?

- Tôi sẽ chọn cụm từ “khởi sắc bền bỉ”. Bởi vì ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, văn học thiếu nhi ở đất Võ vẫn âm thầm phát triển. Còn hiện nay, sự khởi sắc ấy đã có diện rộng, lực lượng mới mẻ, sáng tạo và nhiều đóng góp rõ rệt. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, ngay từ đầu thế kỷ XX, thật vinh dự khi vùng đất này mang dấu ấn khởi đầu quan trọng của tiến trình văn học viết cho thiếu nhi với những tác phẩm văn học quốc ngữ do nhà in Làng Sông ấn hành vào những năm 20 của thế kỷ XX: Trước cửa thiên đàng (Lê Văn Đức, 1923), Vì thương chẳng nệ (Đảnh Sơn, 1924), Chúa hài đồng gọi (Đinh Văn Sắt, 1925), Hai chị em lưu lạc (Pierre Lục, 1927)… Trong số những ấn phẩm này, đáng chú ý là tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc được chính tác giả Pierre Lục sáng tác ngay tại Làng Sông.

Có người nói, văn học thiếu nhi ở đây đang chạm tới “tính chuyên nghiệp”. Ông nghĩ sao?

- Tôi đồng ý. Họ không còn viết “cho vui” nữa mà nghiêm túc như đang làm sứ mệnh văn hóa. Cách đặt vấn đề, lựa chọn ngôn ngữ, cấu trúc tác phẩm… đều có ý thức nghệ thuật rõ nét. Nhìn vào Chuyện hoa, chuyện quả của Phạm Hổ hay Nếu một ngày chúng tớ biến mất, Ở một nơi có rất nhiều rồng... của Mộc An, ta thấy được điều đó.

Cho đến hiện tại, vùng đất này sở hữu nhiều gương mặt rất đáng kỳ vọng. Bên cạnh lớp “tiền bối” như Phạm Hổ, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Mỹ Nữ, Bùi Thị Xuân Mai... thì có một thế hệ trẻ đang trỗi dậy mạnh mẽ: Mộc An, Mai Đậu Hũ, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Nguyễn Trần Thiên Lộc, My Tiên, Trương Công Tưởng… Họ có học vấn cao, tiếp cận tốt với xu hướng hiện đại, lại rất tâm huyết với trẻ em.

Đặc biệt, ngay ở trại viết tại Đà Lạt mà tôi vừa tham gia cuối tháng 5.2025, có thêm nhà văn Trần Quang Lộc, Bùi Duy Phong đã viết 4 truyện cho thiếu nhi, điều đó thực sự rất đáng ghi nhận.

Nhưng dường như vẫn còn khoảng trống nào đó...

- Vâng. Ví dụ như kịch bản thiếu nhi vẫn còn mỏng; thơ ca tuy nhiều nhưng ít bài khai thác thiên nhiên, con người ở đây một cách sâu sắc; đặc biệt, thiếu những công trình phê bình chuyên sâu để nâng tầm các giá trị sẵn có.

Để văn học thiếu nhi phát triển, chúng ta cần những cộng hưởng trong chặng đường này?

- Tôi nghĩ điều đó rất cần thiết, từ các cơ quan truyền thông đến các cơ quan văn hóa. Đặc biệt là Hội VHNT, những năm qua đã tổ chức các trại sáng tác, chương trình giao lưu với NXB Kim Đồng, mở các cuộc tọa đàm văn học… Tất cả đều tạo thành một hệ sinh thái cho văn học thiếu nhi phát triển. Vì vậy, tôi tin mảng văn học này sẽ còn bứt phá mạnh tại đây.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Có thể bạn quan tâm

Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Gánh cá của mẹ

Gánh cá của mẹ

(GLO)- Sáng sớm, khi chú gà trống choai cất tiếng gáy đầu tiên hòa vào tiếng thuyền chài khua nước ngoài sông, mẹ đã thức dậy. Bên ánh lửa bập bùng từ bếp củi, mẹ lặng lẽ chuẩn bị cho một ngày ra chợ. Hôm nay, mẹ lại gánh cá ra chợ huyện.

Khoảng trời quê

Khoảng trời quê

Mẹ vợ tôi, bà ngoại của 2 con trai của tôi, luôn miệng thắc mắc, ở thành phố lạ nhỉ, lúc nào cũng đông như mắc cửi và đèn điện như sao xa.

Siu Krang gìn giữ nghề tạc tượng

Siu Krang gìn giữ nghề tạc tượng

(GLO)- Hơn 35 năm gắn bó với nghề, ông Siu Krang (SN 1960, làng Dek, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vẫn duy trì kỹ thuật thủ công để chế tác tượng nhà mồ của người Jrai.

Sau cơn mưa

Sau cơn mưa

(GLO)- Với nhiều người, tự thân mưa đã gợi nỗi sầu, như một sự bất an, là niềm không mong đợi. Dẫu thế, như cỏ cây, cuộc đời mỗi người chẳng phải từ cơn mưa mà lớn khôn lên, những trải nghiệm cứ thế mà lấp đầy.

Dòng sông tuổi thơ

Dòng sông tuổi thơ

(GLO)- Ai cũng có tuổi thơ gắn bó với quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn, nơi cuộc đời sâu nặng nghĩa tình với ông bà, cha mẹ, xóm giềng hay những gì thân thuộc nhất. Với tôi, tuổi thơ cũng từng gắn bó với dòng sông quê hương. Ấy là dòng sông Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Nuôi chữ, dưỡng tâm

(GLO)- Con người có quá nhiều đam mê mà một ngày thời gian được mặc định sẵn và phải chia đều cho những việc khác nhau. Cân bằng được mọi thứ, thật chẳng dễ dàng gì. Và cuối cùng thì những gì mình cho là quan trọng nhất thường được ưu tiên. Với riêng tôi, sự ưu tiên đó là niềm vui bên con chữ.

Dòng sông An Lão. Ảnh: internet

Dòng sông tuổi thơ

(GLO)- Có lẽ ai cũng có một miền ký ức để thương, để nhớ, để mỗi khi mỏi mệt giữa cuộc đời xô bồ lại mong được trở về. Với tôi, miền ký ức ấy nằm dọc theo dòng sông An Lão, đoạn chảy qua thôn Hội Long-một làng quê nhỏ thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Nấm mối thường mọc vào tháng 5, 6 hàng năm. Ảnh: L.H

Mùa “săn” nấm mối

(GLO)- Khoảng tháng 5, 6 hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống, mặt đất mềm ẩm cũng là lúc người dân Gia Lai bước vào mùa “săn” nấm mối. Đây là “lộc trời” mà thiên nhiên ban tặng, mỗi năm chỉ đôi ba lần.

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung (bìa trái) trao bằng xếp hạng di tích cho địa phương. Ảnh: Minh Châu

Xã Phú Cần đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh và tổ chức lễ giỗ tiền hiền

(GLO)- Ngày 23-6, UBND xã Phú Cần (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Đền thờ tiền hiền làng Phú Cần”, kết hợp lễ giỗ tiền hiền-nghi lễ truyền thống hàng năm của địa phương ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công mở đất, lập làng.

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Mùa hè tuổi thơ

Mùa hè tuổi thơ

(GLO)- Thế là mùa hè đã về. Tia nắng thắp đỏ chùm phượng vĩ trải dài trên những lối phố. Tôi đi miên man trong nắng vàng, hòa cùng bản giao hưởng tiếng ve giữa trưa oi bức. Ký ức những ngày hè của tuổi thơ bỗng ùa về, lay động hồn tôi.

Ảnh minh họa (Ảnh: vietnamplus.vn)

Maido- Nhà hàng Tốt nhất thế giới năm 2025

(GLO)- Với hành trình 16 năm sáng tạo không ngừng, dưới bàn tay tài hoa của bếp trưởng Mitsuharu "Micha" Tsumura, Maido- nhà hàng lừng danh đến từ Peru, đã chính thức được vinh danh là Nhà hàng Tốt nhất thế giới năm 2025 trong danh sách gồm 50 nhà hàng tốt nhất thế giới.

null