Tình người miền biển: Cứu người giữa sóng dữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mùng 5 tết, khi nhiều gia đình còn quây quần bên mâm cơm đoàn viên, người dân làng chài Thạnh Đức 1 (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã đồng lòng lao ra biển lớn, cứu sống 11 thuyền viên đang mắc kẹt giữa sóng gió đầu năm.

Cơn sóng lạ đầu xuân

Ông Trần Vàng (ở tổ dân phố Thạnh Đức 1) vừa đi xe vào ngõ nhỏ thì chú chó Phốc lon ton chạy ra, vẫy đuôi chào đón. Thấy người lạ phía sau, Phốc sủa mấy tiếng. Bà Phạm Thị Thoại, vợ ông Vàng, từ hiên nhà gọi vọng: "Phốc, vào đây con!".

Chú chó Phốc gắn bó với vợ chồng ông Vàng sau ngày được cứu khỏi vụ tai nạn tàu biển
Chú chó Phốc gắn bó với vợ chồng ông Vàng sau ngày được cứu khỏi vụ tai nạn tàu biển

Nghe tiếng bà, Phốc lập tức quay lại, ngồi ngoan bên cạnh chủ, đôi mắt tròn xoe đầy lanh lợi. Chú chó trung thành này gắn bó với vợ chồng ông Vàng đã hơn hai năm, kể từ sau một chuyến cứu nạn đặc biệt giữa biển khơi.

Sáng mùng 5 Tết Quý Mão 2023, khi bà Thoại đang trò chuyện cùng bạn trước hiên nhà thì đứa cháu nội hớt hải chạy vào: "Bà ơi, có tàu lớn đang trôi vô bãi!". Nhìn ra biển, bà thấy một tàu sắt mang tên Hoàng Gia 46 đang tròng trành cách bờ hơn trăm mét. Trên mui tàu, những bóng người nhỏ xíu chới với, vẫy tay cầu cứu giữa biển động.

Bà Thoại lập tức gọi điện cho chồng đang đi chúc tết cách đó 5 km, đồng thời kêu con trai về làng. Bà cùng hàng xóm hô hoán, huy động cả xóm chạy ra bãi. Không lâu sau, dân làng đổ ra bãi biển đông nghịt. Trời âm u, gió thổi từng đợt mạnh, sóng đánh ầm ào. Nhiều thanh niên chạy vào làng, kéo những cuộn dây thừng lớn ra biển. "Lúc đó đông lắm, chắc phải đến cả ngàn người chứ không ít...", bà Thoại nhớ lại, mắt đỏ hoe.

Tàu Hoàng Gia 46 chở 2.700 tấn gạo từ An Giang ra Hải Phòng, đến vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) thì đâm phải đá ngầm, thủng đáy, nước tràn vào cuồn cuộn. Thuyền trưởng Nguyễn Duy Tuyên cố đưa tàu vào gần bờ nhưng tàu mắc cạn, không thể tiến lui. Sóng lớn phủ trắng boong tàu, buộc các thuyền viên phải lần lượt nhảy xuống biển, cố bơi vào bờ trong sóng dữ và gió giật.

Một thanh niên trong làng chài đầu tiên lao mình xuống biển, cột dây thừng quanh người để cứu người. Anh bơi đến chỗ thuyền viên gần nhất, rồi được kéo vào bờ. Người thứ hai, người thứ ba… Cứ thế, cả 11 thuyền viên được cứu sống. "Mỗi lần sóng đánh ngược, người cứu lại bị cuốn ra xa. Có người kiệt sức, nhưng không ai bỏ cuộc", ông Vàng kể, tay vuốt ve Phốc đang nằm bên cạnh.

Ngư dân Trần Văn Kiểng (trái) kể chuyện nghĩa tình trên biển
Ngư dân Trần Văn Kiểng (trái) kể chuyện nghĩa tình trên biển

Chú chó này chính là một trong hai con vật mà các thuyền viên mang theo. Trước khi rời tàu, họ đặt mì tôm và nước trên mui tàu để chúng có cái sống sót qua ngày. Vài ngày sau, con trai ông Vàng chèo thúng ra tàu, đưa hai "hành khách đặc biệt" vào bờ. Một con quá già, không qua khỏi; chỉ còn Phốc, từ đó trở thành thành viên mới trong gia đình.

Tình thân từ những người xa lạ

Sau khi được cứu, các thuyền viên ướt sũng, lạnh cóng được đưa về nhà ông Vàng trú tạm. Bếp lửa đỏ hồng, chén cơm nóng, những lời hỏi han thân tình đã xoa dịu nỗi hoảng loạn. Thuyền trưởng Tuyên và các bạn thuyền ở lại vài hôm, được chăm sóc như người nhà. Người bị đau vai, kẻ khó thở đều được đưa đến trạm y tế phường, rồi đến phòng khám tư để chụp phim, hoàn toàn miễn phí. "Lúc đó chỉ nghĩ cứu người là trên hết. Họ đi biển cũng như con cháu mình thôi", bà Thoại nói.

Ngư dân Ngô Tấn Lộc từng được cứu giúp và cũng nhiều lần giúp đỡ ngư dân khác trên biển
Ngư dân Ngô Tấn Lộc từng được cứu giúp và cũng nhiều lần giúp đỡ ngư dân khác trên biển

Khi tàu được tháo dỡ, các thuyền viên lần lượt rời đi, nhưng tình cảm với người làng Thạnh Đức 1 vẫn không phai. Thuyền trưởng Tuyên thi thoảng vẫn gọi điện cho ông Vàng. Mỗi lần tàu đi ngang vùng biển Sa Huỳnh, ông còn rọi đèn pha vào bờ để báo tin.

Anh Lê Mai Nam, một trong số thuyền viên, vẫn nhớ như in những giờ phút sinh tử: "Lạnh lắm, sóng lớn lắm… Lúc được cứu, tôi xúc động muốn khóc. Tôi bị đau vai trái, một anh bạn khó thở, được dân làng đưa đi khám nhưng không tốn đồng nào. Chúng tôi là người lạ, vậy mà được thương như ruột thịt".

Giữa biển khơi, ai cũng là anh em

Không chỉ cứu người trôi dạt vào bờ, tình người miền biển còn lan tỏa giữa trùng khơi. Cơn bão số 9 năm 2020 để lại ký ức khó quên với ngư dân Quảng Ngãi. Tàu cá QNg-98888 TS do anh Ngô Tấn Lộc và anh trai điều khiển đang đánh bắt thì phải quay về phía nam tránh bão. Gió rít từng hồi, sóng đánh dữ dội, ánh đèn tàu lạc lõng giữa đêm biển động.

Khi bão lặng, tàu hướng về cảng Mỹ Á (P.Phổ Quang, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi). Trên đường, anh em Lộc phát hiện một tàu cá của ngư dân Quy Nhơn đang chìm dần do chết máy, lệch giàn lưới. Không chần chừ, tàu của anh Lộc áp sát, chuyển người sang giúp bơm nước, chỉnh lưới. Sau gần 10 tiếng vật lộn, con tàu kia mới nổi trở lại, cùng rẽ sóng vào bờ. "Họ không phải người quen, cũng chẳng cùng quê. Nhưng đi biển thấy nhau gặp nạn là phải cứu. Hôm nay mình giúp họ, mai sau sẽ có người cứu mình", anh Lộc cười hiền.

Tàu hàng Hoàng Gia 46 mắc cạn tại bãi biển Thạnh Đức 1
Tàu hàng Hoàng Gia 46 mắc cạn tại bãi biển Thạnh Đức 1

Ngư dân Trần Văn Kiểng (ở P.Phổ Quang) với hơn 30 năm kinh nghiệm đánh lưới cản xa bờ, từng nhiều lần gặp nạn giữa biển khơi. Một lần, tàu của ông chết máy khi bạn thuyền đang kéo lưới. Sau khi phát tín hiệu cầu cứu, một tàu gần đó đến kéo vào bờ. Lần khác, ông lại được bạn nghề là ông Nguyễn Lành giúp đỡ khi tàu gặp sự cố lúc quay về cảng Mỹ Á.

"Giữa biển, ai cũng có thể rơi vào hoạn nạn. Giúp nhau là chuyện thường tình. Mỗi lần được cứu, tôi xin góp chút tiền dầu mà mấy ảnh cười, xua tay: Lấy gì mà lấy, mai mốt lại tới phiên tui", ông Kiểng kể.

Không bảng vàng, chẳng danh hiệu, những ngư dân như ông Vàng, bà Thoại, anh Lộc, ông Kiểng… vẫn lặng lẽ làm điều tử tế giữa đời thường. Họ không chỉ là người giữ tàu, kéo lưới, mà còn là điểm tựa cho những phận người lênh đênh.

Cứ mỗi độ tết về, mỗi lần bão tan, hay khi ánh đèn tàu rọi vào bờ đêm, người làng Thạnh Đức 1 lại nhắc nhau: "Hồi đó, có 11 người được cứu sống ngay đây đó nghen". Một ký ức đẹp, ấm áp như nắng sớm sau bão, neo lại trong lòng người đi biển. (còn tiếp)

Theo Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Lặng thầm trên chốt tiền tiêu

Lặng thầm trên chốt tiền tiêu

(GLO)- Nơi “phên giậu” phía Tây của Tổ quốc, những người lính quân hàm xanh ở Chốt 1 và Chốt 5 của Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn ngày ngày vững chí, bền gan bám trụ.

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành - Bài 2: Có tiếp tay, buông lỏng quản lý?

Thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoành hành - Bài 2: Có tiếp tay, buông lỏng quản lý?

Thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân. Sau hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng vừa bị bắt giữ, dư luận đặt câu hỏi: Các cơ quan được giao quản lý, giám sát đã làm hết trách nhiệm và xử lý quyết liệt, công tâm chưa?

Uống trà đi!: Bản Liền, chuyện giờ mới kể

Uống trà đi!: Bản Liền, chuyện giờ mới kể

Từng vạt núi lở vẫn còn nguyên dấu tích, đường chưa rõ ra đường, dằn xóc, lắc lư, cùng bao lần thót tim khi bánh xe chỉ cách mép vực sâu chưa đầy gang với, đường vào Bản Liền hiện nay vẫn đầy nham nhở, bụi mù, chưa bình phục sau trận mưa lũ lịch sử 9.2024.

Gặp lại ở chợ phiên

Gặp lại ở chợ phiên

Những phiên chợ ở vùng cao giống như “bảo tàng sống” về đất và người. Chợ phiên vùng cao A Lưới không chỉ là nơi mua bán hàng hóa, mà dường như còn chứa đựng cả một kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào Bru - Vân Kiều, Tà Ôi, Cơ Tu... ở miền Tây xứ Huế này.

Lập Trung tâm tài chính quốc tế để Việt Nam bứt phá - Bài 1: Mở lối thu hút dòng vốn mới

Lập Trung tâm tài chính quốc tế để Việt Nam bứt phá - Bài 1: Mở lối thu hút dòng vốn mới

Với việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng, một giai đoạn mới cho phát triển của các vùng kinh tế đặc thù, hình thành cầu nối hút vốn mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để tạo hành lang cho các trung tâm tài chính vận hành.