Ông Hồng kể tiếp: "Nhìn thấy cờ cách mạng của mình, nó quay ra. Nó mà tiến vào là chúng tôi bắn ra ngay. Anh em đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu đến người cuối cùng để giữ đảo".
Tuần tra bảo vệ đảo Nam Yết những ngày sau tháng 4 lịch sử 1975 - Ảnh: My Lăng chụp lại tư liệu
Song Tử Tây thất thủ, quân đội Sài Gòn vội vàng điều hai tàu chiến số hiệu QH16 và QH402 từ Vũng Tàu ra, định phản kích chiếm lại đảo nhưng do hoang mang trước những thất bại dồn dập trên khắp chiến trường và e sợ sự phòng thủ chắc chắn của quân cách mạng trên đảo, đối phương chỉ lảng vảng rồi quay về tăng cường cho lực lượng phòng thủ ở Sở chỉ huy chung trên đảo Nam Yết.
Đêm ngày canh phòng
Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam dân chủ cộng hòa ra lệnh chỉ để lại một bộ phận phòng thủ, bảo vệ đảo Song Tử Tây, số còn lại về Đà Nẵng để bổ sung vũ khí, trang bị, rút kinh nghiệm, chuẩn bị kế hoạch đánh các đảo còn lại.
Phân đội 1 (đại đội 1, trung đoàn đặc công Hải quân 126) được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ đảo. Đây cũng là lực lượng đã trực tiếp đổ bộ lên đảo Song Tử Tây.
Các cựu chiến binh chứng nhân tháng 4 lịch sử 1975 ở Trường Sa kể ngay sáng hôm sau khi đảo Song Tử Tây được giương ngọn cờ cách mạng, đã xuất hiện hai tàu gỗ mon men vào sát đảo thăm dò.
"Nó không treo cờ nhưng xác định dứt khoát là tàu Trung Quốc rồi. Mình đã thấy rõ ý đồ của Trung Quốc sau khi nó cướp Hoàng Sa năm 1974", cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng, 69 tuổi, một trong những người đánh lên đảo Song Tử Tây và sau đó ở lại trấn thủ đảo, cho hay.
Ông Hồng kể tiếp: "Nhìn thấy cờ cách mạng của mình, nó quay ra. Nó mà tiến vào là chúng tôi bắn ra ngay. Anh em đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu đến người cuối cùng để giữ đảo".
Cách đảo Song Tử Tây khi đó khoảng 10 hải lý còn có tàu chiến của Việt Nam cộng hòa có lúc áp vào rất gần. "Gần đến mức chúng tôi trông thấy lính chạy trên tàu, rồi quay cả pháo chĩa vào đảo. Trong này, chúng tôi đưa ống nước quay ra biển, giả làm nòng pháo thì thấy tàu chạy ra xa, thỉnh thoảng lại tiến vào", ông Đào Mạnh Hồng kể.
Đối diện Song Tử Tây gần 2 hải lý là đảo Song Tử Đông đã bị Philippines chiếm giữ trái phép. "Khi mình đánh lên đảo Song Tử Tây, bên kia sợ mình qua chiếm lại nên cũng triển khai lực lượng. Buổi tối bên đó bật đèn sáng choang", cựu chiến binh Lê Xuân Phát kể.
Vũ khí của phân đội ở lại giữ đảo Song Tử Tây rất thô sơ. Bộ đội phải gấp rút củng cố lại các công sự chiến đấu. Đề phòng Trung Quốc lên cướp đảo và cả lực lượng của Việt Nam cộng hòa đổ bộ vào phản kích chiếm lại đảo, phân đội 1 chia nhau canh gác, cả ngày lẫn đêm, cứ ba người một ca vừa đi tuần tra, trực gác xung quanh đảo, vừa bảo vệ cho đồng đội ngủ nghỉ.
Những ngày đầu lịch sử ấy, trên đảo Song Tử Tây không có nhà cửa kiên cố mà chỉ là nhà lợp tôn tạm bợ. Nhưng lúc đánh nhau, các mái tôn đã bị bắn lủng lỗ chỗ, hỏng hết.
Ngoài ra còn mấy cái hầm công sự nửa chìm nửa nổi, cách mặt đất khoảng 2m. "Bộ đội mình chủ yếu ở trong đó rồi dựng các lều bạt làm các chốt bảo vệ xung quanh đảo. Muỗi nhiều lắm", ông Phát cho hay.
Đêm xuống, bộ đội chỉ có đèn pin mang đi phục vụ chiến đấu để sinh hoạt. Đèn dầu cũng không có. Những người lính trẻ với vũ khí thô sơ phải căng mình cảnh giác với những rình rập trong bóng tối để đảo không bị rơi vào tay kẻ khác.
Thời tiết Trường Sa rất khắc nghiệt. Ngày nắng, đêm mưa. Hầu như đêm nào cũng mưa. Mưa kiểu gần như bão như cơn lốc, gió mạnh, sóng to. Mưa Trường Sa cũng lạ, hạt to, rơi vào người là đau rát da! Các cựu chiến binh nói khi ấy bộ đội mong mưa như mong... người yêu. Mưa, kể cả đêm khuya, bộ đội hò reo lấy mũ sắt, áo mưa chứa nước.
Cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng nhớ mãi kỷ niệm về những đêm mưa: "Có đợt anh em chủ yếu tắm đêm, ngày tắm nước mặn, đêm tắm nước mưa. Lúc ấy lính 19-20 tuổi, khỏe lắm. Có hôm 21h, 0h đêm vẫn tắm mưa. Vui lắm".
Đảo Nam Yết những ngày đầu đổi thay lịch sử - Ảnh: My Lăng chụp lại tư liệu
Những ngày kham khổ
Đồ ăn tươi hầu như không có. Lực lượng trấn thủ đảo Song Tử Tây những ngày đầu tiên phải ăn toàn đồ hộp mang theo khi ra đảo: lương khô, gạo sấy và một số lương thực quân Sài Gòn để lại. Lượng gạo đối phương để lại cũng không thể ăn được vì đã mốc hết.
Bộ đội tận dụng nguồn trứng chim bạt ngàn trên đảo. "Chim nhiều lắm. Mình đi, chúng cứ sà xuống, đậu cả trên tay, vơ tay một cái là được 1-2 con. Thực phẩm tươi chủ yếu là trứng chim luộc chấm muối tự làm. Lấy nước biển phơi trên áo mưa, bịch nilông, sau vài ngày nắng là có muối ăn", ông Hồng kể.
Rau xanh không có. Bộ đội chỉ có nguồn "rau xanh" duy nhất là rau sam. Thiếu rau trầm trọng, bộ đội còn hái cả những ngọn cây sâm đất về luộc. "Ngọn sâm đất vị hơi chát, ngầy ngậy, luộc lên chấm nước mắm khó ăn nhưng chúng tôi không có lựa chọn khác. Mà mỗi người cũng chỉ được một, hai gắp rau thôi. Mùa đó cằn cỗi nên cây không tươi tốt", cựu chiến binh Lê Xuân Phát cho hay.
Ăn uống kham khổ, toàn đồ khô nên hầu như ai cũng bị bệnh kiết. Bộ đội đào củ sâm biển nấu nước uống cho mát.
Cái ăn, chỗ ngủ đã vất vả, thiếu chất. Đời sống tinh thần của bộ đội cũng thiếu thốn không kém. Đảo cách biệt hoàn toàn với đất liền, bộ đội cả ngày lẫn đêm chỉ loanh quanh trên đảo. Tối sinh hoạt, đọc báo, điểm danh rồi đi ngủ.
"Một tuần chỉ có tối chủ nhật được nghỉ - ông Lê Xuân Phát bảo - Chúng tôi không có thời gian rỗi, vẫn duy trì kỷ luật quân đội nghiêm ngặt, canh gác, tập thể dục rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt tập thể... Khi rỗi thì kể chuyện tiếu lâm, đánh cờ. Mấy cậu lính trẻ có đứa nào có người yêu đâu mà vẫn kể về người yêu như thật, nói phét cho vui".
Chuyện trên đảo Nam Yết
Cựu chiến binh Phan Xuân Ạp, 68 tuổi, một trong những người ở lại giữ đảo Nam Yết, cho hay: "Khi chúng tôi đổ bộ vào đảo Nam Yết thì mới biết quân Sài Gòn đã rút đi trước đó vài tiếng đồng hồ. Đây là đảo chỉ huy nên đối phương phòng thủ dày đặc. Mìn mo chôn xung quanh đảo".
Nam Yết là đảo thứ ba được treo ngọn cờ cách mạng. Ông Ạp còn nhớ rõ những ấn tượng về đảo Nam Yết khi đó: đối phương rút đi, để lại vườn không nhà trống. "Quân mình lên tiếp quản nhưng cơ sở vật chất chẳng có gì. Rất sơ khai. Đảo Nam Yết chỉ có duy nhất một cái nhà xây dạng cấp bốn", người cựu chiến binh tiểu đoàn 471 cho hay.
Cũng như đảo Song Tử Tây, lực lượng giữ đảo Nam Yết cả tháng trời phải ăn uống bằng những thực phẩm tự có. "Nấu nướng khó khăn lắm vì không có củi. Mình lại không thể lấy dầu ở tàu lên được vì tàu cơ động, không cung cấp dầu được", ông Ạp nói.
Bộ đội tận dụng mấy chục bao cá khô quân Sài Gòn để lại khi rút chạy. Rồi câu cá bằng các cần câu họ để lại. Ông Ạp mỉm cười kể: "Lúc đấy chưa có tàu bè ra ngoài đó đánh cá nên cá nhiều lắm. Chúng đi hàng đàn, hàng đàn. Mình câu là cắn ngay".
Cựu chiến binh Phan Xuân Ạp chia sẻ: "Ở trên đảo suốt rất buồn. Ngoài cái đài nghe thời sự xong cũng không có chương trình gì giải trí. Tàu mình thì không thường trực ở đấy nên càng buồn".
Đến ngày 29-4-1975, Trường Sa - hòn đảo lớn nhất, hòn đảo thứ năm và cũng là hòn đảo cuối cùng mà quân đội Việt Nam cộng hòa đóng giữ ở quần đảo Trường Sa, đã được treo ngọn cờ cách mạng. Lực lượng giữ đảo ban đầu đã bàn giao cho tiểu đoàn 4, sư đoàn 2 (Quân khu 5). Cuối tháng 5-1975, đơn vị này chuyển về trực thuộc Hải quân...
Sau khi rút kinh nghiệm trận đánh lên đảo Song Tử Tây và làm công tác chuẩn bị, lần lượt những ngày sau đó quân cách mạng đã đổ bộ đảo Sơn Ca (3h sáng 25-4), đảo Nam Yết (10h30 ngày 27-4), đảo Sinh Tồn (10h30 ngày 28-4) và đảo Trường Sa (9h sáng 29-4-1975). |
45 năm sau ngày ngọn cờ cách mạng được giương cao, quần đảo Trường Sa vẫn tiếp tục là thành đồng Tổ quốc với bao máu xương, mồ hôi của những người lính Việt...
Kỳ tới: Trường Sa, thành đồng Tổ quốc
My Lăng (TTO)