Lập Trung tâm tài chính quốc tế để Việt Nam bứt phá - Bài 2: Động lực mới để TPHCM tăng tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT), các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là động lực mới để TPHCM tăng tốc phát triển, là chìa khóa để Việt Nam bứt phá trong thời gian tới.

Việc thành lập TTTCQT không chỉ góp phần tạo nên sự tăng trưởng, mà còn là cơ hội để TPHCM thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế hơn, tăng nguồn vốn FDI hơn vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của thành phố.

Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM sẽ giúp thành phố thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn. Ảnh: VNP
Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM sẽ giúp thành phố thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn. Ảnh: VNP

Thời cơ chín muồi

Trong bối cảnh Việt Nam không ngừng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, việc xây dựng một TTTCQT tại TPHCM được xem là một bước ngoặt chiến lược để bứt phá, đưa quốc gia vươn lên vị thế mới trong chuỗi giá trị tài chính toàn cầu.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, thành phố là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, lý tưởng để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này. Cụ thể, TPHCM sở hữu nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp khoảng 15,5% GDP cả nước, chiếm hơn 25,3% tổng thu ngân sách quốc gia và gần 11,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam, nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Lãnh đạo TPHCM cho rằng, việc hình thành TTTCQT tại TPHCM không chỉ nhằm huy động dòng vốn mà còn đóng vai trò chiến lược trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tối ưu phân bổ nguồn lực, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, phát triển hạ tầng và khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

Bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội TPHCM, cho biết, TTTCQT TPHCM sẽ không chỉ cung cấp các dịch vụ tài chính truyền thống như huy động vốn, đầu tư, tiết kiệm, thanh toán… mà còn đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển tài chính số, fintech và tài chính xanh. Từ đó, tạo nên một hệ sinh thái tài chính toàn diện, đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Theo bà Vân, TTTCQT TPHCM được thiết kế gồm 3 cấu phần quan trọng: thị trường tiền tệ và ngân hàng; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. TPHCM đang xem xét phương án TTTC được phát triển dựa trên khu phố tài chính ở trung tâm hiện hữu thuộc quận 1 phục vụ các dịch vụ tài chính truyền thống, và khu phố mới Thủ Thiêm dành cho các mô hình tài chính sáng tạo và công nghệ cao.

Tìm giải pháp nâng chất lượng nguồn nhân lực

Theo các chuyên gia, phát triển TTTCQT đòi hỏi không chỉ hạ tầng hiện đại hay cơ chế, chính sách hiệu quả, mà còn cần đến một nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi khắt khe từ thị trường TCQT.

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM, nhận định, nhân lực là vấn đề quan trọng đối với TTTCQT. Do đó, thành phố nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút, đào tạo và phát triển, giữ chân nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Bởi lẽ, TTTCQT đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị rủi ro.

“TPHCM sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TTTCQT, như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có thông qua đào tạo thực hành, cập nhật chương trình đại học. Bên cạnh đó, thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ; khuyến khích hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực tài chính…”, ông Vũ đề xuất.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, cũng nhấn mạnh yếu tố “mở” và “linh hoạt” trong chiến lược nhân sự. Để xây dựng nguồn nhân lực cho TTTCQT TPHCM, cần tiếp cận đa chiều không chỉ tập trung vào yếu tố tiền tệ mà còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm việc đảm bảo đội ngũ chuyên gia đủ sâu về chuyên môn, đủ rộng về đa ngành, đủ nhanh để thích ứng với sự phát triển công nghệ, và đủ mở để thu hút nhân tài quốc tế.

Nguồn nhân lực cần được phát triển ở cả ba cấp độ quản lý cấp cao và hoạch định chính sách, chuyên gia cấp trung, và lực lượng đang được đào tạo. Đặc biệt, cần có sandbox (cơ chế thử nghiệm) cho giáo dục, tương tự như sandbox cho công nghệ và tài chính. “Sandbox giáo dục sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm các phương pháp đào tạo mới, linh hoạt hơn, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường và công nghệ, thay vì khung chương trình và quy định cứng nhắc hiện tại ở bậc đại học và sau đại học. Các khóa đào tạo ngắn hạn, chứng chỉ theo chuẩn đầu ra, và cơ chế tích lũy tín chỉ sẽ giúp người học tiếp cận kiến thức và bằng cấp một cách linh hoạt và hiệu quả hơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng của TTTC và các ngành kinh tế khác”, ông Khánh đề xuất.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, TPHCM cần tập trung phát triển nguồn nhân lực trong nước có chất lượng cao. Điều này đòi hỏi TPHCM cần hợp tác với những tổ chức giáo dục lớn trong và ngoài nước để đào tạo chuyên gia tài chính trình độ cao trong các lĩnh vực như quản trị tài chính, ngân hàng, đầu tư, chứng khoán và bảo hiểm. Thêm vào đó, TPHCM cần xây dựng các cơ sở đào tạo chuyên sâu, cũng như trung tâm nghiên cứu về tài chính quốc tế, nhằm cung cấp cho thị trường lao động những chuyên gia có năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các tổ chức tài chính quốc tế, kèm theo đó là ban hành các chính sách thu hút nhân tài nhằm tránh “chảy máu chất xám”.

TPHCM là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam. Ảnh: VNP
TPHCM là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính lớn nhất Việt Nam. Ảnh: VNP

Cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch

Để giữ chân nhân tài cho TTTC, ông Trương Minh Huy Vũ cho rằng, cần tạo môi trường sống thuận tiện cho chuyên gia quốc tế và gia đình họ thông qua việc nâng cấp y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, giao thông và cơ chế nhập cư cởi mở.

Một điểm then chốt nữa, theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, là TPHCM phải xây dựng khung pháp lý rõ ràng, dễ hiểu; nhiều thủ tục pháp lý cần đơn giản hóa, giúp các tổ chức tài chính quốc tế không gặp phải rào cản về mặt quy định khi đầu tư vào TPHCM; xây dựng cơ chế phải nổi bật quyền hạn của TTTCQT. Song song đó, các quy định về thuế, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bảo đảm an toàn cho giao dịch tài chính phải được điều chỉnh, rạch ròi sao cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều chuyên gia đề xuất, TPHCM có thể xây dựng một trung tâm giải quyết rủi ro tài chính quốc tế, đóng vai trò như “trọng tài” minh bạch, giúp xử lý các vấn đề phát sinh nhanh chóng, công bằng và chuyên nghiệp.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, cho rằng, sản phẩm tài chính sáng tạo chính là yếu tố sống còn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa các TTTC. Những mô hình như sàn giao dịch tiền số thử nghiệm, sàn giao dịch gọi vốn cho các startup, sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung… sẽ tạo nên lợi thế cho TPHCM, đặc biệt trong bối cảnh tài chính phi tập trung và công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, Việt Nam khó cạnh tranh bằng thuế so với các trung tâm như Dubai, Singapore - nơi nhiều loại thuế gần như bằng 0. Tuy nhiên, thế mạnh của Việt Nam lại nằm ở chi phí thấp: chi phí thành lập doanh nghiệp, thuê văn phòng, mở tài khoản ngân hàng hay giao dịch tài chính đều rất thấp so với các TTTC hiện hữu.

“Chi phí giá rẻ và các ý tưởng mới sẽ là thế mạnh khác biệt của Việt Nam. Đón “đại bàng” họ không quan tâm về giá rẻ, nhưng với những “con ong” thì họ quan tâm. Chúng ta cũng có thể thu hút doanh nghiệp lĩnh vực fintech- mảng đang bùng nổ toàn cầu và phù hợp với định hướng của Việt Nam”, ông Huân nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, nhiều quốc gia có chính sách đổi đất lấy hạ tầng và đây là cơ chế tối ưu với nhiều trường hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM, cho rằng, TTTCQT TPHCM ra đời sau, nếu các sản phẩm cũng tương tự như các trung tâm khác trên thế giới thì có đủ sức hấp dẫn hay không, có đủ sức cạnh tranh hay không? “Phải chăng Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, cổ phần hóa, là miếng bánh hấp dẫn nhà đầu tư? TPHCM cũng cần huy động vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, chỉ trong một năm mà 500.000 tỷ đồng, phải chăng đó là mảnh đất để chúng ta tìm những sản phẩm như thế hay không? Nếu tập trung cho một vài sản phẩm, xây dựng cơ chế chính sách cho vài sản phẩm sẽ dễ hơn”, ông Hòa nói.

Theo TS Trần Du Lịch, TPHCM có thể đi đầu trong việc phát triển thị trường hàng hóa phái sinh, đặc biệt với các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có thế mạnh như gạo, cà phê, hồ tiêu… Đây là một thị trường tiềm năng chưa được khai thác đúng mức và có thể trở thành điểm nhấn đặc biệt trong hệ sinh thái tài chính của thành phố.

Theo Uyên Phương - Phạm Tuyên (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null