Trung Quốc vươn lên đứng đầu thế giới về quy mô điện hạt nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Truyền thông Trung Quốc ngày 27/4 dẫn nguồn tin từ Cục Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA) cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu thế giới về quy mô tổng thể điện hạt nhân.

nha-may-dien-hat-nhan-phuc-thanh-o-tinh-phuc-kien-trung-quoc-anh-xinhua.jpg
Nhà máy điện hạt nhân Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

"Hiện tại, Trung Quốc có 102 tổ máyđiện hạt nhân với tổng công suất lắp đặt 113 triệu kilowatt đang vận hành, đang xây dựng và đã được phê duyệt xây dựng. Về quy mô tổng thể điện hạt nhân, Trung Quốc lần đầu tiên đã trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới", theo báo cáo của CNEA.

Trung Quốc hiện có 28 tổ máy điện hạt nhân đang xây dựng với tổng công suất 33,65 triệu kilowatt, và là năm thứ 18 liên tiếp nước này đứng đầu thế giới về công suất các tổ máy đang xây dựng.

Báo cáo nêu rõ: "Trung Quốc có 58 tổ máy điện hạt nhân đang vận hành thương mại, với tổng công suất lắp đặt 60,96 triệu kilowatt. Ngoài ra, sản lượng điện hạt nhân của nước ta tiếp tục tăng trưởng".

Trong năm 2024, tổng sản lượng điện từ các nhà máy đang vận hành đạt 444,7 triệu kilowatt giờ, chiếm 4,72% tổng sản lượng điện của cả nước, đưa Trung Quốc lên vị trí thứ hai thế giới về tổng sản lượng điện hạt nhân.

Theo dữ liệu từ Power Reactor Information System (PRIS), trên thế giới có gần 450 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp điện cho các quốc gia, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện và khoảng 4% tổng các nguồn năng lượng toàn cầu...Những nước dẫn đầu về điện hạt nhân là Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc.

Năng lượng hạt nhân được xem như giải pháp thay thế cho than đá, khi dư luận và giới chức Trung Quốc ngày càng lo ngại về chất lượng không khí, biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch. Trung Quốc từng kỳ vọng trở thành cường quốc đứng đầu thế giới về năng lượng hạt nhân vào năm 2030 và đạt mục tiêu sản xuất 200 gigawatt điện vào năm 2035, nhờ 150 lò phản ứng bổ sung.

Nước này có hai công ty điện hạt nhân lớn là Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc hoạt động ở khu vực đông bắc và Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc, chủ yếu ở vùng đông nam.

Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt đỉnh về phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon trước năm 2060. Đây được gọi là mục tiêu "carbon kép".

Có thể bạn quan tâm

Phát hiện virus khổng lồ ở Phần Lan

Phát hiện virus khổng lồ ở Phần Lan

Lần đầu tiên ở Phần Lan, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Nano thuộc Đại học Jyväskylä (Phần Lan) đã cô lập được một chủng virus khổng lồ và đặt tên là Jyvaskylavirus.