Hòn Chuối giữa biển Tây Nam: Nơi những con người lặng thầm giữ đảo, dựng đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không điện, không nước máy, cư dân Hòn Chuối vẫn lặng thầm bám biển, dựng nghiệp và cùng lực lượng vũ trang giữ vững chủ quyền giữa biển Tây Nam.

Giữa trùng khơi phía Tây Nam, đảo Hòn Chuối (TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) hiện lên như một mốc son lặng lẽ, nơi không chỉ canh giữ chủ quyền biển đảo mà còn ươm mầm sự sống giữa biển cả mênh mông.

Ít ai biết, trên hòn đảo cách đất liền gần 17 hải lý ấy, vẫn có những con người ngày ngày bám biển, dựng nghiệp, sống chan hòa cùng thiên nhiên khắc nghiệt và lặng thầm làm nhiệm vụ gìn giữ chủ quyền Tổ quốc.

Đảo Hòn Chuối nằm cách đất liền 17 hải lý. ẢNH: G.B
Đảo Hòn Chuối nằm cách đất liền 17 hải lý. ẢNH: G.B

Từ TT.Sông Đốc, mất hơn 2 giờ vượt sóng mới đến được Hòn Chuối - một hòn đảo nhỏ nhưng mang trong mình tầm vóc lớn của một điểm chốt tiền tiêu. Không ồn ào như đảo Nam Du, không được check-in rầm rộ như Hòn Sơn, Hòn Chuối giữ vẻ nguyên sơ đến ngỡ ngàng. Những con dốc dựng đứng ôm lấy vách đá, những vệt rêu xanh mướt trải mình trên mặt đá ướt sương, cả đảo như một pháo đài thiên nhiên, tách biệt mà đầy sức sống.

Đảo Hòn Chuối hiện có 46 hộ dân sinh sống. ẢNH: G.B
Đảo Hòn Chuối hiện có 46 hộ dân sinh sống. ẢNH: G.B

Trên đảo hiện có 46 hộ dân sinh sống, phần lớn làm nghề nuôi cá bớp lồng bè, đánh bắt hải sản. Không điện lưới quốc gia, không nước máy, cuộc sống nơi đây tựa như tách biệt với đất liền. Thế nhưng, điều khiến người ta nhớ nhất không phải là sự thiếu thốn, mà là nghị lực và niềm tin của những cư dân giữa biển này.

Hòn Chuối có 3 gành chính: gành Nam, gành Chướng và gành Nồm. Vào mùa gió chướng (từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch), người dân thường chuyển về gành Nam để tránh sóng gió. ẢNH: CTV
Hòn Chuối có 3 gành chính: gành Nam, gành Chướng và gành Nồm. Vào mùa gió chướng (từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch), người dân thường chuyển về gành Nam để tránh sóng gió. ẢNH: CTV

Ở độ cao gần 200 m so với mực nước biển, đỉnh Hòn Chuối là nơi đóng chốt của các lực lượng biên phòng, hải quân, ra-đa – một tam giác phòng thủ vững chắc trên vùng biển Tây Nam. Hòn Chuối vì thế không chỉ là nơi cư dân dựng nghiệp, mà còn là "mắt thần" chiến lược trong bảo vệ chủ quyền vùng biển Cà Mau – nơi tiếp giáp các tuyến hàng hải quốc tế trọng yếu.

Nhờ điều kiện biển thuận lợi, người dân Hòn Chuối phát triển nghề nuôi cá bớp lồng bè, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. ẢNH: G.B
Nhờ điều kiện biển thuận lợi, người dân Hòn Chuối phát triển nghề nuôi cá bớp lồng bè, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. ẢNH: G.B

Khác với hình dung về một điểm đảo đầy khắc nghiệt, Hòn Chuối vẫn có những khoảnh khắc rất đời: tiếng gà gáy vọng xuống từ triền núi, tiếng trẻ con học đánh vần giữa tiếng gió biển rì rào. Trên đảo, mọi sự sống đều bắt đầu từ bàn tay con người, tự lực và cần mẫn, nhưng lại đong đầy tình quân – dân, tất cả tạo nên một cộng đồng gắn kết giữa nơi đầu sóng.

Dù còn nhiều khó khăn, các lực lượng trên đảo vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững chủ quyền biển đảo. ẢNH: CTV
Dù còn nhiều khó khăn, các lực lượng trên đảo vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững chủ quyền biển đảo. ẢNH: CTV

Dù chưa được quy hoạch phát triển du lịch, Hòn Chuối vẫn có sức hút riêng: từ vẻ đẹp hoang sơ của rừng nhiệt đới còn giữ nguyên sinh thái tự nhiên, đến lòng hiếu khách đậm nghĩa tình của những cư dân trụ đảo.

Với tiềm năng đặc thù về nuôi biển, bảo tồn sinh thái và an ninh quốc phòng, đảo đang được kỳ vọng sẽ là điểm tựa trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững và bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam trong tương lai gần.

Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối nay đã trở thành điểm trường chính thức của H.Trần Văn Thời. ẢNH: G.B
Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối nay đã trở thành điểm trường chính thức của H.Trần Văn Thời. ẢNH: G.B

Nhìn từ Hòn Chuối, đất liền chỉ còn là một dải mờ xa. Nhưng từ đất liền nhìn ra Hòn Chuối, ấy là nơi giữ lửa cho niềm tin về một dải chủ quyền bất khả xâm phạm. Không hào nhoáng, không ồn ào, Hòn Chuối vẫn lặng thầm "đứng gác" cho biển Tây Nam, như cách những người lính đảo và cư dân nơi đây vẫn đang làm từng ngày.

Theo Gia Bách (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null