Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Prông quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cùng với nâng cao chất lượng dạy học, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) luôn quan tâm chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện.
Chăm lo sức khỏe học sinh
Chúng tôi tới thăm Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Chư Prông lúc học sinh đang tập trung về khu nội trú ăn trưa. Bữa cơm của các em có thịt kho và canh xương hầm củ. Em Hoàng Thị Diệu Châu (lớp 9A) chia sẻ: “Tối thứ bảy hàng tuần, nhà trường đều lấy ý kiến của học sinh về thực đơn để điều chỉnh phù hợp theo khẩu vị. Bữa ăn có đủ món mặn, món canh, rau và luân phiên thay đổi giữa các món nên rất dễ ăn”.
Cô Đào Thị Nga-nhân viên y tế nhà trường-cho hay: Để đảm bảo đủ dinh dưỡng cũng như tạo cho các em cảm giác không bị ngán khi ăn uống, nhà trường quán triệt thực đơn không được lặp lại trong tuần. Ngoài ra, nhà trường cũng quan tâm đến chất lượng các loại thực phẩm, đặc biệt là chọn mua thực phẩm tươi mới và có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn từ các hộ kinh doanh, nhà vườn uy tín.
Thư viện thân thiện giúp các em học sinh có thêm nguồn sách phục vụ học tập và trau dồi kỹ năng sống. Ảnh: Hồng Thương
Thư viện thân thiện giúp các em học sinh có thêm nguồn sách phục vụ học tập và trau dồi kỹ năng sống. Ảnh: Hồng Thương
Cũng theo cô Nga, bên cạnh quan tâm chế độ dinh dưỡng, nhà trường còn chú trọng theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh. Đầu mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức khám sức khỏe cho tất cả học sinh. Lãnh đạo nhà trường và giáo viên được phân công trực cả ngày lẫn đêm để xử lý kịp thời khi các em đau ốm.
Cô giáo Từ Thị Thanh Thủy chia sẻ: Bạch hầu và Covid-19 là những dịch bệnh nguy hiểm lây nhiễm qua đường hô hấp, trong khi đó các em sống xa gia đình, khả năng phòng bệnh còn hạn chế. Vì vậy, cùng với hoạt động tuyên truyền phòng-chống dịch bệnh của nhà trường, tôi đã may hơn 300 chiếc khẩu trang tặng học sinh để góp một phần giúp các em hình thành ý thức tự phòng tránh dịch-bệnh cho mình.
Chú trọng giáo dục kỹ năng sống
Cô Nông Thị Huệ-Tổng phụ trách đội-cho biết: Đặc thù các em phải sớm xa gia đình vào đây học tập. Thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà và thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ nên nhà trường rất chú trọng đến việc giáo dục các kỹ năng sống cho các em.
Ngoài xây dựng thư viện thân thiện với đủ loại sách để các em tự nghiên cứu, bổ sung tài liệu học tập và các kiến thức trong cuộc sống, nhà trường cũng rèn cho các em thói quen tự giác chăm sóc bản thân như: tự vệ sinh, giặt giũ áo quần, sắp xếp đồ dùng học tập, sinh hoạt và giáo dục cách chào hỏi để các em tự tin và biết lễ phép khi gặp thầy cô, người lớn tuổi.
Giáo dục kỹ năng sống giúp các em tạo được tính tự giác trong sinh hoạt và học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Giáo dục kỹ năng sống giúp các em tạo được tính tự giác trong sinh hoạt và học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Ảnh: Hồng Thương
Em Rơ Mah Kíu (lớp 9B) bày tỏ: “Nhà em ở làng Gà (xã Ia Boòng), cách trường khá xa nên em ít khi về nhà. Ở trường, em được các thầy cô xem như con trong nhà, được dạy nhiều kỹ năng hữu ích trong cuộc sống như học cách chào hỏi, nói tiếng xin lỗi, cách chăm sóc sức khỏe, cách phòng tránh đuối nước, cách sơ cứu người bị đuối nước, tham gia giao thông an toàn… Các hoạt động giao lưu về thể dục thể thao cũng giúp chúng em rèn luyện sức khỏe và tự tin hơn trong giao tiếp”.
Trao đổi với P.V, bà Siu A Hương-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Thời gian gần đây, các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe, các kỹ năng sống được nhà trường thực hiện mỗi tháng 1 chương trình. Nhờ vậy, các em đã hình thành được tính tự giác cao trong học tập, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe; nâng cao hiểu biết về các vấn đề xã hội cũng như phòng ngừa tai nạn thương tích, các tệ nạn xã hội, tạo sự tự tin trong giao tiếp. Nhờ vậy, nhà trường cũng đạt được một số thành tích cao khi cho các em tham gia các hội thi, hội thao ở địa phương. Riêng năm 2019, trường đạt giải nhất toàn đoàn Hội khỏe phù đổng huyện.
“Thời gian tới, bên cạnh chăm sóc sức khỏe, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền ngoại khóa và tổ chức cho học sinh tham gia các buổi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, an toàn giao thông, an ninh học đường… để nâng cao kỹ năng sống cho các em, đặc biệt là tính tự giác trong học tập, sự tự tin trong giao tiếp, phát biểu trước đám đông... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”-Hiệu trưởng nhà trường thông tin.
HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.